Tổng thống Masoud Pezeshkian tuyên bố Iran sẵn sàng hợp tác nhằm chấm dứt căng thẳng hạt nhân với phương Tây và mở ra "kỷ nguyên mới".

"Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các bên tham gia thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Nếu những cam kết trong thỏa thuận được thực hiện đầy đủ và có thiện chí, đối thoại về các vấn đề khác có thể diễn ra sau đó", Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 24/9.

Tổng thống Iran bày tỏ hy vọng các lệnh trừng phạt của Washington nhằm vào Tehrahn sẽ được nới lỏng, đồng thời gọi những biện pháp cấm vận của Mỹ là "vũ khí hủy diệt và vô nhân đạo được thiết kế để làm tê liệt nền kinh tế của một quốc gia".

Iran sẵn sàng hợp tác để gỡ bế tắc hạt nhân  第1张

Tổng thống Pezeshkian phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 24/9. Ảnh: AFP

Ông Pezeshkian kêu gọi xây dựng mô hình toàn cầu mới, trong đó "tập trung vào các cơ hội thay vì ám ảnh với nỗi lo về những mối đe dọa tiềm tàng", cho rằng thế giới có thể vượt qua những hạn chế và bước vào kỷ nguyên mới. "Kỷ nguyên này sẽ bắt đầu với việc công nhận những lo ngại về an ninh của Iran và hợp tác giải quyết các thách thức chung", ông nói thêm.

Bình luận về căng thẳng leo thang tại Trung Đông, Tổng thống Pezeshkian nhấn mạnh điều cấp thiết là cộng đồng quốc tế phải ngay lập tức đảm bảo lệnh ngừng bắn vĩnh viễn tại Dải Gaza và chấm dứt hành động của Israel tại Lebanon "trước khi nó nhấn chìm khu vực và thế giới".

"Chúng tôi tìm kiếm hòa bình cho tất cả mọi người và không có ý định xung đột với bất kỳ quốc gia nào", ông khẳng định.

Iran năm 2015 đạt thỏa thuận hạt nhân Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) với 6 cường quốc. Theo thỏa thuận, Tehran sẽ hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lại được dỡ bỏ một phần các lệnh trừng phạt. Mỹ năm 2018 rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Iran. Tehran cũng từ bỏ cam kết trong thỏa thuận để đáp trả.

Mỹ và Iran bắt đầu đàm phán gián tiếp, với Liên minh châu Âu làm trung gian, để khôi phục JCPOA từ tháng 4/2021 nhưng đã bế tắc từ năm 2022. Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi đầu năm nay cho biết Iran vẫn tiếp tục làm giàu uranium với tỷ lệ tinh khiết lên tới 60%, vượt xa mức cần thiết để sử dụng thương mại.

Vũ Hoàng (Theo AFP, Reuters)