Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chi gói hỗ trợ 500 triệu đồng cùng 2.000 suất ăn miễn phí, nhiều trường khác đang thống kê sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão Yagi hỗ trợ.
Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (PTIT) ngày 12/9 cho biết số tiền này được trích từ nguồn Quỹ hỗ trợ sinh viên. Trường chưa thống kê hết số sinh viên bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên đã gửi email tới Phòng Chính trị và Công tác sinh viên của trường mong muốn được giúp đỡ.
"Có sinh viên cho biết gia đình mất trắng 3 ao cá với khoảng 5-6 tấn cá, một mẫu hoa màu; nhà, chuồng trại hư hại; hỏng toàn bộ thiết bị điện và đồ dùng trong nhà", đại diện trường thông tin.
Bên cạnh đó, 2.000 suất ăn miễn phí được dành cho sinh viên thuộc diện chính sách tại căng tin trong thời gian Hà Nội chịu ảnh hưởng từ bão lũ. Trường cũng kêu gọi mỗi cán bộ, giảng viên quyên góp ủng hộ đồng bào các địa phương bị thiệt hại do cơn bão Yagi, mỗi người ít nhất một ngày lương.
"Chúng tôi hy vọng góp phần làm giảm bớt đau thương, mất mát, giúp đỡ nhân dân bị thiệt hại do bão lũ sớm ổn định, trở lại cuộc sống thường ngày", đại diện trường nói.
Người dân ở khu Phúc Tân, Hà Nội bì bõm chuyển đồ trong mưa lũ ngày 11/9. Ảnh: Nguyễn Đông
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, khoảng 100 sinh viên đã chia sẻ thông tin với trường về việc bị ảnh hưởng do bão. Những em này xin trợ cấp nhu yếu phẩm, chỗ ở tạm, laptop...
Ban Công tác sinh viên và Đoàn Thanh niên đã liên hệ với từng em để hỗ trợ, như bố trí chỗ ở trong ký túc xá, cho mượn laptop, gửi đồ ăn, nước uống. Với những sinh viên mà gia đình bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi bão, giảng viên hướng dẫn các em đăng ký học bổng Trần Đại Nghĩa. Học bổng có hai mức, tương đương 50% và 100% học phí một học kỳ.
Tương tự, Đại học Ngoại thương bước đầu ghi nhận 80 sinh viên mà gia đình bị nước lũ cô lập, thiệt hại về tài sản, việc di chuyển từ nhà đến trường khó khăn...
Về học tập, nhà trường tổ chức học online. Thầy cô cũng có những điều chỉnh để những em này thuận lợi, vững tâm trong khi vừa học, vừa khắc phục khó khăn của gia đình.
Với các hoạt động khác, trường sắp xếp linh hoạt cho sinh viên. Ngoài ra, các khoa, viện trong trường tiếp nhận các đề xuất riêng để hỗ trợ kịp thời. Trường cho biết sẽ hỗ trợ tài chính cho những sinh viên rơi vào tình huống khó khăn.
Nhiều trường khác như Đại học Quốc gia Hà Nội, Mở Hà Nội cũng đang thu thập thông tin của sinh viên để lên phương án hỗ trợ, gồm cả mặt học tập và tài chính.
Đại diện Đại học Bách khoa Hà Nội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 200 triệu đồng, qua Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh: MOET
Tại lễ phát động ngành Giáo dục ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi chiều 11/9, nhiều trường đại học đã ủng hộ với mức 100-200 triệu đồng.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: "Bất kỳ sự hỗ trợ nào, từ cuốn vở, quyển sách hay bằng tiền mặt, đồ dùng cá nhân... vào thời điểm này đều rất đáng trân trọng".
Yagi là siêu bão mạnh nhất trong 30 năm qua đổ bộ vào đất liền Việt Nam, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Đến sáng 12/9, gần 200 người chết và 130 người mất tích. Nhiều tỉnh, thành bị ngập lụt, sạt lở đất.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, đến sáng nay, lũ thượng nguồn các sông miền Bắc giảm nhanh, hạ du biến đổi chậm. Sau 5 ngày mưa liên tục, từ hôm nay, miền Bắc giảm mưa. Đến ngày mai, vùng xoáy thấp sau bão Yagi tan hẳn, miền Bắc mưa giảm nhanh, có nắng trở lại.
Dù vậy nhiều trường kéo dài thời gian học online đến hết tuần sau hoặc đến khi có thông báo mới như Đại học Bách khoa Hà Nội, Thương mại, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, một số trường thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội (trường Kinh tế, Việt Nhật, Khoa học Xã hội và Nhân văn...). Các trường cho hay việc này nhằm tạo điều kiện để sinh viên vùng khó khăn có thể thu xếp việc gia đình và di chuyển về Hà Nội.
Đăng thảo luận