Cây có tuổi đời của cây. Những "cụ cây" già lão ở đô thị vốn có nhiều vấn đề về sức khỏe, sinh trưởng. Giữ cây, tỉa cây hay cắt bỏ cây xanh đều cần cách làm khoa học, nhất là trước các hình thái thiên tai khắc nghiệt hơn.
Nhân viên Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh TP.HCM kiểm tra, duy tu các cây lâu năm tại công viên Tao Đàn, quận 1, TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến bạn đọc xung quanh việc chăm sóc cây lâu năm ở các đô thị.
Ông Lê Huy Hoàng (trưởng phòng kỹ thuật Công ty Công viên cây xanh Đà Nẵng):
Lập hồ sơ sức khỏe từng cây cổ thụ
Cây xanh đô thị nói chung bị "áp lực" đường dây điện phía trên, dưới gốc rễ thì bị ảnh hưởng bởi hệ thống thoát nước, đó là chưa kể hệ thống cáp quang, biển hiệu… Cần làm gì để cây xanh tốt hơn và phù hợp hơn với điều kiện đường phố Việt Nam?
Tôi cho rằng điều kiện tiên quyết là phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của cây. Bằng việc định kỳ kiểm tra, lập hồ sơ theo dõi… sẽ đánh giá một cách chính xác. Từ đó đưa ra giải pháp quan trọng nhất đối với từng gốc cây cổ thụ.
Ngoài ra với điều kiện đô thị hiện nay, biện pháp tuyên truyền đến tổ chức, người dân nâng cao ý thức bảo vệ cây cổ thụ cũng hết sức quan trọng. Đây là chuyện không nhỏ cần phải làm để giữ cho cây phát triển tốt.
Ngoài ra, cần phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật hiệu quả như tạo không gian cho cây kể cả trên không cũng như mặt đất.
Khi cần thiết thì phải cắt tỉa chọn lọc, cắt tỉa một cách khoa học như cắt tỉa cành khô mục, cành sâu bệnh, cân tán, thông thoáng tán. Có thể bổ sung thêm nước tưới, dinh dưỡng thể để cây sinh trưởng và phát triển.
Ông Nguyễn Văn Chẩn (chủ một vườn ươm ở Đà Nẵng):
Đặc biệt lo lắng với cây lâu năm lệch tán
Việc chăm sóc cây lâu năm, cây cổ thụ dù ít tốn công sức, hầu như chẳng cần phải tưới nước nhưng lại rất phức tạp. Cây này tốn nhiều công sức khi cắt tỉa và có nhiều nguy cơ với người đi đường hơn các nhóm khác.
Cây lâu năm vươn cao, nhiều cành nhánh nên việc cắt tỉa phải dùng xe thang chuyên dụng và tốn rất nhiều công sức. Nhiều khi chỉ 1-2 cây đã mất cả buổi xử lý, phải 2-3 xe tải chở đi mới hết số cành. Đường phố có những cây đại thụ sẽ gây khó khăn cho việc cắt tỉa, nhất là những thời điểm vào mùa mưa bão.
Tôi cho rằng việc xây dựng quy hoạch cây xanh, hướng dẫn quản lý cây xanh đô thị là rất quan trọng. Cũng cần có những kế hoạch chăm sóc, bảo vệ cây xanh ngắn hạn để ứng phó với các hình thái thiên tai.
Cây xanh đường phố phát triển trên vỉa hè hẹp, khoảng cách đến các công trình xây dựng quá gần nên sẽ phát sinh vấn đề lệch tán.
Phần lớn cây thường nghiêng ra lòng đường để nhận ánh sáng nên bị nghiêng. Cây càng lâu năm thì tán lá và gốc rễ phát triển càng bất ổn, nguy cơ cả trong điều kiện thời tiết bình thường lẫn bất thường.
Cây xanh lâu năm, cây cổ thụ cần có quy trình chăm sóc đặc biệt, công cụ quản lý và phương pháp bảo tồn cây cũng tốn công sức hơn các loại cây khác.
PGS.TS Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (Trường đại học Nguyễn Tất Thành):
Trồng lại cây cổ thụ dễ hay khó?
Cây trăm năm đi cùng với ký ức của người dân, những hàng cây là dấu ấn đặc trưng về cảnh quan đô thị, đặc điểm nhận diện của đô thị hoặc của địa phương đó. Trong mỗi TP, công trình cổ và những cây cổ giống như phần hồn của đô thị mà chúng ta phải gìn giữ.
Hà Nội có hàng cây sao đen trên phố Lò Đúc, hàng cây xà cừ đường Hoàng Diệu, hàng sấu đường Phan Đình Phùng. TP.HCM có hàng cây dầu trên đường Huyền Trân Công Chúa, đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Nguyễn Tri Phương, đường Chu Mạnh Trinh…
Lấy kinh nghiệm TP Huế, tháng 9-2020 trận bão số 5 đã làm 15.000 cây xanh của Huế bị bật gốc. TP này xác định rất nhanh giải pháp "không loại bỏ mà cứu cây xanh" để kiên trì đi theo mục tiêu xây dựng "TP xanh", toàn bộ cây xanh bị bật gốc ở TP Huế được phân loại, cắt bỏ những cây xanh bị sâu hại, mục ruỗng từ bên trong, không có cơ hội cứu chữa.
Những cây xanh bị bật gốc được cắt tỉa, bôi thuốc phần rễ rồi dựng lại vị trí ban đầu. Những cây xanh này sau đó được chăm sóc đặc biệt, đảm bảo cây sống và khỏe mạnh trở lại.
TP.HCM: đã thay thế gần 4.000 cây xanh mất an toàn
Liên quan vấn đề cắt tỉa cây xanh tại TP.HCM, ông Đỗ Tấn Long - giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM - cho biết từ đầu năm đến nay, các đơn vị đã thay thế 3.097 cây xanh bị hư hại, già cỗi, chết khô, bị công trình xâm hại đến hệ rễ…
Trung tâm cũng đã hạ thấp chiều cao của 263 cây xanh. Trung tâm sẽ đẩy mạnh kế hoạch thay thế dần những cây xanh có kích thước lớn, cây cổ thụ bị hư hại tiềm ẩn rủi ro mất an toàn.
TP.HCM có khoảng 8.000 cây lâu năm, cây cổ thụ. Đơn vị sẽ cập nhật, hoàn thiện bộ tiêu chí để có những định hướng trong việc quản lý, chăm sóc cây xanh. Cây nào cần bảo tồn thì sẽ có quy trình đặc biệt, còn cây nào đã "có tuổi" thì quyết định mạnh dạn trồng mới, thay thế.
TP Trà Vinh đã "cưng" cây xanh như thế nào?
Hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát trên một tuyến đường tại TP Trà Vinh - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Theo công bố của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir đầu năm 2024, TP Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 TP có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á. Vì sao TP Trà Vinh làm được điều mà ít địa phương nào có thể làm được?
Ông Phạm Tiết Khoa, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh, cho biết hiện nay đơn vị đang chăm sóc cho hơn 7.300 cây xanh trên 49 tuyến đường tại TP Trà Vinh.
"Trong số đó, có 606 cây cổ thụ trên 100 tuổi, chủ yếu là cây sao, dầu và me. Những cây được trồng trong những năm gần đây có thêm các loại cây khác như giáng hương, bằng lăng, lát hoa, kèn hồng", ông Khoa cho biết thêm.
Tại TP Trà Vinh, không khó để bắt gặp một đội thi công đang cắt tỉa, chăm sóc cây xanh. Trực tiếp điều hành việc cắt tỉa cây, ông Nguyễn Hồng Nhiên - đội phó đội công viên cây xanh (Công ty cổ phần Công trình đô thị Trà Vinh) - cho biết: "Trước mùa mưa bão, công ty vẫn phải kiểm tra tất cả các cây trên nhiều tuyến đường. Những cây có tán lớn, nặng... sẽ được cắt, tỉa gọn lại để hạn chế đổ ngã. Những cây nghiêng công ty sẽ chằng chống lại cẩn thận".
Theo ông Phạm Tiết Khoa, gần đây thời tiết miền Tây xuất hiện mưa nhiều kèm theo những đợt dông lốc nên kế hoạch chăm sóc cây xanh của đơn vị cũng có những điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế.
Việc đảm bảo an toàn cho người đi đường trong mùa mưa bão vẫn được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là lý do hàng cây vài chục năm tuổi trên đường Phạm Ngũ Lão đang được cắt trụi nhánh, xung quanh được gia cố bằng khung thép để chống đổ ngã. Ông Khoa cho biết sở dĩ phải làm vậy là vì mới đây một đơn vị thi công đào đường có thể ít nhiều ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, công ty phải đưa ra phương án bảo đảm cho cây không bị ngã đổ.
Ông Nguyễn Hồng Nhiên cho biết đối với những gốc cây cổ thụ, công ty sẽ mở gốc cây ra để trồng và tưới thảm cỏ để hạn chế việc thoát hơi nước và giữ mảng xanh cho TP.
"Điều khó khăn nhất đối với việc trồng cây ở đô thị đó là tỉ lệ bê tông quá lớn, gây khó khăn cho cây sinh trưởng và phát triển. Do đó cần phải cung cấp đất thịt và chăm tưới thường xuyên hơn mới đảm bảo cây được sống", ông Nhiên nói.
Sau đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016, nhiều cây xanh tại TP Trà Vinh có dấu hiệu suy kiệt. UBND TP Trà Vinh đã mời chuyên gia nước ngoài cùng Trường đại học Nông Lâm TP.HCM và Viện Cây ăn quả miền Nam nghiên cứu nguyên nhân và đưa ra giải pháp cứu cây.
Trong đó có phương pháp truyền dung dịch bổ dưỡng mà người dân vẫn hay gọi là "truyền nước biển" cho cây".
TP Trà Vinh đã quyết định chi 20 tỉ đồng để phục hồi khoảng 1.000 cây xanh trong TP. Ngoài việc "vô nước biển", TP Trà Vinh còn triển khai nhiều biện pháp khác như cải tạo lại bồn cây, gỡ gạch bó vỉa xung quanh cho rễ cây thông thoáng.
Hiện nay TP Trà Vinh có gần 14.000 cây tạo bóng mát trên 72 tuyến đường, trong đó có khoảng 800 cây cổ thụ trên 100 tuổi.
Đăng thảo luận