MỹJonelle Matthews, 12 tuổi, biến mất khỏi nhà vào năm 1984, mãi 35 năm sau hài cốt của cô bé mới được phát hiện khi các công nhân đào đường cách nhà 24 km.
Jonelle sinh ra năm 1972, được gia đình Jim và Gloria Matthews nhận nuôi khi mới sáu tuần tuổi, sống ở Greeley, Colorado.
Tối 20/12/1984, Jonelle đi biểu diễn cùng dàn hợp xướng của trường trong buổi hòa nhạc Giáng sinh. Hôm đó, Gloria phải rời nhà đến chăm sóc người thân bị ốm. Jim đi xem trận bóng rổ của con gái lớn.
Sau khi kết thúc buổi diễn, Jonelle đi nhờ xe của bố bạn học, về nhà vào 20h15. Hơn 20h30, Jonelle trả lời một cuộc điện thoại và ghi lại tin nhắn cho bố. Cuộc điện thoại này là lần cuối cùng có người nói chuyện với cô bé.
Jim trở về lúc 21h30, thấy cửa gara mở, đèn và tivi trong nhà vẫn bật nhưng không có ai. Tất và khăn choàng của Jonelle ở gần lò sưởi trong phòng khách, nơi cô bé thường ngồi. Chị gái của Jonelle về đến nhà lúc 22h, cũng không biết em đi đâu. Người cha lo lắng gọi cảnh sát.
Cảnh sát tìm thấy dấu giày trên tuyết, cho thấy ai đó đã đứng nhìn vào nhà từ ngoài cửa sổ và đi loanh quanh. Không có dấu hiệu đột nhập hay vật lộn. Với lớp tuyết trên mặt đất, Jim nghĩ con gái sẽ khó có thể đi xa nếu không mang giày.
Cảnh sát phát hiện dấu giày trên tuyết bên ngoài ngôi nhà của gia đình Matthews. Ảnh: KNCC
Cảnh sát Greeley không tìm thấy manh mối giá trị nào ở hiện trường. Trong vài tuần sau vụ mất tích, họ bí mật giám sát mẹ đẻ của Jonelle, nghi ngờ người phụ nữ này có thể đòi lại con. Tuy nhiên họ phát hiện người này không hay biết về vụ việc, thậm chí không biết nơi ở hiện tại của con gái.
Bế tắc, cảnh sát Greeley treo thưởng 20.000 USD, sau đó nhờ FBI giúp đỡ, nhưng cuộc điều tra vẫn không có tiến triển. Khi các manh mối cạn kiệt, cộng đồng vẫn không ngừng tìm kiếm, phát tờ rơi tới 4.000 cửa hàng để tránh Jonelle bị lãng quên.
Những nỗ lực không mệt mỏi của họ đã thu hút sự chú ý của Nhà Trắng, Tổng thống Ronald Reagan đề cập đến Jonelle trong bài phát biểu ngày 7/3/1985, ủng hộ chiến dịch quốc gia in hình trẻ em mất tích lên vỏ hộp sữa. Cô bé 12 tuổi cũng được nhắc đến trong Hồ sơ Quốc hội của Hạ viện Mỹ vào ngày 2/4/1985.
Jonelle là một trong những đứa trẻ mất tích đầu tiên được in ảnh và thông tin lên vỏ hộp sữa, nhằm lan truyền rộng rãi trên toàn quốc với hy vọng cô bé có thể tìm được đường về hoặc có người cung cấp manh mối cho cảnh sát.
Jonelle vẫn biệt tăm cho đến năm 1994, một thập kỷ sau khi mất tích, cô bé được nhà chức trách tuyên bố đã chết.
Ảnh Jonelle Matthews được in trên vỏ hộp sữa. Ảnh: NBC
Năm 2018, một thám tử là bạn học cũ của chị gái Jonelle được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án năm xưa, thề sẽ tìm ra chân tướng. Cảnh sát Greeley liên hệ lại với các nhân chứng và áp dụng những tiến bộ khoa học pháp y mới nhất vào cuộc điều tra.
Lúc này, một phụ nữ tên Angela Hicks đứng ra chia sẻ câu chuyện của mình. Cô nói đã phải sống hàng thập kỷ với mối nghi ngờ đen tối, chịu đựng sự im lặng và sợ hãi. Angela cho biết chồng cũ là Steven Pankey, 67 tuổi, từng thể hiện những hành vi khiến cô tin rằng ông ta có liên quan đến vụ mất tích của Jonelle.
Năm 1984, hai vợ chồng sống cách nhà Matthews khoảng 5 km. Steven còn từng là mục vụ tại nhà thờ mà gia đình Matthews tham gia.
Angela cho biết gia đình họ rời thị trấn vào ngày 22/12/1984, hai ngày sau khi Jonelle mất tích, để tụ họp lễ Giáng sinh với người thân ở California, chuyến đi không được lên kế hoạch trước. Trên đường quay về Greeley vào 26/12, cô thấy Steven quan tâm một cách bất thường đến vụ mất tích, tìm kiếm tin tức về Jonelle trên radio, dừng lại ở một cửa hàng tạp hóa để lấy những tờ báo có bài viết về cô bé từ vài ngày trước, sau đó bắt vợ đọc cho nghe trên xe.
Ngay sau khi về nhà, Steven bắt đầu đào xới sân sau. Vào khoảng thời gian đó, một chiếc ôtô cất trong gara bỗng bốc cháy và bị vứt ở bãi.
Vài tháng sau vụ mất tích, Steven dự lễ ở nhà thờ, nghe một mục sư tuyên bố Jonelle sẽ được tìm thấy an toàn. Angela khẳng định đã nghe thấy chồng lẩm bẩm đáp lại, nói mục sư là một tiên tri giả. Năm 2008, con trai của Steven bị sát hại. Tại đám tang của con, Angela nghe thấy chồng nói: "Tôi hy vọng Chúa để điều này xảy ra không phải vì Jonelle Matthews".
Cảnh sát cho biết Steven từ lâu đã lọt vào tầm ngắm vì hành xử kỳ lạ và quan tâm đến vụ án thái quá. Ngay từ năm 1999, ông ta tự tham gia cuộc điều tra, nhiều lần tuyên bố biết về tội ác và đề nghị các thỏa thuận miễn trừ trách nhiệm với cơ quan thực thi pháp luật để đổi lấy việc tiết lộ thông tin. Ông ta còn viết thư cho cảnh sát, nêu rõ bằng chứng ngoại phạm của mình, nói rằng nắm được thông tin về vụ án từ một lời thú tội trong nhà thờ.
Sau tiết lộ của Angela, cảnh sát chính thức coi Steven là nghi phạm, nhưng không đủ bằng chứng.
Ngày 23/7/2019, các công nhân xây dựng phát hiện hài cốt người khi lắp đặt đường ống gần nút giao thông ở vùng nông thôn, cách nhà cũ của gia đình Matthews khoảng 24 km. Dựa trên bằng chứng ADN, nhà chức trách xác định hài cốt là Jonelle, trên người nạn nhân vẫn mặc bộ quần áo giống như lúc biến mất. Báo cáo pháp y ghi nguyên nhân cái chết là "vết thương do đạn bắn vào đầu".
Cảnh sát khám nghiệm hiện trường tìm thấy hài cốt Jonelle Matthews. Ảnh: CBS
Ngày 4/9/2019, cảnh sát thành phố Twin Falls có lệnh khám xét căn hộ Steven ở sau khi chuyển đến bang Idaho. Ông ta từ chối trả lời các câu hỏi của điều tra viên.
Nhà chức trách thu giữ các thiết bị điện tử của Steven, phát hiện hàng nghìn lượt tìm kiếm thông tin về vụ án Jonelle từ rất lâu trước khi ông ta bị coi là nghi phạm. Công tố viên cho biết Steven cập nhật thông tin về vụ án suốt nhiều năm dẫu đã nhiều lần chuyển nhà.
Ngày 13/9/2019, Sở cảnh sát Greeley thông báo Steven là nghi phạm trong vụ bắt cóc và sát hại Jonelle.
Steven phủ nhận quen biết Jonelle hay gia đình nạn nhân và chỉ nghe nói về họ sau vụ mất tích. Ông ta cho biết ở nhà cùng vợ vào đêm xảy ra vụ việc. Theo Steven, gia đình ông ta dự định rời thị trấn vào ngày hôm sau và đã chất sẵn đồ lên xe, khác với lời khai của Angela.
Ngày 13/10/2020, Steven bị truy tố về tội giết người cấp độ một và bắt cóc.
Theo cáo trạng, Steven biết rằng một chiếc cào đã được dùng để che đậy dấu vết để lại trên tuyết tại hiện trường vụ án, thông tin đó chưa bao giờ được tiết lộ cho công chúng.
Trong phiên tòa xét xử bắt đầu vào 14/10/2021, Steven bị cáo buộc đã dùng súng ép Jonelle ra khỏi nhà rồi sát hại.
Dù không có bất kỳ bằng chứng ADN nào, bên công tố lập luận rằng hành vi và lời khai của Steven đã buộc tội ông ta trong vụ giết người. Nhưng luật sư bào chữa cho rằng "sự quan tâm đến mức ám ảnh" của Steven đối với vụ án có thể là do hội chứng Asperger, một dạng rối loạn tự kỷ, khiến ông ta tự đặt mình vào giữa cuộc điều tra để chứng tỏ "tầm quan trọng của bản thân".
Bồi thẩm đoàn không thể đưa ra phán quyết nhất trí về hai tội danh nghiêm trọng của Steven sau một tháng xét xử, chỉ kết tội ông ta khai báo sai với chính quyền.
Khi tái thẩm, Steven bị bồi thẩm đoàn kết tội bắt cóc và sát hại Jonelle, ngày 31/10/2022. Ông ta nhận án tù chung thân với thời hạn tối thiểu là 20 năm.
Tuệ Anh (Theo Greeley Tribune, Denver Post)
Đăng thảo luận