Nhiều trẻ chỉ từ 10 đến 16 tuổi đã nhập viện trong tình trạng xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Trong khi đây là loại bệnh lý mà trước đây chủ yếu gặp ở người trưởng thành.
Cần nhận biết sớm dấu hiệu mắc viêm loét dạ dày, tá tràng để điều trị sớm, tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa - Ảnh minh họa: BVCC
Nguyên nhân nào khiến trẻ em lại mắc chứng xuất huyết tiêu hóa này?
Ngỡ ngàng nhiều trẻ xuất huyết tiêu hóa
Gần đây, Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai liên tục tiếp nhận bệnh nhi ở lứa tuổi trung học cơ sở, trung học phổ thông nhập viện do xuất huyết dạ dày.
Điển hình là trường hợp của em T.V.K. (16 tuổi, Hà Nam) đến bệnh viện thăm khám với biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, đi ngoài phân đen, đau bụng. Qua nội soi và làm các xét nghiệm, K. được các bác sĩ chẩn đoán mắc xuất huyết tiêu hóa do loét hoành tá tràng, có nhiễm vi khuẩn H.pylori.
Trước đó hai tháng, K. đã từng điều trị hai tuần tại bệnh viện địa phương với tình trạng tương tự. Tình trạng tái phát với những biểu hiện nặng nề hơn.
Cẩn thận mắc bệnh vì 'thuốc bổ' men tiêu hóaĐỌC NGAY
Tương tự, bé N.A. (9 tuổi, ở Hà Nội) cũng được đưa đến bệnh viện trong tình trạng da xanh bất thường, niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp. Trước khi nhập viện, bé đã có biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt trong ba ngày liên tiếp.
Sau khi thực hiện các xét nghiệm máu, siêu âm và chụp X-quang ổ bụng, nội soi dạ dày, kết quả cho thấy trẻ có tình trạng thiếu máu nặng do xuất huyết tiêu hóa mà nguyên nhân xuất phát từ nhiều ổ loét vùng tá tràng.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà - khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi trung ương, xuất huyết tiêu hóa là hiện tượng chảy máu ở đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ em với các biểu hiện lâm sàng như nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc đi ngoài phân máu.
Xuất huyết tiêu hóa có rất nhiều nguyên nhân.
Trẻ bị xuất huyết tiêu hóa có thể do viêm, loét thực quản; viêm dạ dày tá tràng trong ngộ độc, stress, dị ứng thức ăn, thuốc; loét dạ dày tá tràng; chảy máu đường mật hoặc do dị vật tiêu hóa.
"Khi bị xuất huyết tiêu hóa, trẻ có thể có một số biểu hiện toàn thân như thiếu máu tùy theo mức độ mất máu. Trẻ có thể gặp tình trạng khát nước, rối loạn tri giác khi mất một lượng máu lớn cấp tính. Trẻ cũng có thể thay đổi nhịp tim, huyết áp, thời gian phục hồi màu da vì bị sốc do giảm thể tích tuần hoàn", bác sĩ Hà nói.
Hệ lụy từ việc bỏ điều trị
Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hiếu - Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai, đại đa số các trường hợp nhập viện tại Bệnh viện Bạch Mai chủ yếu nằm ở nhóm trên 10 tuổi, đặc biệt là trẻ từ 14 đến 16 tuổi.
Ở độ tuổi này, rất nhiều yếu tố nguy cơ khiến trẻ mắc xuất huyết tiêu hóa như chế độ ăn uống nghỉ ngơi sinh hoạt chưa phù hợp. Ví dụ trẻ ăn xong đã hoạt động thể lực, học hành ngay hoặc chơi điện tử quá nhiều. Ăn và uống những thực phẩm không an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm hóa chất và nhiều căn nguyên khác...
Đáng nói, một trong những tình trạng khá phổ biến của các bệnh nhi đang điều trị tại khoa là tình trạng tái phát xuất huyết tiêu hóa do viêm loét dạ dày, tá tràng. Nguyên nhân chủ yếu do trẻ nhiễm vi khuẩn H.pylori nhưng chưa tuân thủ đúng phác đồ điều trị nghiêm ngặt khiến ổ loét tiến triển.
"Việc bỏ điều trị, không theo dõi tình trạng bệnh khiến từ ổ loét cấp tính đã trở thành ổ loét mãn tính. Lúc này sẽ dẫn đến rất nhiều hệ lụy như kéo dài thời gian điều trị, thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Bởi vậy, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, tái khám theo lịch bác sĩ chỉ định", bác sĩ Hiếu cho hay.
Để phòng xuất huyết tiêu hóa ở trẻ, các bác sĩ khuyến cáo người chăm sóc, cha mẹ cần chú ý chế độ ăn uống, sinh hoạt của trẻ. Tránh để trẻ ăn nhiều đồ cay nóng, chiên xào, ăn không đúng bữa, ăn vội vàng, không nhai kỹ.
Sắp xếp thời gian học tập, vui chơi cho trẻ. Để trẻ ngủ đủ giấc, không thức quá khuya. Ăn xong cần cho trẻ nghỉ ngơi trước khi chạy nhảy, chơi thể thao.
Đặc biệt, cha mẹ không lạm dụng quá nhiều thuốc giảm đau, chống viêm cho trẻ sử dụng. Chú ý các nguyên nhân tâm lý, tinh thần như: stress, căng thẳng, sợ hãi kéo dài, những áp lực tinh thần trong cuộc sống có thể do học hành, thi cử...
Khi nào cha mẹ cần cho trẻ đến viện?
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, người chăm sóc trẻ cần theo dõi và đưa trẻ đi khám bệnh khi có một trong các dấu hiệu: trẻ xuất hiện tình trạng thiếu máu; ăn, uống kém hoặc không chịu ăn; đau bụng thượng vị, ợ hơi, ợ chua; vàng da vàng mắt, bụng trướng hoặc to hơn bình thường; trẻ khát nước nhiều; trẻ nôn ra máu; phân có máu.
"Bên cạnh đó, khi trẻ xuất hiện tình trạng li bì, khó đánh thức, kích thích vật vã; thiếu máu nặng, da xanh nhiều, môi nhợt; nôn máu đỏ tươi hoặc máu cục; đại tiện phân đen hoặc máu, mệt hơn sau mỗi lần nôn hoặc đi đại tiện, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay", bác sĩ Hà khuyến cáo.
Đăng thảo luận