Trở ngại liên quan đến nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu
Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, công tác thực hiện chuyển đổi số tại địa phương đã được các cấp, các ngành quan tâm và đạt được một số kết quả đáng biểu dương ở một số cơ quan, đơn vị như: Sở Thông tin và Truyền thông; Công an tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Y tế; Sở Tư pháp; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Tuy nhiên, nhiều khó khăn và tồn tại trong thực hiện chuyển đổi số cũng được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ ra. Trong đó, trở ngại đầu tiên được xác định là nhận thức và quyết tâm của người đứng đầu các đơn vị mặc dù có thay đổi tích cực, nhưng chưa đủ tạo thành động lực để lan tỏa đến cấp dưới.
Trách nhiệm nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ, dự án công nghệ thông tin của một số đơn vị chưa cao; nội dung đề xuất có khi chưa đánh giá được hiệu quả cũng như tính khả thi để thực hiện. Việc tham mưu ban hành các cơ chế, chính sách, hướng dẫn để triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số ở một số đơn vị còn chậm.
Bên cạnh khó khăn trong vấn đề nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, thì việc triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh để sẵn sàng chuyển đổi phương pháp trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý của từ truyền thống sang môi trường số cũng chưa hoàn thiện.
Các nhóm giải pháp tháo gỡ
Nhằm tháo gỡ các tồn tại vướng mắc trong công tác chuyển đổi số, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề nghị các cơ quan, đơn vị thực nhóm giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: thứ nhất, nhóm giải pháp về nhận thức và hoàn thiện cơ chế, chính sách, đề nghị các đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và đặc biệt là người đứng đầu về chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước tại cơ quan, địa phương mình.
Tiếp tục bổ sung và hoàn thiện các cơ chế chính sách về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh làm cơ sở pháp lý để các cơ quan, đơn vị, địa phương có định hướng, có công cụ để tổ chức triển khai các chương trình, nhiệm vụ chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương. Ngoài việc cụ thể hóa các cơ chế, chính sách chung của Trung ương ban hành cho các tỉnh, thành phố, cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền ban hành của cấp tỉnh để đề xuất cho phù hợp.
Thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc phát động chương trình Tháng hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Ảnh Sỹ Hào.Thứ hai, nhóm giải pháp về hạ tầng và dữ liệu, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thường xuyên rà soát, hoàn thiện hạ tầng hệ thống mạng máy tính của cơ quan và trang thiết bị cần thiết cho cán bộ, công chức, viên chức để phục vụ triển khai các nền tảng, ứng dụng, bảo đảm an toàn thông tin.
Tiếp tục, khẩn trương rà soát thực hiện số hóa và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định, hướng dẫn của các cơ quan Trung ương và của tỉnh, có khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước của đơn vị mình.
Thứ ba, nhóm giải pháp về nguồn nhân lực, đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động trong việc bố trí, nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ được giao chuyên trách chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị. Ngoài việc đào tạo nâng cao về trình độ, kiến thức chuyên môn về công nghệ thông tin, an toàn thông tin... cần phải nâng cao năng lực trong công tác tham mưu các hoạt động chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị.
Thứ tư, nhóm giải pháp về an toàn thông tin, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị công tác an toàn thông tin, an ninh mạng trong hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan đơn vị cần phải bảo đảm an toàn. Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương tổ chức lập, thẩm định phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ các hệ thống thông tin do cơ quan đơn vị mình quản lý, vận hành; thực hiện các phương án bảo đảm an toàn thông tin theo hồ sơ cấp độ đã được phê duyệt trước 31/12/2024.
Đăng thảo luận