Độc giả kể lại chuyện bị o ép vì không đi học thêm, đồng thời thắc mắc làm thế nào kiểm soát và minh bạch nếu nới quy định?

"Tôi sinh năm 1990, là nhân chứng sống của việc không đi học thêm thì bị các cô o ép, coi thường, thậm chí dè bỉu trước cả lớp. Đến nỗi mãi đến bây giờ, tôi vẫn bị tổn thương tâm lý suốt đoạn thời gian học cấp II đó. Từng sự kiện hằn sâu trong ký ức tôi, mặc dù tôi có học lực không hề tệ.

Mãi đến khi lên cấp III, tôi đỗ trường chuyên của tỉnh mới thoát được vấn nạn đó. Thật sự, những ký ức bị o ép đó rất đáng sợ.

Làm ơn, hãy để việc học trở thành điều yêu thích của trẻ em. Học là để có kiến thức sống, hòa nhập, làm việc".

Độc giả Lê Thị Khắc Vi chia sẻ ký ức không vui vì không đi học thêm như trên, sau bài viết Dự kiến nới quy định cho giáo viên dạy thêm.

Theo đó, giáo viên được dạy thêm học sinh của mình ở ngoài trường, chỉ cần báo hiệu trưởng thay vì phải xin phép như hiện nay, theo dự kiến của Bộ Giáo dục. Nội dung này được nêu trong dự thảo Thông tư về dạy thêm, học thêm, được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến từ ngày 22/8 đến hết 22/10.

Tương tự độc giả Khắc Vi, bạn đọc quanhoang57 chia sẻ trải nghiệm:

"Tôi cũng là nạn nhân của việc dạy thêm học thêm. Hồi học lớp 11, tôi nhớ mãi thầy dạy Hóa rất thiên vị những bạn đi học thêm. Nói gì thì nói, con người không tránh được việc bị tình cảm chi phối. Tôi ủng hộ việc cấm thầy cô giáo bộ môn dạy thêm học thêm cho chính học sinh của mình".

Những trải nghiệm không mấy tốt đẹp từ việc không đi học thêm tiếp tục được Dieu chia sẻ: "Tôi từng không dám đi học thêm vì nhà không có điều kiện. Lớp có 40 người, 39 người đi học, chỉ còn mình tôi không đi.

Khi lên lớp, giáo viên cho cả lớp làm bài tập đã được thầy dạy ở nhà. Bài mới, thầy dạy qua loa cho xong. Tôi chưa kịp hiểu bài, mà có hiểu thì hầu như buổi nào tôi cũng phải đứng trước cả lớp để nghe thầy mắng, ép tôi phải đi học thêm để theo kịp bạn bè. Đó là một ký ức buồn trong thời học sinh của tôi".

Trong dự thảo, giáo viên chỉ cần cần báo cáo và lập danh sách (gồm họ tên, lớp của học sinh) gửi hiệu trưởng, đồng thời cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép các em học thêm. Giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.

Độc giả dangton190405 đặt ra những câu hỏi về tính công bằng và tính minh bạch trong việc dạy thêm:

"- Ai sẽ đảm bảo, thanh tra việc giáo viên không ép học sinh của mình đi học thêm?

- Ai sẽ kiểm tra việc giáo viên không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh?

- Các cá nhân dạy thêm phải đăng ký kinh doanh, kê khai học phí... còn giáo viên biên chế khi dạy thêm có phải đăng ký kinh doanh, kê khai học phí... không?

Một khi giáo viên đã dạy thêm thì rất khó đối xử công bằng giữa học sinh học thêm mình và học thêm ở chỗ khác".

Độc giả hanhduyen0813 bày tỏ quan điểm của một phụ huynh có con đang đi học: "Tôi là mẹ của hai con, một đứa đang học lớp 11 và một đứa học lớp 6. Tôi không đồng tình với việc cấp phép cho học thêm. Tôi nghĩ nên thắt chặt việc học thêm thì đúng hơn.

Nếu cho phép dạy thêm, tôi đảm bảo sẽ có các chiêu giấu bài, ai không đi học thêm sẽ không biết gì. Cuối cùng, điều này sẽ vô hình trung tạo ra một cuộc đua không cân sức cho những em không đi học thêm".

Độc giả giaphugiact kể: "Khi giáo viên vẫn được dạy thêm học sinh của mình, cứ đến tiết môn Toán là tôi lại được giáo viên bộ môn này gọi và nói 'sao nó cãi lại chị, em mời phụ huynh làm việc cho chị'.

Các em ra trường mới dám kể lại 'cô ép tụi em học thêm mà không được, nên cứ kêu tụi em làm bài, rồi nói phải đi học thêm nên tụi em phản ứng'.

Ngoài ra việc giáo viên muốn học sinh mình dạy thêm được điểm cao, nên tìm mọi cách để có được đề kiểm tra cũng không lạ. Rồi ai sẽ bảo vệ các em khi quy định này thành hiện thực, ngay cả tôi cũng chỉ làm được đến mức là ngừng giao tiếp với giáo viên đó".

*Bạn có ý kiến về chuyện dạy thêm, học thêm? Gửi bài tại đây.

Hữu Nghị tổng hợp