Những thanh niên khuyết tật này luôn nỗ lực để mang đến cho trẻ em trong cộng đồng một môi trường học tập đầy ắp tình yêu thương.

Người khuyết tật lan tỏa tình yêu bằng dự án tri thức  第1张

Ban tổ chức chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt trao bằng khen cho tấm gương khuyết tật tiêu biểu của năm 2023

Nguyễn Thị Kim Hòa và Hà Bích Hảo là những tấm gương thanh niên khuyết tật được vinh danh tại chương trình Tỏa sáng nghị lực Việt. 

Họ, dù trải qua gian truân, vẫn luôn thầm lặng cống hiến để giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn khác có thể hòa nhập và đón nhận tình yêu thương từ cộng đồng. 

Đây cũng chính là thông điệp lớn mà chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" được tổ chức bởi sự hợp tác giữa TCP Việt Nam và Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam muốn gửi gắm.

Năm nay, chương trình dự kiến sẽ tôn vinh 38 nhân vật thanh niên đặc thù tiêu biểu với mong muốn truyền đi nguồn cảm hứng cho hàng triệu thanh niên khuyết tật Việt Nam.

Dùng tình yêu nghệ thuật để truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ

Tác phẩm truyện thiếu nhi đầu tay "Tay chị, tay em" của Nguyễn Thị Kim Hòa kể về một cô bé bị khiếm khuyết đôi tay, nhưng luôn lạc quan để tìm cách yêu bàn tay của mình. 

Câu chuyện cũng chính là một phần cuộc đời chị, sau cơn sốt bại liệt từ năm 2 tuổi khiến cả bàn tay phải và 60% tay trái không thể hoạt động.

Sau khi học xong tấm bằng kinh tế, chị trở về quê nhà ở Ninh Thuận, vừa làm giáo viên dạy Anh văn và luyện chữ cho trẻ em, vừa miệt mài ra mắt các tác phẩm văn học, từ truyện dài đến truyện ngắn và đạt nhiều giải thưởng khác nhau của Hội Nhà văn, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội… 

Vì có vấn đề với đôi tay và cột sống, rất nhiều tác phẩm của chị được sáng tác khi chị phải vừa nằm vừa viết.

Người khuyết tật lan tỏa tình yêu bằng dự án tri thức  第2张

Chị Hòa trong một hoạt động đọc truyện cùng các em nhỏ

"Sau khi trở thành một trong ‘20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021’ của tạp chí Forbes, mình có cơ hội được đi chia sẻ nhiều hơn. Nhiều bạn chia sẻ rằng gia đình không đồng ý theo đuổi con đường văn chương". 

Thấy mình trong câu chuyện ấy, chị quyết tâm mở một lớp dạy đọc - viết sáng tạo ở quê nhà. Lớp học chỉ mở dịp hè giờ đây đã được tổ chức thường xuyên hơn, thậm chí có thêm cộng tác viên đến vào cuối tuần để cùng đọc sách với các em.

Người khuyết tật lan tỏa tình yêu bằng dự án tri thức  第3张

Năm 2023, khi tham gia chương trình "Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng", chị đã vinh dự được gặp và báo cáo thành tích với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Văn phòng Trung ương Đảng.

Khi được đề cử tại chương trình, chị xúc động và mong muốn có thể lan tỏa câu chuyện của mình rộng rãi hơn, "để các bạn biết rằng mình cũng gặp khó khăn nhưng luôn nỗ lực để học tập và sống với đam mê, nên mình hy vọng các bạn cũng có sức mạnh vượt qua mọi chông gai như thế".

Theo đuổi tâm lý và giáo dục để nuôi dưỡng hạnh phúc cho trẻ em đặc biệt

Sau một sự cố y tế, từ 6 tháng tuổi, chị Hảo đã không nghe được một bên tai và không nhìn được mắt phải. 

Lấy đó làm động lực, chị tích cực điều phối các dự án của Tổ chức phi lợi nhuận về y tế cộng đồng "Helping Viet Nam Children", kết nối và điều phối các chương trình thăm khám và phẫu thuật miễn phí dành cho trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn tại các tỉnh thành.

Người khuyết tật lan tỏa tình yêu bằng dự án tri thức  第4张

Hà Bích Hảo cũng thực hiện và duy trì chương trình "Tết tròn" dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn tại xã Yên Khánh từ 2017 đến nay.

Là thạc sĩ tâm lý học, chị hiểu về tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường giáo dục khỏe mạnh, an toàn. Thế nên chị Hảo vẫn tự hào nhất về lớp học Mầm hạnh phúc và quỹ Mầm, các dự án truyền cảm hứng về giáo dục của mình.

Mầm hạnh phúc là một lớp học gần như miễn phí cho trẻ đặc biệt, dạy về ngôn ngữ, hành vi cho trẻ tự kỷ... Còn quỹ Mầm, một quỹ chăm sóc việc học cho các em nhỏ khuyết tật và mồ côi, là một hành trình dài hơi từ 2017.

Người khuyết tật lan tỏa tình yêu bằng dự án tri thức  第5张

Hà Bích Hảo trong một buổi dạy học

"Từ nhỏ mình đã bị bắt nạt học đường vì ngoại hình khác biệt. Thế nên khi lập nên lớp học, mình muốn các bạn được là những đứa trẻ hạnh phúc. 

Giây phút được đề cử là một trong những gương mặt của chương trình ‘Tỏa sáng nghị lực Việt’, mình hiểu sâu sắc rằng mọi việc dù nhỏ nhất mà bản thân làm cũng đều có ý nghĩa lớn lao.

Mong muốn của mình chỉ là được chia sẻ câu chuyện của mình đến nhiều người hơn, để có thêm nhiều người biết về hoàn cảnh của các em" - chị Hảo chia sẻ. 

Còn với Kim Hòa, chị hy vọng qua chương trình, câu chuyện của chị đến được với nhiều bạn cùng hoàn cảnh và tiếp thêm niềm tin rằng "Có đi ắt có đến. Hãy để khó khăn trở thành sức bật đưa bạn đến thành công". 

Sự quan tâm, đồng hành của chương trình không chỉ là nguồn động viên lớn lao đối với những tấm gương thanh niên nghị lực mà còn góp phần tạo ra sự lan tỏa trong cộng đồng xã hội.

Chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" là sự kiện thường niên được Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với Công ty TCP Việt Nam tổ chức. Năm 2024, đánh dấu cột mốc 5 năm hợp tác giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam và TCP Việt Nam.

Chương trình nhằm tìm kiếm và tôn vinh các tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu, giàu nghị lực, vượt qua nghịch cảnh và tích cực đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng; góp phần bồi đắp lý tưởng sống tốt đẹp cho thanh niên, thúc đẩy sự vươn lên của thanh niên Việt Nam.

Đồng thời, chương trình cũng mong muốn tạo sự lan tỏa và quan tâm, kêu gọi cộng đồng xã hội tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng thanh niên khuyết tật Việt Nam và tìm ra các mô hình phù hợp, bền vững để hỗ trợ thanh niên đặc thù hòa nhập cộng đồng, tự tin theo đuổi ước mơ, khát vọng.