Từ chuyện một tài xế ở TP Phú Quốc có lời lẽ thiếu chuẩn mực đối với nhóm du khách, cần đặt ra bộ "quy tắc ứng xử" có thực tế không.
Phòng Văn hóa và Thông tin TP Phú Quốc làm việc với một tài xế có lời lẽ thiếu chuẩn mực với nhóm du khách - Ảnh: NVCC
Như Tuổi Trẻ Online thông tin, liên quan đến hoạt động du lịch, vừa qua chính quyền TP Phú Quốc (Kiên Giang) đã mời một tài xế có lời lẽ thiếu chuẩn mực với nhóm du khách lên làm việc. Sau đó tài xế nhận lỗi, hứa khắc phục và không để xảy ra lần nữa.
Phú Quốc mời một tài xế lên làm việc vì có lời lẽ không chuẩn mực với du khách
Đây là động thái mạnh mẽ của địa phương trong việc xử lý những người làm dịch vụ gây ảnh hưởng chung đến hình ảnh du lịch Phú Quốc.
Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của chuyên gia Nguyễn Văn Mỹ ở góc độ người làm du lịch.
Xử lý kịp thời chuyện "không nhỏ"
Sau khi chở khách đi ăn tối ở Hàm Ninh về Dương Đông với giá 500.000 đồng (khứ hồi và chờ 1 giờ), nhóm khách nói ngày mai sẽ đi Vinpearl chơi, khi nào đi sẽ alô cho tài xế đón.
Sáng hôm sau, khách chưa gọi, tài xế đã chủ động điện thoại cho nhóm khách nhưng không ai bắt máy (vì đang ngủ). Bực tức, tài xế nhắn tin có lời lẽ không hay đối với họ.
Ở góc độ người làm du lịch, đây là điểm cộng của chính quyền Phú Quốc khi đã nghiêm khắc, kịp thời xử lý sự cố nhằm răn đe những chuyện không hay, có thể diễn ra tương tự.
Trước đó, UBND TP Phú Quốc đã ban hành quy tắc ứng xử văn minh du lịch tại Phú Quốc, yêu cầu tuân thủ quy tắc, nội quy hoạt động, chỉ dẫn tại các khu điểm du lịch, tôn trọng văn hóa, phong tục tập quán địa phương.
Đừng nghĩ đây là "chuyện nhỏ". Nếu không xử lý kịp thời sẽ tác hại rất lớn.
Thời đại công nghệ, chuyện bực mình dù nhỏ, có thể lan nhanh hơn tốc độ ánh sáng, gây bão mạng khôn lường. Trong ngành dịch vụ, các nhân viên kinh doanh giỏi nhất luôn là những người khéo nói, sành tâm lý khách hàng.
Chuyện xưa như trái đất. Thời đại @, lời nói là một trong những "quyền lực mềm vô đối". Lời nói còn thể hiện khí chất, nội lực, tính cách từng người, đặc biệt là cái "duyên", rất hiệu quả trong tiếp thị và kinh doanh.
Trong kho tàng văn hóa ứng xử, cha ông mình dạy "học ăn, học nói…", có nghĩa "nói" chỉ đứng sau "ăn".
"Dẻo miệng" khác với đãi bôi, tâng bốc, lập lờ. Lời nói càng hiệu quả khi biết kết hợp ngôn ngữ cơ thể, ánh mắt, mỉm cười. Sự diễn đạt (giọng nói, sự nhiệt thành, trung thực…) thuyết phục để "con kiến trong lỗ cũng bò ra".
Lâu nay, những việc này chưa được quan tâm chấn chỉnh và có biện pháp thiết thực ngăn ngừa.
Bài học từ Đồng Tháp và câu chuyện "bé Sen"
Không chỉ Phú Quốc, nhiều tỉnh thành khác của Việt Nam cũng có quy định quy tắc ứng xử, có điều mỗi nơi một kiểu, không nơi nào giống nơi nào. Và có nơi có khi chỉ làm cho có, không thực tế.
Đi khắp nước, theo cảm nhận của tôi, thấy chỉ Đồng Tháp có cách làm hay nhất.
Hơn chục năm nay, Đồng Tháp đã bỏ hàng trăm triệu mua bản quyền "bé Sen", hóa thân thành mấy chục nhân vật, đủ ngành nghề, làm linh vật vùng đất sen hồng, minh họa sinh động các nội dung trong bộ quy tắc hành xử nơi công cộng của mọi người, không riêng gì du khách.
Năm 2018, tôi đưa ông Wichai (giám đốc Trung tâm Huấn luyện Hoàng gia Thái) và Reno (sĩ quan cứu hỏa ở California, Mỹ) về Đồng Tháp khảo sát. Họ ngỡ ngàng, check-in liên tục với những "bé Sen" ngộ nghĩnh và các nội dung thú vị, ngắn gọn, dễ hiểu, nhìn hình biết mình phải làm gì.
Và để có được kết quả này, chính quyền Đồng Tháp mong muốn và vận động người dân, là chủ nhà, phải gương mẫu thực hiện.
Từ câu chuyện của Đồng Tháp, mong ngành du lịch, những người làm du lịch nên tinh tế, chuẩn mực, cẩn trọng trong mỗi cách ứng xử hằng ngày, bởi "lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Nói năng cộc cằn, một đồng khách cũng không cho
Kể lại câu chuyện mới diễn ra, vừa rồi tôi đi từ thiện các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Lai Châu 4 ngày. Sau đó một nửa đoàn đi tham quan Ninh Bình.
Hành trình đi làm từ thiện rất khó khăn, vất vả. Có đêm gần 2 giờ sáng mới tới nơi, ăn tối. Hai bữa tới 15 giờ mới ăn trưa. Nhưng kết thúc, đoàn không bồi dưỡng cho tài xế đồng nào.
Trong khi đó, cùng chuyến đi này đến Ninh Bình nhàn hơn, nhưng một tài xế khác được mọi người bồi dưỡng hơn 1,5 triệu đồng. Tôi dò hỏi thì mới hay "vì tài xế khó chịu, nói năng cộc cằn" dù rất chịu khó.
Như vậy mới thấy, chỉ vì chút khó chịu, nói năng cộc cằn, một đồng khách cũng không cho.
Đăng thảo luận