Một rapper nghỉ đại học sau hai tháng đứng trên sân khấu hỏi 'Mẹ có thấy con đúng khi nghỉ học chưa?'.

Từ tối qua cho tới sáng nay, tôi thấy mạng xã hội lại xôn xao trước phát ngôn có ngụ ý "nhờ nghỉ học mới thành công" của một rapper. Nhiều khán giả tức giận vì phát ngôn này, trong khi đó nam rapper đã lên tiếng xin lỗi vì lời phát biểu không phù hợp bối cảnh.

Tất nhiên so sánh nào cũng đem lại sự khập khiễng. Nhưng tôi vẫn còn nhớ và xúc động khi xem video ghi lại cảnh "ca ca" Trương Quốc Vinh đứng trước sân khấu lớn, gửi lời cảm ơn với người mẹ, ngồi ở bên dưới, trước khi hát bài "Ánh trăng nói hộ lòng tôi".

Đó phải là cách ứng xử văn hóa của một người nghệ sĩ. Chứ không phải hỏi to: "Mẹ có thấy con đúng khi nghỉ học chưa?".

Trong những năm gần đây, câu chuyện về những người trẻ thành công nhờ bỏ học giữa chừng để theo đuổi đam mê riêng đã trở nên phổ biến. Điều này đã tạo ra một luồng ý kiến trái chiều, trong đó không ít người cho rằng việc nghỉ học là con đường tắt để đạt được thành công.

Câu chuyện về những người thành công nhờ bỏ học chỉ là một chi tiết nhỏ trong một bức tranh lớn.

Việc một số cá nhân thành công nhờ con đường này không có nghĩa là đây là một công thức áp dụng cho tất cả mọi người. Thành công là một khái niệm đa chiều, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có tài năng, đam mê, sự nỗ lực, cơ hội và cả yếu tố may mắn.

Giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức chuyên môn mà còn rèn luyện cho con người những kỹ năng mềm quan trọng như khả năng giao tiếp, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề và tư duy sáng tạo. Đây là những kỹ năng không thể thiếu để thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào, kể cả những lĩnh vực đòi hỏi sự sáng tạo cao như nghệ thuật.

Hơn nữa, môi trường học đường là nơi con người được rèn luyện tính kỷ luật, sự kiên trì và khả năng thích nghi. Những phẩm chất này sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống.

Tuy nhiên, lý thuyết là như vậy, còn ở chiều ngược lại, cũng phải đặt câu hỏi rằng tại sao anh chàng rapper này lại nói như thế.

Nếu anh chàng này không nghỉ học và chẳng làm rapper, thì có lẽ chưa chắc có cơ hội đứng trên sân khấu để ra phát ngôn như vậy. Tôi và nhiều độc giả khác cũng chẳng biết anh này là ai, các fan cũng vậy.

Có thể anh chàng thích ca hát, làm rapper và có năng khiếu âm nhạc hơn là việc đi học đại học, nên mới quyết định nghỉ.

Trong khi đó, chúng ta vẫn đặt nhiều dấu hỏi về những trường đại học làng nhàng tuyển sinh ồ ạt. Sinh viên học xong, ra trường không kiếm được việc để rồi đi làm shipper, xe ôm công nghệ?

Tuy nhiên, theo tôi, dù thế nào bằng cấp vẫn là một tấm vé quan trọng để mở ra nhiều cánh cửa trong cuộc sống. Trong một xã hội ngày càng cạnh tranh, việc không có bằng cấp có thể khiến người trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm ổn định và thăng tiến trong sự nghiệp.

Tất nhiên, nếu ai có năng khiếu hay cơ hội, thì có thể đi đường tắt và dẫn đến thành công như thường. Nhưng đó chỉ là câu chuyện mang tính cá nhân mà thôi.

Hữu Duy