YênBái - Sáng 25/10, Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013-2023, nhiệm vụ và giải pháp trong thời gian tới.
Khánh thành điểm Trường Mầm non Giàng Pằng, xã Sùng Đô, huyện Văn Chấn. Ảnh tư liệu
>> Yên Bái tập trung nguồn lực xây dựng trường chuẩn quốc gia
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đến 63 điểm cầu các tỉnh thành trong cả nước. Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái dự có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở GD&ĐT, một số sở ban, ngành của tỉnh.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, trong giai đoạn từ 2013 đến 2023, hệ thống cơ sở vật chất trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên đã có những bước phát triển đáng kể nhờ vào sự quan tâm và đầu tư từ Chính phủ, Bộ GD&ĐT, cùng sự tham gia mạnh mẽ của các địa phương và các bộ, ngành.
Bên cạnh đó, việc xã hội hóa trong giáo dục đóng vai trò quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc kiên cố hóa trường lớp học và xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Theo số liệu thống kê năm 2013, cả nước chỉ có 65,9% số phòng học kiên cố. Tỷ lệ phòng học kiên cố hóa rất thấp. Đến hết năm 2023, đạt tỷ lệ phòng học kiên cố hóa là 86,6%, tăng 20,7% so với năm 2013.
Về nhà công vụ cho giáo viên, trải qua thời gian, số lượng phòng công vụ giáo viên được xây dựng từ giai đoạn trước một phần đã xuống cấp, hư hỏng nặng không thể sử dụng.
Từ 2014 đến nay, do nguồn vốn trung ương hỗ trợ (trái phiếu Chính phủ là nguồn vốn chủ yếu để hỗ trợ các địa phương thực hiện kiên cố hóa và nhà công vụ cho giáo viên) cho lĩnh vực giáo dục hạn chế nên mới chỉ tập trung ưu tiên cho nhu cầu cấp bách là kiên cố hóa các phòng lớp học mà chưa tập trung thực hiện việc đầu tư xây dựng nhà công vụ cho giáo viên.
Theo số liệu thống kê hết năm 2023, nhu cầu nhà công vụ của các địa phương vẫn còn 10.794 phòng.
Trong giai đoạn 2013 - 2023, khoảng trên 300 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xã hội hóa để kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên. 10 năm có khoảng 36.000 phòng học, 1.300 phòng công vụ cho giáo viên được xây dựng với tổng số kinh phí xã hội hóa ước khoảng 33.000 tỷ đồng.
Tổng diện tích đất đã sử dụng để đầu tư xây dựng mới, kiên cố hóa phòng học, phòng công vụ cho giáo viên từ các địa phương khoảng 521,9ha.
Việc xã hội hóa tăng cường cơ sở vật chất đã góp phần quan trọng tăng tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia. Đến tháng 7/2023, cấp học mầm non có 56.9% trường đạt chuẩn quốc gia, cấp tiểu học có 62,8% trường đạt chuẩn quốc gia; cấp THCS có 72,3% trường đạt chuẩn quốc gia; THPT có 49,6% trường đạt chuẩn quốc gia; trường phổ thông nhiều cấp học có 44,2% trường đạt chuẩn quốc gia…
Đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.
Trước năm 2013, toàn tỉnh Yên Bái có trên 6.000 phòng học, tỷ lệ kiên cố mới đạt 68%, còn lại là phòng học bán kiên cố và phòng học tạm. Cùng với các chính sách, nguồn lực đầu tư và tích cực huy động các nguồn xã hội hóa để thực hiện chương trình kiên cố hóa trường lớp học trên địa bàn, giai đoạn 2013-2023, tỉnh Yên Bái đã đầu tư xây dựng mới trên 1.900 phòng học, nâng tỷ lệ phòng kiên cố lên gần 90%, đến nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn hơn 10% phòng học bán kiên cố, chủ yếu ở các điểm trường lẻ.
Trong quá trình triển khai thực hiện Yên Bái cũng đã nhận được sự quan tâm, chia sẻ, ủng hộ, đồng hành của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế, các tổ chức, cá nhân trong cả nước (đặc biệt đã có những doanh nghiệp đã hỗ trợ để xây dựng mới cả một ngôi trường với hệ thống phòng học, phòng chức năng hết sức khang trang, đầy đủ...).
Tỉnh Yên Bái phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ kiên cố hóa đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100%.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long biểu dương, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác xã hội hóa về kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên trong 10 năm qua. Phó Thủ tướng Lê Thành Long đề nghị Bộ GDDT xây dựng cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, chỉ đạo rà soát sắp xếp mạng lưới trường, lớp học để đầu, huy động đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho giáo dục và đào tạo bảo đảm khả thi, hiệu quả, tránh dàn trải, lãnh phí, tiêu cực.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX trên địa bàn; bảo đảm ngân sách cho giáo dục và đào tạo, phân bổ nguồn lực thực hiện hiệu quả các tiểu dự án liên quan đến giáo dục và đào tạo trong các Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chủ động đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo, ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học tại các khu vực khó khăn, giám sát và quản lý chặt chẽ không để xảy ra sai phạm trong quá trình thực hiện.
Tại Hội nghị đã có 37 tập thể, 4 hộ gia đình 9 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ GD&ĐT vì có thành tích xuất sắc trong công tác xã hội hoá về kiên cố hoá trường lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2013 – 2023.
3 tập thể và 1 cá nhân của Yên Bái được nhận bằng khen đó là Chi nhánh Tập đoàn viễn thông quân đội Việt Nam tại Yên Bái, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Lộc Phát Việt Nam chi nhánh tỉnh Yên Bái, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Yên Bái tại huyện Văn Chấn; ông Lê Mạnh Hùng - Phó trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Văn Yên.
Thanh Ba
Tags Yên Bái Bộ Giáo dục- Đào tạo khen thưởng xã hội hóa kiên cố hóa trường lớp
Đăng thảo luận