Việc “định vị” đúng nông sản đặc trưng đã giúp nhiều vùng đất khó trên địa bàn tỉnh Gia Lai trở nên trù phú, đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập cao đáng kể.

Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Tây Nguyên, Gia Lai là tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai của cả nước, trong đó đất sản xuất nông nghiệp hơn 845.000ha, điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu.

Phát huy hiệu quả hơn nữa lợi thế về khí hậu và thổ nhưỡng, một số địa phương khu vực phía Đông và Đông Nam, tỉnh Gia Lai đã vận động, hướng dẫn người dân đầu tư trồng cây ăn quả, đưa giống lúa mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Việc “định vị” đúng nông sản đặc trưng đã giúp nhiều vùng đất khó trở nên trù phú, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập cao đáng kể. 

Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu nhờ 'định vị” đúng nông sản đặc trưng  第1张 Đồng bào dân tộc thiểu số làm giàu nhờ "định vị” đúng nông sản đặc trưng.

Huyện Kbang được xem là “thủ phủ” cam, quýt của tỉnh Gia Lai với diện tích trên 110 ha, trong đó, riêng xã Sơn Lang có tới 59 ha. Sau nhiều năm bén duyên vùng đất mới, loại cây có múi này đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu.

Hay huyện Kông Chro, đến nay, đã phát triển được 700 ha cây ăn quả các loại, chủ lực là cây nhãn, na Thái. Riêng xã Yang Trung có hơn 91 ha cây ăn quả, trong đó na Thái có hơn 40 ha, trồng tập trung tại thôn 9 và thôn 10. Hơn 6 năm kể từ khi bén rễ vùng đất cằn Kông Chro, cây na Thái đã khẳng định ưu thế vượt trội, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, trở thành cây đặc sản của địa phương.

Tương tự, giống lúa mới TBR97 cho năng suất, chất lượng cao cũng được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh, khiến bà con rất phấn khởi. 

Được biết, Đề án Phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai sẽ dành khoảng 120 ngàn ha để thực hiện Đề án này với khát vọng xây dựng tỉnh trở thành trung tâm sản xuất rau quả lớn của cả nước.

Để hiện thực hóa khát vọng này Gia Lai đang triển khai các dự án lớn và ưu tiên thu hút đầu tư. Điển hình như Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Đăk Đoa quy mô 459,04ha, tổng vốn đầu tư 1.490 tỷ đồng; Dự án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại thành phố Pleiku, quy mô 3 giai đoạn, diện tích 100ha với tổng vốn đầu tư 500 tỷ đồng...

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, tính đến nay tỉnh Gia Lai đã thu hút được 258 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó đã hình thành nên 18 vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích gần 3.500ha, tập trung vào các sản phẩm cây trồng có thế mạnh như: bơ, sầu riêng, thanh long, chuối, ớt, hồ tiêu, cà phê, rau, hoa, dược liệu.