Hiện Đồng Nai có 29.283 người là đồng bào dân tộc thiểu số từ khắp các vùng miền di cư vào làm việc và tạm trú. Lao động nhập cư nói chung và lao động dân tộc thiểu số nói riêng đóng góp quan trọng vào nguồn lực lao động của tỉnh.

Tỉnh Đồng Nai có 32 khu công nghiệp, trên 41.200 tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động. Cơ hội tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn đã tạo điều kiện thu hút dòng lao động di cư từ các tỉnh khác đến. Hiện tỉnh có 29.283 người là đồng bào dân tộc thiểu số từ khắp các vùng miền di cư vào làm việc và tạm trú.

Đại diện UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, lao động nhập cư nói chung và lao động dân tộc thiểu số nói riêng đóng góp quan trọng vào nguồn lực lao động của tỉnh. Lao động dân tộc thiểu số nhập cư chủ yếu là lao động trẻ, tiếp thu nhanh và nhiệt tình trong công việc. Người lao động di cư trên địa bàn tỉnh tích cực đăng ký học nghề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo và tự tạo việc làm được nâng lên, nhiều việc làm trong các thành phần kinh tế được tạo ra, giúp nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo.

Đồng Nai: Ổn định cuộc sống và sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số nhập cư  第1张 Lao động dân tộc thiểu số nhập cư chủ yếu là trẻ, tiếp thu nhanh và nhiệt tình trong công việc. 

Tuy nhiên, một trong những điểm hạn chế của lao động dân tộc thiểu số di cư đến Đồng Nai là họ ở tập trung theo khu vực, thường xuyên thay đổi, không ổn định. Lao động mang tính thời vụ, gây khó khăn cho quản lý nhà nước về an ninh, trật tự.

Một số lao động nhập cư không có tay nghề, hạn chế về ngôn ngữ, độ tuổi lao động cao nên tìm kiếm việc làm gặp nhiều khó khăn. So với lao động nhập cư khác, người dân tộc thiểu số nhìn chung có cuộc sống khó khăn. Một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số có ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, mang tâm lý tự ty dân tộc, dễ bị tác động.

Đại diện Học viện Dân tộc cho rằng, chính quyền tỉnh Đồng Nai cần nghiên cứu định kỳ hàng năm về lao động dân tộc thiểu số di cư, nhằm đưa ra những biện pháp tốt nhất giúp họ ổn định cuộc sống và sinh kế. Đồng thời, Đồng Nai cần đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội như việc học hành của con em họ, vấn đề về chăm sóc sức khỏe... bởi khi di cư đến nơi khác, lao động các dân tộc thiểu số sẽ gặp nhiều khó khăn. 

Ban Dân tộc tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị các nhà hoạch định chính sách của tỉnh cần phải coi lao động nhập cư nói chung là một cấu thành của chiến lược phát triển bền vững. Về lâu dài, Đồng Nai phải có những can thiệp về mặt chính sách một cách kịp thời, phù hợp với mục tiêu phát triển chung của tỉnh trong từng giai đoạn. Muốn vậy, tỉnh cần phải đưa ra những biện pháp hiệu quả hơn để phát huy những tác động tích cực của lao động nhập cư và hạn chế những tiêu cực.