Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên dạy môn tiếng Anh THPT trong dịp giao lưu với đồng nghiệp Mỹ đã lắp bắp rồi lặng như tờ. Điều đáng nói đây không phải là trường hợp cá biệt.
Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành kết luận số 91 về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29, ngày 4/11/2013 của BCH T.Ư Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Một trong những nhiệm vụ Bộ Chính trị yêu cầu các cấp là tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Mục tiêu Chương trình Giáo dục phổ thông tiếng Anh ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT, cũng quy định mục tiêu cấp THPT, tóm tắt như sau:
- Sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp thông qua 4 kỹ năng Nghe, Nói, Đọc, Viết.
- Tiếp tục hình thành và phát triển kiến thức cơ bản về tiếng Anh, bao gồm ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp; thông qua tiếng Anh có những hiểu biết sâu rộng hơn về đất nước, con người, nền văn hóa các nước nói tiếng Anh và các quốc gia khác trên thế giới.
- Sử dụng tiếng Anh để nâng cao chất lượng các môn học khác, theo đuổi mực đích học tập cao hơn hoặc có thể đi làm việc ngay sau khi học xong cấp THPT.
- Hình thành thói quen học tập suốt đời.
Mục tiêu đề ra khá đồ sộ. Bức tranh dạy học tiếng Anh tại trường THPT hiện nay ra sao? Đội ngũ giáo viên, trang thiết bị dạy học môn tiếng Anh tuy có cải tiến song thay đổi chậm, chưa đáp ứng mục tiêu đề ra. Học sinh đa phần học vì kiểm tra, thi cử nên thầy và trò lệch hẳn về phần Đọc, Viết (theo cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT môn tiếng Anh). Nhiều học sinh học tiếng Anh “cầm chừng”. Với các em này, kết quả điểm số rơi vào vùng an toàn là được, số còn lại… “học tủ” để chống điểm liệt.
Tôi có người bạn, khi chở con đi học tiếng Anh một trung tâm (ngoài nhà trường), anh nói: "Nghe thầy cô dạy... sướng, trong khi ở trường sao thấy dạy tiếng Anh… buồn thiu”.
Tôi giải thích, trường phổ thông dạy tiếng Anh theo sách giáo khoa, còn bên ngoài họ dạy theo giáo trình cho người học thi lấy chứng chỉ tiếng Anh. Điều này đã dẫn theo nhiều sự khác biệt. Để dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, tôi có 5 kiến nghị với ngành giáo dục:
Một là đặt lại mục tiêu chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Anh nói riêng đối với THPT. Trước hết, học sinh học tiếng Anh để có thể nghe, nói. Chỉ số ít học sinh có nguyện vọng chuyên sâu, chọn ngôn ngữ Anh ở bậc đại học, các em cần được hỗ trợ thêm chuyên đề, thầy cô hướng dẫn, kết hợp tự học. Nếu dạy tiếng Anh chỉ để thi, việc dạy và học môn này sẽ đối phó, hời hợt, kém hiệu quả. Điều này dẫn đến hao phí tiền của mà kết quả dạy và học tiếng Anh ở phổ thông vẫn "lối cũ ta về"…
Hai là thời lượng dạy tiếng Anh trong tuần, kiểm tra, thi đối với môn học này cần thay đổi. Để học sinh được rèn luyện thường xuyên, tăng tiết học tiếng Anh lên 4 tiết/tuần; đồng thời, môn tiếng Anh là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển sinh các lớp đầu cấp, thi tốt nghiệp THPT. Từ những năm 1990, tiếng Anh là môn học chính ở Hà Lan. Để tốt nghiệp trung học, học sinh Hà Lan phải vượt qua một kỳ thi quốc gia bằng tiếng Anh.
Ảnh minh họa: Thanh HùngBa là nhiều quốc gia nằm trong nhóm thông thạo tiếng Anh rất cao như Hà Lan, Singapore, Áo, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Bỉ, Bồ Đào Nha, Nam Phi, Đức, Croatia, Hy Lạp. Chúng ta cần học tập xem họ đã, đang và sẽ dạy tiếng Anh như thế nào? Nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh các nước này sử dụng. Với giáo trình hay, phù hợp, chúng ta có thể đàm phán mua bản quyền.
Bốn là dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, khó khăn lớn ở đội ngũ giáo viên và khoảng cách giữa các địa phương. Tôi đã từng chứng kiến một giáo viên dạy môn tiếng Anh THPT trong dịp giao lưu với đồng nghiệp Mỹ đã lắp bắp rồi lặng như tờ. Trao đổi với một số tổ trưởng tổ tiếng Anh ở các trường THPT, tôi biết rằng, đây không phải là trường hợp cá biệt.
Bên cạnh giải pháp đầu tư, đào tạo lâu dài, trước mắt, chúng ta cần tăng cường dạy học trực tuyến để học sinh được học tập với thầy cô dạy giỏi và còn để chính giáo viên cần cố gắng có cơ hội giao lưu với các đồng nghiệp giỏi nghề.
Năm là giáo viên giảng dạy tiếng Anh, học sinh được học và vận dụng tiếng Anh mỗi ngày, theo kế hoạch giáo dục đúng - chắc - bền - lặp đi lặp lại.
Ví dụ các em có thể đọc sách, báo, xem phim, nghe nhạc tiếng Anh tại lớp, ở thư viện, thông qua các câu lạc bộ, xây mô hình giờ/ngày toàn trường giao tiếp bằng tiếng Anh, sử dụng tài liệu tiếng Anh học tập các môn học khác, thao giảng bằng tiếng Anh, tổ chức các cuộc thi hướng đến học tốt tiếng Anh…
Đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, giáo dục - đào tạo góp nguồn lực quan trọng và dạy tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường sẽ tích lũy năng lượng cho hành trình ấy. Đó là tất yếu, đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng bằng kế hoạch khả thi, linh hoạt, sáng tạo, đột phá!
Nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm riêng của tác giả. Bạn đọc có ý kiến hoặc câu chuyện tương tự có thể gửi về email: [email protected]. Bài viết được đăng tải trên VietNamNet sẽ nhận nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Xin trân trọng cảm ơn!
Đăng thảo luận