Tân Đại sứ Hà Vĩ nhận định Việt Nam và Trung Quốc có nhiều tiềm năng hợp tác về kinh tế, kết nối chiến lược cũng như trong đổi mới sáng tạo và công nghệ cao.
Đại sứ Trung Quốc Hà Vĩ, người bắt đầu nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam từ tháng 9, trả lời phỏng vấn sau chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường ngày 12-14/10 theo lời mời của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
- Đại sứ cho biết kết quả và ý nghĩa chuyến thăm của Thủ tướng Lý Cường đối với thúc đẩy phát triển quan hệ Việt - Trung?
Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Lý Cường trên cương vị hiện tại, tăng cường hơn nữa tin cậy chính trị giữa hai nước. Trong các cuộc hội kiến và hội đàm, hai bên đã tái khẳng định và coi phát triển quan hệ Việt - Trung là phương hướng ưu tiên lẫn lựa chọn chiến lược của nhau.
Hai bên nhất trí thực hiện toàn diện nhận thức chung giữa lãnh đạo cấp cao nhất theo mục tiêu 6 hơn, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường (trái) trước cuộc hội đàm ngày 13/10. Ảnh: Giang Huy
Chuyến thăm đã góp phần thúc đẩy hợp tác thiết thực giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng hợp tác kinh tế - thương mại, đồng bộ kết nối cứng như đường sắt, đường bộ cao tốc, hạ tầng tại cửa khẩu và kết nối mềm như hải quan thông minh.
Vấn đề được quan tâm nhất là tiến triển tích cực trong xây dựng ba tuyến đường sắt ở miền bắc Việt Nam. Hai bên đã hoàn thành quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đang thúc đẩy lập quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Đồng Đăng - Hà Nội và Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng.
Tôi tin rằng thúc đẩy kết nối cứng và kết nối mềm, xây dựng tuyến đường sắt liên thông hai nước chắc chắn sẽ mở ra hành lang kinh tế để kết nối Việt Nam với Trung Á, thậm chí là châu Âu, qua Trung Quốc. Điều này giúp khu vực biên giới phía bắc Việt Nam từ chỗ khép kín trở thành cửa ngõ mở cửa đối ngoại, tiếp tục củng cố vị trí của Việt Nam trong hợp tác khu vực.
Chuyến thăm cũng góp phần hội tụ nhận thức chung về hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Lãnh đạo hai bên đạt nhận thức chung về tăng cường tuyên truyền tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, ủng hộ địa phương hai nước làm việc, triển khai giao lưu và hợp tác, đặc biệt là khu vực biên giới.
Hai Thủ tướng cũng đi sâu trao đổi ý kiến rất thẳng thắn về vấn đề trên biển, nhất trí thông qua hiệp thương hữu nghị để kiểm soát thỏa đáng bất đồng. Những điều này làm chúng ta tràn đầy niềm tin vào tương lai quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
- Ông đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác Việt - Trung trên các lĩnh vực?
Việc xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược đã có bước mở đầu rất tốt, hợp tác thiết thực trở thành điểm tăng trưởng cho quan hệ song phương.
Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương ba năm liền vượt 200 tỷ USD. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch song phương đạt khoảng 160 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất đối với hàng nông sản Việt Nam, trong đó có sầu riêng. Sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc từ năm 2022 và kim ngạch năm 2023 đã đạt 2,3 tỷ USD.
Dừa tươi Việt Nam cũng sẽ được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong tháng 10 và sẽ có mặt trên bàn ăn của các gia đình. Khi còn ở Bắc Kinh, tôi rất muốn được uống nước từ những trái dừa tươi thế này. Dừa tươi chất lượng cao ít thấy trên thị trường Trung Quốc. Việc dừa tươi được xuất khẩu chính ngạch mang lại lợi ích cho nhân dân Trung Quốc và đông đảo nông dân Việt Nam.
Trong 7 tháng đầu năm nay, tuyến đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc đã ba lần lập kỷ lục về khối lượng hàng hóa vận chuyển trong một tháng. Việt Nam và Trung Quốc đang đẩy nhanh xây dựng đường sắt xuyên biên giới, góp phần thúc đẩy kết nối trong khu vực.
Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ ngày 14/10. Ảnh: Hoàng Giang
Giao lưu nhân dân giữa hai nước có triển vọng rất lớn, có thể nói là điểm tăng trưởng tiềm tàng trong quan hệ song phương. Khoảng 23.000 du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Trung Quốc, gấp hai lần so với khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Các bộ phim truyền hình Trung Quốc như Tây du ký, Tam quốc cho đến nay vẫn được hoan nghênh tại Việt Nam. Người chơi Việt Nam cách đây không lâu tự biên dịch và lồng tiếng cho tựa game rất nổi tiếng của Trung Quốc là Hắc thần thoại: Ngộ Không (Black Myth: Wukong), khơi dậy tình cảm và ký ức của nhiều người với Tây du ký.
Về du lịch, Việt Nam 8 tháng đầu năm nay đón khoảng 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc, chiếm khoảng 21,4% trong tổng số du khách quốc tế. Mỗi tuần giữa hai nước đều có hơn 200 chuyến bay khứ hồi.
Hai nước không thể tránh khỏi một số vấn đề trong thúc đẩy hợp tác, song chắc chắn sẽ xử lý thỏa đáng nếu có lòng tin, sự kiên nhẫn và quyết tâm.
- Ông đánh giá thế nào về tình hình kinh tế hiện nay của Trung Quốc?
Trung Quốc là một trong những nền kinh tế chủ chốt tăng trưởng nhanh nhất, với GDP năm nay dự kiến tăng 5%. Kinh tế Trung Quốc đang trong giai đoạn chuyển sang giai đoạn phát triển chất lượng cao và không tăng trưởng nhanh.
Để phát triển chất lượng cao thông qua chuyển đổi xanh, Trung Quốc đang thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý về số lượng và đảm bảo phát triển hiệu quả, do đó phải tìm kiếm con đường phát triển xanh, phát thải carbon thấp và bền vững. Hiện tại, các ngành nghề xanh của Trung Quốc đã nằm trong top đầu thế giới.
Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 1% sẽ làm các nền kinh tế khác tăng trưởng 0,3%. Người dân Trung Quốc có nhu cầu tiêu dùng ngày càng mạnh mẽ, xu thế nâng cao chất lượng và chuyển đổi ngày càng rõ rệt.
- Gói chính sách tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đưa ra gần đây sẽ mang lại cơ hội nào cho Việt Nam cùng khu vực?
Việt Nam sở hữu vị trí và vị thế rất đặc biệt và có ưu thế, khi nằm ở cửa ngõ trong hệ thống tuần hoàn kép trong nước và quốc tế của Trung Quốc và là phần nối dài của hệ thống này. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam và sẽ góp phần thúc đẩy các ngành kinh tế Việt Nam thực hiện chuyển đổi sâu sắc.
Ưu thế về chuỗi ngành nghề sẽ mang lại cơ hội hợp tác cho Việt Nam, khi Trung Quốc tới nay là nước duy nhất có mọi loại hình công nghiệp. Việt Nam và Trung Quốc có lợi thế địa lý núi sông cùng một dải, các ngành nghề ở hai nước đồng nhất và bổ sung lẫn nhau.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc sẽ tạo cơ hội phát triển cho Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm nay, số lượng dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc sang Việt Nam xếp thứ nhất, vốn đầu tư trực tiếp sang Việt Nam đạt khoảng 1,84 tỷ USD và xếp thứ 4.
Tới cuối năm 2023, doanh nghiệp Trung Quốc tham gia đầu tư và xây dựng khoảng 70 dự án điện gió tại Việt Nam, chiếm 60% tổng công suất điện gió. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư sang Việt Nam gần 100 dự án nhà máy điện mặt trời, chiếm 50% tổng công suất nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam.
Nhà máy điện rác Sóc Sơn là dự án đầu tư của doanh nghiệp Trung Quốc, mỗi ngày có thể xử lý hơn 50% lượng rác sinh hoạt của Hà Nội. Một số công ty Trung Quốc đang hợp tác xây dựng nhà máy sản xuất ôtô điện tại Việt Nam.
Với sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, tôi tin rằng hai nước sẽ tiếp tục tiến lên. Việt Nam và Trung Quốc là bạn đồng hành, đối tác tốt trên con đường đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, có thể tạo ra nhiều thành quả hiện đại hóa mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước.
- Việt - Trung cần tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa thế nào?
Hai bên phải làm sâu sắc hơn hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, bằng cách tăng cường giao lưu, trao đổi trực tiếp, khuyến khích du khách và du học sinh để người dân hiểu và nhìn nhận nước kia một cách khách quan.
Việt - Trung cần tăng cường liên kết trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật hay ẩm thực. Rất nhiều tác phẩm văn nghệ, âm nhạc của Việt Nam được hoan nghênh ở Trung Quốc, rất nhiều phim truyền hình Trung Quốc nổi tiếng ở Việt Nam.
Việt Nam và Trung Quốc có nền ẩm thực phong phú, chúng ta có thể phát hiện nhiều điều hơn trong cuộc sống hàng ngày để giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực này. Đối với du khách Trung Quốc, ẩm thực Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn.
Trước khi tới Việt Nam làm đại sứ, nhiều người nói với tôi rằng phở Việt Nam rất ngon. Tôi cũng thường xuyên tới quán phở Việt Nam gần trụ sở Bộ Ngoại giao Trung Quốc tại Bắc Kinh để dùng bữa.
Nhưng khi tới Việt Nam, tôi nhận thấy vị phở ở đây khác một trời một vực so với tại Bắc Kinh. Tôi nói với nhiều người rằng phở ở Bắc Kinh không phải phở Việt Nam thật sự, nếu muốn ăn món này ngon phải đến Việt Nam.
Tôi tin rằng Việt Nam và Trung Quốc chắc chắn sẽ học hỏi lẫn nhau để cùng nhau tiến nhanh và tiến xa về phía trước, không chỉ mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước mà còn đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển bền vững trong khu vực.
Ông Hà Vĩ trình quốc thư lên Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hôm 17/9, bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.
Ông sinh năm 1970, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp từng công tác tại đại sứ quán Trung Quốc ở Philippines, Ấn Độ và được bổ nhiệm làm tổng lãnh sự Trung Quốc tại Toronto, Canada năm 2017.
Nguyễn Tiến
Đăng thảo luận
2024-11-16 14:15:30 · 来自139.203.33.154回复
2024-11-16 14:25:37 · 来自222.78.138.241回复
2024-11-16 14:35:27 · 来自139.207.234.40回复
2024-11-16 14:45:40 · 来自222.25.241.220回复
2024-11-16 14:55:38 · 来自61.235.243.75回复
2024-11-16 15:05:29 · 来自36.56.24.93回复
2024-11-16 15:15:25 · 来自121.76.23.205回复
2024-11-16 15:25:18 · 来自222.55.227.108回复
2024-11-16 15:35:23 · 来自61.234.1.230回复
2024-11-16 15:45:36 · 来自121.77.182.69回复
2024-11-16 15:55:27 · 来自123.234.156.106回复