Các nhà nghiên cứu suy đoán miệng hố bị che khuất trên Mặt Trăng có thể là nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời với nhiệt độ - 248,15 độ C.

Nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời  第1张

Những miệng hố trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: Science News

Vũ trụ rất lạnh. Nhiệt độ ngoài không gian là -270,45 độ C, chỉ cao hơn một chút so với độ 0 tuyệt đối (-273,15 độ C), điểm mà tại đó phân tử ngừng chuyển động. Nhưng mức nhiệt này không đồng đều trong hệ Mặt Trời. Ví dụ. một số không gian "rỗng" lạnh hơn nhiều so với các hành tinh, mặt trăng hoặc tiểu hành tinh do không có bất cứ thứ gì hấp thụ năng lượng từ Mặt Trời. Nếu không tính đến không gian "rỗng", nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời có thể khá gần Trái Đất, theo Live Science.

Năm 2009, tàu quay quanh quỹ đạo Lunar Reconnaissance, tàu vũ trụ tự động của NASA được thiết kế để giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn điều kiện trên Mặt Trăng, cung cấp dữ liệu hé lộ những miệng hố bị che khuất ở cực nam Mặt Trăng có thể là nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời. Giả thuyết này sau đó được củng cố bởi nghiên cứu sinh Patrick O'Brien và người hướng dẫn của ông là Shane Byrne, nhà khoa học hành tinh ở Đại học Arizona.

Theo O'Brien và Byrne, một miệng hố được coi là khuất bóng nếu bị che khuất không chỉ với ánh sáng Mặt Trời trực tiếp mà cả với nguồn nhiệt thứ cấp như bức xạ Mặt Trời phản chiếu từ những bề mặt chiếu sáng gần đó hay bức xạ nhiệt từ nơi ấm áp. Chúng cũng có vành đủ cao để ánh sáng Mặt Trời không bao giờ chiếu tới đáy miệng hố nên rất lạnh. Nghiên cứu của O'Brien và Byrne chỉ ra các vùng bị che khuất vĩnh viễn không được Mặt Trời chiếu sáng suốt hàng tỷ năm, có nhiệt độ ước tính khoảng -248,15 độ C, thậm chí lạnh hơn. "Tôi chắc chắn đây là nhiệt độ lạnh nhất ở vành trong hệ Mặt Trời (từ sao Thủy tới sao Hỏa) và cũng lạnh hơn nhiệt độ bề mặt trung bình ước tính của sao Diêm Vương", Ian Crawford, giáo sư khoa học hành tinh và sinh học vũ trụ ở Birkbeck, Đại học London, cho biết.

Nhiệt độ bề mặt trung bình của sao Diêm Vương là -232,75 độ C. Tuy nhiên, miệng hố bị che khuất trên Mặt Trăng có thể không lạnh như đám mây Oort, lớp vỏ từ mảnh vụn băng nằm bên ngoài quỹ đạo sao Hải Vương. Khác biệt phụ thuộc vào việc chúng ta có bao gồm đám mây Oort vào hệ Mặt Trời hay không.

Đám mây Oort từng được cho là "vùng xa xôi nhất của hệ Mặt Trời", nhưng cũng "nằm ngoài" hệ. Sự thiếu rõ ràng này có nghĩa đôi khi nó được xem như một phần của hệ Mặt Trời, trong khi nhiều người coi nó là ranh giới giữa hệ Mặt Trời và không gian liên sao. Theo Đại học Northwestern ở Illinois, nhiệt độ trong đám mây Oort có thể lạnh tới -268,5 độ C, thấp hơn nhiều so với Mặt Trăng. Tuy nhiên, nếu không tính cả đám mây Oort vào hệ, nơi lạnh nhất trong hệ Mặt Trời nhiều khả năng nằm trên Mặt Trăng.

Trên Trái Đất, ngay cả nhiệt độ lạnh nhất ở Nam Cực cũng ấm hơn nhiều so với miệng hố Mặt Trăng hoặc đám mây Oort. Nhiệt độ lạnh nhất từng được ghi nhận trên đất liền vào ngày 21/7/1983 tại trạm nghiên cứu Vostok của Nga ở Nam Cực (-89,2 độ C), theo Tổ chức khí tượng thế giới.

Tuy nhiên, các nhà khoa học có thể tạo ra nhiệt độ thấp hơn trong tự nhiên trên Trái Đất, cả so với miệng hố Mặt Trăng hay đám mây Oort. Năm ngoái, một nhóm nghiên cứu của Đức phá vỡ kỷ lục lạnh nhất từng đạt được trong phòng thí nghiệm là -273,15 độ C, thông qua thả khí từ hóa từ tháp cao 120 m.

An Khang (Theo Live Science)