Sự đồng lòng của cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh, việc học sinh đi xe phân khối lớn đến trường sẽ được kiểm soát chặt chẽ, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Dạo quanh một số tuyến đường gần khu vực trường học ở các quận, huyện trên địa bàn TP HCM vào giờ đến lớp hay tan trường, chúng tôi không khó bắt gặp hình ảnh nhiều thanh thiếu niên mặc đồng phục học sinh (HS) điều khiển xe phân khối lớn.

Nguy hiểm chực chờ

Theo chân các HS chạy xe phân khối lớn, phóng viên ghi nhận nhiều em gửi trực tiếp trong trường và dường như không lo sẽ bị kiểm tra. Trong khi đó, hầu hết các trường học đều thông báo "Nhà xe không nhận giữ xe học sinh trên 50 phân khối".

Xung quanh Trường THPT Linh Trung (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), tình trạng HS điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, chở 3, đi ngược chiều hoặc vượt đèn đỏ diễn ra khá phổ biến. Hình ảnh này xuất hiện nhiều vào lúc tan trường hoặc khi sắp đến giờ học.

Hơn 6 giờ 30 phút ngày 19-9, cả trăm HS mặc đồng phục Trường THPT Linh Trung chạy thẳng xe phân khối lớn vào cổng trường. Nhiều em ngồi trên xe máy, xe điện nhưng không đội mũ bảo hiểm, vượt ẩu dù có đông phương tiện lưu thông.

 Không để học sinh điều khiển xe phân khối lớn 第1张

Nhiều học sinh Trường THPT Linh Trung chạy xe máy thẳng vào trường. Ảnh: ANH VŨ

Chị Nguyễn Thị Thu, bán hàng ở gần Trường THPT Linh Trung, cho hay thường xuyên bắt gặp HS đi xe phân khối lớn, không đội mũ bảo hiểm. "Khi CSGT xử phạt nặng, tình trạng này lắng xuống vài hôm, xong đâu lại vào đấy. Một số em đi xe phân khối lớn gửi tại nhà dân hoặc hàng quán xung quanh cổng trường " - chị nói.

Theo ông Trần Minh Quân, ngụ phường Linh Trung, nhiều HS đi xe máy trên 50 phân khối, dàn hàng ngang phóng nhanh vượt ẩu trên đường. "Lần nào thấy những HS chạy xe như vậy, tôi cũng phải nép vào lề để tránh" - ông cho biết.

Trưa 19-9, nhiều người lưu thông trên đường Nguyễn Xí, phường 26, quận Bình Thạnh tỏ ra bức xúc khi chúng kiến không ít HS Trường THPT Thanh Đa đi xe máy không đội mũ bảo hiểm phóng ào ào lúc tan trường. Một số phụ huynh cũng chở 3 - 4 em, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông. "Cả năm học, ngày nào tôi cũng thấy HS đi xe máy lạng lách, đánh võng, rất nguy hiểm" - một phụ nữ nhà trên đường Nguyễn Xí lo ngại.

 Không để học sinh điều khiển xe phân khối lớn 第2张

Học sinh Trường THPT Thanh Đa đi xe phân khối lớn đến trường. Ảnh: ANH VŨ

Có mặt trước Trường THPT Hùng Vương (quận 5) mới đây, chúng tôi cũng chứng kiến nhiều nam sinh lẫn nữ sinh điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Nhiều em còn cho xe chạy hàng hai, hàng ba, lạng lách trên con đường nhỏ hẹp. Tại các Trường THPT như Ernst Thalmann (quận 1), Marie Curie (quận 3), Chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), Trần Khai Nguyên (quận 10)…, tình trạng tương tự cũng diễn ra.

Lý giải về việc để con em mình đi xe máy trên 50 phân khối đi học, nhiều phụ huynh cho biết vì trường xa và họ không có thời gian đưa đón. "Vợ chồng tôi không có thời gian đưa đón các con đi học nên việc để chúng tự đi xe sẽ chủ động hơn. Chưa kể, nhiều gia đình không đủ điều kiện mua xe điện hay xe máy 50 phân khối nên để con em mình sử dụng xe phân khối lớn sẵn có trong nhà" - bà Ngọc Anh (ngụ quận 1) giải thích.

Dù biết HS chưa đủ tuổi, chạy xe phân khối lớn là vi phạm nhưng nhiều em và cả gia đình vẫn không mấy quan tâm. L.N.K.V (HS lớp 10, ở TP Thủ Đức) cho biết gia đình đã mua cho em chiếc xe tay ga 110 phân khối đi học, nhằm "sử dụng được lâu dài, tránh lãng phí và thời trang hơn các dòng xe 50 phân khối".

Tuyên truyền kết hợp với xử phạt

Cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), cho biết hằng năm, nhà trường đều ban hành thông báo HS không được chạy xe trên 50 phân khối đi học. Trong cuộc họp đầu năm học, trường cũng đề nghị 100% phụ huynh cam kết không cho con đi xe trên 50 phân khối đến trường, không giao xe cho con.

  •  Không để học sinh điều khiển xe phân khối lớn 第3张

    Học sinh dùng điện thoại tại lớp: Quản cách nào?ĐỌC NGAY

Trường THPT Đào Sơn Tây còn quy định bãi giữ xe nhà trường không nhận giữ xe trên 50 phân khối của HS. Hằng năm, trường đều phối hợp với công an phường đề nghị nhà dân xung quanh không nhận giữ xe phân khối lớn của HS; phối hợp với CSGT tuyên truyền các quy định về an toàn giao thông cho HS, bao gồm các hành vi bị xử phạt.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, sở đã có văn bản yêu cầu phòng GD-ĐT TP Thủ Đức và các quận, huyện, các trường THPT, trung tâm giáo dục thường xuyên tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật, thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục phải tổ chức, rà soát việc HS cam kết đi xe máy không quá phân khối quy định; phải đội mũ bảo hiểm; không lạng lách, đánh võng...

Sở GD-ĐT yêu cầu nhà trường không tổ chức giữ xe máy của HS khi các em không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi. "Đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe HS không đúng quy định. Nhà trường cần có biện pháp xử lý, giáo dục HS khi vi phạm giao thông…" - công văn nêu rõ.

Phòng CSGT Công an TP HCM cho biết từ ngày 1 đến 19-9, CSGT toàn thành phố đã xử lý 721 trường hợp HS, sinh viên vi phạm giao thông. Trong đó, 219 trường hợp bị phạt vì hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện theo quy định. Các hành vi vi phạm của HS, sinh viên chủ yếu là không đội mũ bảo hiểm; người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi điều khiển xa máy có dung tích xi lanh từ 50 phân khối trở lên; không có giấy phép lái xe khi tham gia giao thông...

Nhằm chủ động bảo đảm an toàn giao thông cho HS, đầu tháng 9-2024, nhiều đội/trạm thuộc Phòng CSGT Công an TP HCM không chỉ tập trung tuần tra, xử lý vi phạm mà còn tăng cường tuyên truyền, cảnh báo về tai nạn giao thông cho các em. Việc tổ chức các buổi tuyên truyền giúp HS nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình khi tham gia giao thông. Những kiến thức, kỹ năng được cung cấp sẽ giúp các em biết cách tự bảo vệ bản thân và người xung quanh, giảm thiểu rủi ro, nguy cơ tai nạn trong môi trường học đường cũng như ngoài xã hội. 

TS PHẠM ĐÀO THỊNH:

Phải thượng tôn pháp luật!

Muốn giải quyết triệt để tình trạng HS đi học bằng xe phân khối lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, nhà trường và phụ huynh nhằm nâng cao nhận thức về tinh thần thượng tôn pháp luật, chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Giáo viên chủ nhiệm, hội phụ huynh, Đoàn Thanh niên cần phối hợp thực hiện các biện pháp để chấm dứt tình trạng HS đi xe phân khối lớn đến trường. Chính quyền địa phương cần nghiêm cấm các cơ sở, hộ gia đình giữ xe máy của HS chưa đủ điều kiện sử dụng; nếu phát hiện lập tức xử lý. Cơ quan chức năng cũng cần yêu cầu UBND xã, phường, thị trấn có trường THPT trên địa bàn cam kết về việc HS nghiêm túc tuân thủ Luật Giao thông đường bộ. HS chưa đủ điều kiện thì tuyệt đối không sử dụng xe phân khối lớn đi học.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2023, khoảng 7,8% số nạn nhân tai nạn giao thông là trẻ em, tương đương khoảng 900 trẻ tử vong và gần 1.200 trẻ bị thương. Trong đó, gần 1.500 em là học sinh THPT.