Loại quả được coi là "thần dược phòng the", 500.000 đồng/kg vẫn hút khách
(Dân trí) - Có giá đắt hơn nhiều so với na thường nhưng na rừng vẫn được nhiều khách hàng săn lùng. Đặc biệt, loại na rừng khổng lồ, mỗi quả nặng 3-4kg có giá lên đến 500.000 đồng/kg.
Nà rừng thường được bán với giá khoảng 100.000 đồng/kg. Đáng chú ý, loại na rừng khổng lồ, nặng 3-4kg/quả có giá lên đến 500.000 đồng/kg. Dù đắt hơn na thường nhưng na rừng vẫn được nhiều người lùng mua. Thậm chí, nó còn được mệnh danh là "thần dược phòng the".
TS.Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, na rừng là một loại cây bụi leo thường xanh thuộc họ Ngũ vị tử (Schisandraceae). Nó được phân phối rộng rãi ở các tỉnh phía tây nam của Trung Quốc, cũng như ở Tây Bắc Việt Nam.
Quả na rừng có hình thù kỳ lạ, giống quả bóng đá, nổi tiếng là đệ nhất quả lạ trên thế giới (Ảnh minh họa: An Chi).
Quả na rừng có hình thù kỳ lạ, giống quả bóng đá, nổi tiếng là đệ nhất quả lạ trên thế giới. Đồng thời, các tác dụng dược lý của nó cũng rất mạnh mẽ.
Mùa quả na rừng thường từ tháng 7 đến tháng 11. Quả tập hợp gần như hình cầu, có màu đỏ hoặc tím sẫm.
Na rừng khi chín có vị ngọt và thơm, hương vị độc đáo, giá trị dinh dưỡng cao, giàu vitamin C, E, axit amin và các nguyên tố vi lượng. Thịt quả na rừng nhiều cùi, màu trắng đục, vị thơm ngon tinh tế, là loại trái cây dân dã được nhiều người yêu thích.
Theo TS Giang, na rừng là một nguồn giàu lignans và triterpenoids. Cho đến nay, 202 hợp chất khác nhau đã được phân lập từ loại cây này.
Các thành phần hóa học của loại cây này đã được báo cáo với một số hoạt tính sinh học khác nhau, bao gồm chống oxy hóa, chống khối u, gây độc tế bào, chống viêm, chống viêm gan, ức chế oxit nitric, chống kết tập tiểu cầu và tác dụng bảo vệ thần kinh.
Trong y học cổ truyền, na rừng còn được gọi là "hắc lão hổ", dùng làm thuốc có công dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong, hoạt lạc, điều khí, chỉ thống, thanh can minh mục, ích thận cố tinh, bổ huyết, dưỡng nhan.
Nó được sử dụng để chữa di tinh, tiểu đêm, mất ngủ, ho mãn tính, bệnh viêm dạ dày mãn tính, bệnh viêm loét dạ dày ruột, viêm khớp, vết bầm tím, sưng đau, đau bụng kinh và ứ huyết sau sinh.
"Ngoài sử dụng quả tươi, quả và rễ na rừng còn dùng để ngâm rượu. Theo y học bản địa dân tộc H'Mông nước ta, rượu na rừng hay gọi là rượu Tứn khửn, có tác dụng tốt cho đàn ông và được coi là "thần dược phòng the"", TS Giang cho biết.
Theo y học cổ truyền, chức năng sinh dục cũng như vấn đề về sinh dục gồm rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, di tinh, mộng tinh đều liên quan đến tạng thận. Na rừng có tác dụng ích thận cố tinh, nên được dùng để tăng cường sinh lý nam giới. Những tác dụng khác của na rừng cũng giúp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Dù vậy, chuyên gia cũng lưu ý việc sử dụng rượu ngâm để bổ dương, tăng cường sinh lý không đúng cách có thể gây nhiều nguy cơ. Bản thân rượu cũng là chất kích thích làm tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn cương dương.
"Chưa kể loại rượu sử dụng có lẫn các thành phần nào khác nữa hay không? Nồng độ dược liệu trong rượu có quá đậm đặc không? Lượng rượu sử dụng có quá nhiều hay không?", TS Giang nói.
Vì thế, nếu có vấn đề về sinh lý nam giới, người bệnh cần được thăm khám cẩn thận và được thầy thuốc tư vấn về phương pháp điều trị, bổ sung đúng cách các loại dược liệu, thực phẩm cũng như những thứ cần phải kiêng kỵ.
Đăng thảo luận