Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC.

Nhận lời mời của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến ngày 17/11/2023.

Trả lời phỏng vấn báo chí trước Tuần lễ cấp cao APECThứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho biết, nhìn lại chặng đường 25 năm tham gia APEC, chúng ta có thể khẳng định, quyết định gia nhập APEC năm 1998 là một quyết định chiến lược trong công cuộc hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, đặt nền tảng cho hội nhập toàn cầu và đóng góp vào sự phát triển của Việt Nam cũng như của khu vực.

Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đóng góp tích cực, trách nhiệm và hiệu quả vào tất cả các lĩnh vực hợp tác, để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC. Có thể nhấn mạnh ba dấu ấn nổi bật, đó là:

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số không nhiều các nền kinh tế hai lần được các thành viên tín nhiệm ủng hộ đảm nhiệm vai trò chủ nhà các Năm APEC vào các năm 2006 và 2017. Dưới sự chủ trì của Việt Nam, hai Hội nghị Cấp cao APEC Hà Nội năm 2006 và Đà Nẵng năm 2017 đều được đánh giá hết sức thành công, đạt những kết quả quan trọng, có ý nghĩa mang tính chiến lược đối với Diễn đàn APEC cũng như hợp tác, liên kết kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Tại năm APEC 2006, chúng ta đã ghi dấu ấn với Chương trình hành động Hà Nội nhằm thực hiện các mục tiêu Bô-go về tự do hoá thương mại và đầu tư; lần đầu tiên APEC thông qua ý tưởng hình thành Khu vực thương mại tự do khu vực châu Á – Thái Bình Dương, định hướng tổng thể về cải cách APEC. Năm 2017, chúng đã đề xuất sáng kiến xây dựng tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020 và thành lập Nhóm Tầm nhìn APEC. Đây là kết quả thể hiện cách tiếp cận dài hạn, tổng thể của Việt Nam, được các thành viên ủng hộ và đánh giá cao, từ đó làm nền tảng để APEC thông qua Tuyên bố chung về Tầm nhìn Putrajaya đến năm 2040, xác định các định hướng, mục tiêu chiến lược và ưu tiên hợp tác của APEC trong giai đoạn mới.

Việt Nam để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong tiến trình APEC  第1张 Ảnh minh hoạ

Thứ hai, Việt Nam là một trong những thành viên tích cực nhất trong việc đề xuất các sáng kiến, dự án hợp tác, với gần 150 dự án, trên các lĩnh vực từ phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy thương mại điện tử, an ninh lương thực, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ đến phát triển nông thôn và đô thị, rác thải đại dương, ứng phó với biến đổi khí hậu…. Các sáng kiến, dự án này một mặt thúc đẩy hợp tác APEC phù hợp với quan tâm và lợi ích của các thành viên, đồng thời phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thứ ba, chúng ta đã khẳng định vai trò điều hành, thúc đẩy triển khai các chương trình hợp tác của APEC thông qua đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong các cơ chế của Diễn đàn. Nổi bật là vai trò Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch nhóm ASEAN trong APEC, Chủ tịch/Phó Chủ tịch nhiều ủy ban, nhóm công tác quan trọng của Diễn đàn. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đóng góp và tham gia tích cực tại Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC và Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC.

Nhìn lại chặng đường 25 năm qua, bám sát đường lối đối ngoại của Đảng, triển khai chủ trương Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, chúng ta đã tham gia APEC một cách chủ động, tích cực, trách nhiệm và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Diễn đàn APEC. Thành công của các năm APEC 2006 và APEC 2017, cùng những đóng góp quan trọng khác của Việt Nam tại Diễn đàn đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế, uy tín đất nước trên trường quốc tế, tranh thủ tối đa các cơ hội, nguồn lực từ hợp tác APEC và các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế khu vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.