Sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các doanh nghiệp, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung-cầu về nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ trước mắt cũng như lâu dài.
Nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao đang rất lớn
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ của lao động Việt Nam chưa cao nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập. Những hạn chế, yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đối với ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT), việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao được xem là yếu tố quan trọng, mang giá trị sống còn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nguồn nhân lực còn thiếu và chất lượng chưa đồng đều đang là trở ngại lớn của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành, nhất là khi chúng ta muốn tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị đó.
Nhiều DN trong ngành CNHT hiện nay đang rất thiếu lực lượng công nhân kỹ thuật và lao động có tay nghề cao. (Ảnh: Hoàng Hiệp)Thực tế hiện nay cho thấy, các doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT tại khu vực Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung luôn mong muốn tuyển dụng được những thợ kỹ thuật và công nhân lành nghề để đáp ứng được nhu cầu phát triển ngày một lớn mạnh của mình.
Hơn 1 năm nay, Công ty TNHH Dụng cụ An Mi (chuyên sản xuất dụng cụ chính xác cao và chi tiết cơ khí phục vụ cho các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, hàng không, vũ trụ và khuôn mẫu) đã liên tục tuyển dụng các vị trí với mỗi đợt từ 30-50 nhân sự. Theo chia sẻ của lãnh đạo công ty, những vị trí thiếu nhất hiện nay của doanh nghiệp này chính là nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực gia công cắt gọt và tự động hoá.
"Theo đánh giá trong quá trình tuyển dụng hàng năm, chỉ có khoảng 30-40% người lao động là đạt yêu cầu ngay, sau đó doanh nghiệp rất mất thời gian đào tạo lại từ chuyên môn đến các khái niệm hoạt động sản xuất. Trong khi đó, lao động địa phương lại không đáp ứng đủ. Do vậy chúng tôi rất mong muốn hợp tác với các cơ sở đào tạo để có được chất lượng đảm bảo, phù hợp với doanh nghiệp", Giám đốc điều hành Công ty TNHH Dụng cụ An Mi Nguyễn Hồng Phong cho biết.
Còn ông Đoàn Hữu Lý- Phó TGĐ Công ty Thiết bị điện MBT cho hay, với đặc thù là doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực khá đặc thù là thiết bị điện và máy biến áp phục vụ cho ngành điện, đòi hỏi người công nhân kỹ thuật phải có trình độ và tay nghề cao.
"Hiện nay, chất lượng lao động của nhà máy đang tạm thời đáp ứng, tuy nhiên công ty cũng mong muốn nhận được nguồn lao động chất lượng cao hơn để phục vụ cho việc sản xuất cho những sản phẩm có hàm lượng chất lượng tốt hơn phục vụ thị trường", ông Lý chia sẻ.
Lãnh đạo Công ty MBT cũng cho biết, ngoài việc liên tục tự đào tạo thì đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với một số trường đại học, cao đẳng như trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội để "đặt hàng" nguồn nhân lực chất lượng cao ngay khi các em học sinh, sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. Qua đó đào tạo chuyên sâu "đúng và trúng" nhu cầu và mong muốn của doanh nghiệp, đồng thời cam kết việc làm cũng như thu nhập cho các em ngay sau khi ra tốt nghiệp.
Những kiến thức, kỹ năng phù hợp với các loại hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cần được trang bị ngay cho học sinh, sinh viên từ ghế nhà trường. (Ảnh: Hoàng Hiệp)Cần sự liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp
Mới đây, vào ngày 24/3, đoàn công tác của HANSIBA với thành phần chính là các doanh nghiệp trong ngành CNHT đã đến tiếp xúc, làm việc với trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Đây là hoạt động thiết thực giúp các doanh nghiệp trong ngành có cơ hội hợp tác và "đặt hàng" nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với yêu cầu ngay từ nơi đào tạo.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp thành viên HANSIBA đã tìm hiểu thực tế đào tạo cũng như kết nối nhu cầu đào tạo tại Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. Đại diện các doanh nghiệp đánh giá, đây sẽ là địa chỉ uy tín cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành CNHT của Thủ đô nói riêng, và cả nước nói chung.
Buổi tiếp xúc, làm việc của các doanh nghiệp HANSIBA với trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hiệp)Theo ông Nguyễn Vân, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA), phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp hội viên trong hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm và nâng cao nguồn nhân lực là một trong những mục tiêu trọng tâm của HANSIBA riêng trong năm 2023.
Trong đó, về hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hiện nay HANSIBA đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng cụ thể từ phía các doanh nghiệp CNHT. Việc làm này vừa giảm chi phí đào tạo mới và đào tạo lại nhân lực cho các doanh nghiệp; mặt khác sinh viên các trường có cơ hội tiếp cận với các kiến thức thực tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội việc làm khi ra trường.
“Hiệp hội coi đây là sự kết nối, hợp tác hiệu quả giữa nhà trường với các doanh nghiệp, là hướng đi ngắn nhất trong việc đáp ứng cung-cầu về nguồn nhân lực cho CNHT trước mắt cũng như lâu dài”, ông Nguyễn Vân nhận định.
Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực HANSIBA, để nguồn nhân lực cho CNHT phát triển, cần thiết phải có những quy chuẩn kỹ thuật về kỹ năng nghề nghiệp theo chuẩn chung quốc tế, chú trọng phương thức đào tạo, hệ thống chứng chỉ để sẵn sàng thực hiện trao đổi lao động khu vực và quốc tế; đưa ra các kế hoạch đào tạo nguồn lực bài bản và có lộ trình cho ngành CNHT, có những chế độ đãi ngộ để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành CNHT.
NGƯT, TS. Phạm Xuân Khánh giới thiệu về mô hình ô tô điện đang được thầy và trò khoa Công nghệ Ô tô thiết kế, chế tạo. (Ảnh: Hoàng Hiệp)Trao đổi với phóng viên, Nhà giáo Ưu tú, TS. Phạm Xuân Khánh - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành CNHT đang gặp rất nhiều khó khăn bởi thiếu hụt nguồn lực lao động chất lượng cao.
Nắm bắt được thực tế này, thời gian qua, nhà trường đã tập trung đào tạo các chuyên ngành phục vụ riêng cho ngành; đồng thời chú trọng đào tạo ngoại ngữ để tăng khả năng thích nghi của người lao động trong mọi môi trường làm việc.
“Nhà trường không chỉ dạy lý thuyết cho sinh viên mà tăng cường đào tạo thực hành ở các xưởng sản xuất thực tế. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác đào tạo giữa các trường đại học, trường đào tạo nghề và doanh nghiệp CNHT”- ông Phạm Xuân Khánh chia sẻ.
Vị Hiệu trưởng này chia sẻ thêm, hiện nhà trường đào tạo tổng cộng 32 ngành nghề và cam kết 100% sinh viên, học sinh ra trường đạt chuẩn đầu ra và có việc làm với thu nhập từ 6-20 triệu đồng. Trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng đang phấn đấu trở thành đơn vị tiên phong trong lĩnh vực đào tạo nghề chất lượng cao, có uy tín trong khu vực và đạt chuẩn quốc tế.
Hoàng Hiệp
Doanh nghiệp thiết bị điện Việt 'khát' nguồn cung vật tư trong nướcCông ty cổ phần chế tạo biến thế điện lực Hà Nội – MBT có thị phần máy biến áp và tủ điện chiếm tới 40% tại Việt Nam nhưng vẫn dễ bị "tổn thương" khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy.
Đăng thảo luận