Bạn tôi mua ôtô, bị một người lấn hẻm buôn bán chất vấn: 'Sao tự nhiên giờ anh mua ôtô làm chi rồi không vào được hẻm'?

Mâu thuẫn giữa "quán ăn lòng hẻm" với cư dân do chất lượng cuộc sống tốt hơn xảy ra ngày càng nhiều. Tại một con hẻm rộng 5 m, trước đây, khi người dân bày quán ăn ra hẻm, xe máy vẫn qua lại bình thường.

Nhưng giờ đời sống khá hơn, trong hẻm bắt đầu có nhiều nhà mua ôtô thì mâu thuẫn lại xảy ra.

Vậy cái lý sẽ là: "Nếu anh không buôn bán lấn chiếm thì xe của tôi đã vào nhà được rồi", hay "Tôi bán ở đây bao năm có sao đâu, trước đây nhà anh cũng qua ăn suốt mà. Sao tự nhiên giờ anh mua ôtô làm chi rồi không vào được"?.

Sau khi bán nhiều năm, hàng quán cũng "mọc rễ", người bán xem những chỗ lấn chiếm này như là "chủ quyền nhà" của họ.

Một câu chuyện khác cũng liên quan đến chủ quyền "hẻm", nhưng phát sinh mâu thuẫn do vấn đề chủ nhà cũ, chủ nhà mới với người bán hàng.

Chủ nhà cũ là dân địa phương lâu năm, cùng lớn lên với gia đình bán hàng vỉa hè, nên đã tạo điều kiện cho họ mấy chục năm bán quán ăn bên hông nhà anh. Người chủ nhà mới ở xa mới đến, không có liên quan tình cảm gì với người bán hàng vỉa hè.

Quan trọng nhất, anh thích cuộc sống yên tĩnh, không xô bồ ồn ào, không thích mùi thức ăn ám nồng nặc cả ngày ngay nhà mình ở. Thế là tranh cãi to, thậm chí xém xảy ra xô xát.

Với các mặt bằng kinh doanh, các hàng quán ra sau thấy các quán trước đó có lợi thế cạnh tranh chính là tận dụng được vỉa hè, nên họ cũng làm theo hướng này.

Ví dụ một quán ăn cần diện tích chỗ ngồi 50 mét vuông, diện tích để xe 30 mét vuông. Thay vì phải thuê một mặt bằng 80 mét vuông với giá 16 triệu, họ chỉ cần thuê 50 mét vuông với giá 10.000.000, tiết kiệm được 6.000.000 nhờ tận dụng được vỉa hè.

Số tiền này lại được tính giảm vào giá bán để cạnh tranh với các hàng quán trước đó. Giả sử tô bún có giá 40.000, trong đó 8.000 là tiền thuê mặt bằng, nhờ tận dụng vỉa hè, có thể giảm 3.000 để bán 37.000.

Đó là còn chưa kể những hàng quán có diện tích mặt bằng trong nhà ít hơn cả phần diện tích lấn chiếm ngoài vỉa hè, đường hẻm

Tầm 25 năm trước, nhà hàng xóm bày bán đồ ăn sáng trước cửa nhà anh bạn tôi. Dù trước cửa nhà lúc nào cũng chộn rộn ồn ào, mỗi lần dắt xe ra vào nhà cũng hơi vướng víu, nhưng khi được hỏi có khó chịu không thì anh bạn cũng cảm thấy bình thường, tạo điều kiện để họ kiếm sống.

Mặt khác, giai đoạn đó đời sống ai cũng khó khăn, chi tiêu phải dè sẻn. Những gánh hàng rong này, nhờ không tốn chi phí mặt bằng và nhân công (vì cả nhà cùng nhau bỏ công tự làm lời), nên cũng đã giúp cho nhiều người no bụng với một cái giá rất rẻ.

Ngày đám cưới của một anh bạn khác 14 năm trước liên quan đến câu chuyện chủ quyền "vỉa hè, lề đường, lòng hẻm" này.

Hẻm nhà anh bạn có 3 quán bán đồ ăn sáng ngay trước nhà anh và hàng xóm hai bên. Từ 6 giờ đến 9 giờ sáng hàng ngày, con hẻm 4 m chỉ có thể đi lọt một xe máy vì bàn ghế bày bán và xe cộ của khách đến ăn chật kín.

Vào ngày đám cưới, anh báo trước cho 3 chủ quán này, nhờ họ nghỉ giúp ngày này để đoàn đám cưới tiện ra vào hẻm, bưng mâm quả làm các thủ tục cưới.

Tuy nhiên, vào đúng ngày đám cưới, chỉ có hai quán nghỉ, còn một quán vẫn bán bình thường với lý do: "Sao anh kêu tôi nghỉ mà anh không trả tiền thiệt hại buôn bán hôm nay cho tôi?".

Người này bán được thì người kia cũng bán được, người này trưng bảng hiệu ra vỉa hè để thu hút khách thì người kia cũng trưng ra được, cửa hàng này tận dụng vỉa hè để xe được thì cửa hàng kia cũng tận dụng được... dẫn đến tình trạng bát nháo như hiện nay.

Dân cư giờ đã bắt đầu đông đúc hơn, xe cộ lưu thông cũng nhiều hơn nên việc buôn bán ở "vỉa hè, lề đường, lòng hẻm" đã gây nhiều phiền toái cho nhiều người khác.

Việc buôn bán giờ cũng không còn gọn gàng, chỉ một cái quang gánh hay một cái bàn hai cái ghế phục vụ cho những người dân trong khu xóm, mà còn bán cho cả nhiều người ở nơi khác đến.

Ví dụ một con hẻm trước đây có 100 hộ dân. 3 hộ dân bày ra bán đồ ăn ngay đầu hẻm để phục vụ "cái giá rẻ" và "sự tiện lợi" cho 97 hộ còn lại, nên các hộ dân trong hẻm cũng không có ý kiến.

Hiện tại, số lượng dân cư trong hẻm đã tăng lên gấp đôi. 3 quán ăn kia, giờ ngoài việc bán cho cư dân trong hẻm, còn mở rộng ra bán cho cư dân nhiều nơi khác đến.

Dân cư đông lên, quán ăn mở rộng, xe cộ của khách các nơi khác đến tấp nập (dân trong hẻm đi bộ ra ăn, không đi xe) dẫn đến quá tải con hẻm về tình trạng lưu thông, an ninh trật tự.

Bản thân người dân trong hẻm giờ đây đời sống cũng khá hơn, khả năng chi tiêu cao hơn, cần những bữa ăn chất lượng hơn, quan tâm nhiều hơn đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, cũng không còn là khách hàng của những quán lấn chiếm hẻm này, nên cảm giác không còn nhận được quyền lợi "giá rẻ", "tiện lợi" mà những hàng quán này mang lại.

Ngược lại, họ bắt đầu cảm thấy khó chịu vì phiền hà mà những quán ăn này mang lại.

Đời sống tốt hơn, người dân xung quanh những nơi hàng quán này buôn bán cũng dần cần sự yên tĩnh, sạch sẽ, đường giao thông thông thoáng hơn là "cái giá rẻ" mà những hàng quán này từng mang lại cho họ.

Với những người vì điều kiện thu nhập còn hạn chế, có thể vẫn thích cái "giá rẻ" và sự tiện lợi của những hàng quán vỉa hè này.

Tuy nhiên, nhu cầu về chất lượng cuộc sống giờ cũng khá hơn trước, nên họ chỉ yêu thích "cái rẻ", "cái tiện lợi" khi những hàng quán này đặt ở trước nhà người khác, chứ không phải nhà họ.

Vậy giải pháp là gì?

1.Ý thức của người mua. Đây là yếu tố quan trọng nhất.

- Nếu người mua nói không với những hàng quán buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì sẽ không có người bán.

- Mình không thích các hàng quán buôn bán ở trước cửa nhà mình, thì mình cũng đừng mua hàng từ những hàng quán buôn bán trước cửa nhà người khác.

2. Sự đồng bộ của việc thi hành luật

- Nếu tất cả hàng quán đều phải tuân thủ pháp luật như nhau, không được bày bán ra ngoài đường, thì tất cả sẽ rất dễ dàng trong việc cộng thêm chi phí sử dụng mặt bằng vào giá bán

- Nếu sự cạnh tranh không phải đến từ việc lấn chiếm vỉa hè lòng đường, thì các hàng quán sẽ không cần tận dụng điều này nữa.

*Quan điểm của bạn thế nào về chuyện buôn bán lấn chiếm vỉa hè, đường hẻm? Gửi bài tại đây.

Lê Quốc Kiên