Một lần, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung hỏi ChatGPT: “Kinh tế Nhà nước có đóng vai trò chủ đạo được không?”. Ông nhận được câu trả lời, đây là một chủ đề tranh cãi và có nhiều quan điểm khác nhau.
ChatGPT giải thích, kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo thường đối diện với các đặc điểm như tham nhũng và quản lý kém, hiệu quả kém, hạn chế sáng tạo và cạnh tranh, tạo nên gánh nặng tài chính cho nền kinh tế.
Tuy vậy, ChatGPT cũng trả lời ông Cung rằng, mô hình kinh tế Nhà nước chủ đạo tốt sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân và duy trì công bằng xã hội.
Theo Phó Viện trưởng phụ trách Viện Kinh tế Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, kinh tế Nhà nước bao gồm doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), tài nguyên quốc gia, đất đai, ngân sách và vốn Nhà nước…
Kể từ khi Việt Nam tiến hành Đổi mới năm 1986, nền kinh tế đã chuyển đổi sang đa thành phần sở hữu thay vì chỉ một thành phần sở hữu là Nhà nước. Bước chuyển đổi này đã giúp nền kinh tế trở nên sống động hơn bao giờ hết và giúp tuyệt đại đa số người dân thoát khỏi đói nghèo.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia luôn muốn thảo luận lại khái niệm “kinh tế Nhà nước là chủ đạo” ở khía cạnh khoa học trong nỗ lực để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn.
Ông Nguyễn Đình Cung nói: “Việt Nam có các thành phần kinh tế giống hệt như các quốc gia khác. Họ có gì, chúng ta có đó. Vì sao các quốc gia khác không giao cho kinh tế Nhà nước vai trò chủ đạo, mà chúng ta lại giao?”.
Ông phân tích, trong khu vực kinh tế Nhà nước, các cấu thành khác như ngân sách Nhà nước, ngân hàng Nhà nước, hệ thống hạ tầng, các quỹ dự trữ… của Việt Nam cũng giống như của các quốc gia trên thế giới.
Ông Cung nói: “Chúng ta chỉ khác họ một điểm duy nhất là DNNN. DNNN luôn phải duy trì ở quy mô đủ lớn để trở thành chủ đạo”.
Quá trình Đổi mới là quá trình giải phóng quyền lực Nhà nước và nhờ đó kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ. Ảnh minh hoạ: Hoàng HàTheo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp khoảng 87% sản lượng điện; chiếm tới 84% thị phần bán lẻ xăng dầu; cung cấp 100% thị phần khí thô và 70% thị phần khí hóa lỏng (LNG); 70-75% nhu cầu phân đạm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Nhà nước cũng là người chơi chủ yếu trong ngành viễn thông, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng...
Tuy vậy, sau quá nửa nhiệm kỳ đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, DNNN vẫn có những bất cập như hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Một số DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần khác phát triển, thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, các DNNN còn yếu ở những ngành có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của khu vực doanh nghiệp Việt Nam như: Các ngành công nghệ cao, các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa như cơ khí chính xác; sản xuất chế tạo linh kiện, máy móc và thiết bị hoàn chỉnh cho các ngành sản xuất; công nghệ nguồn.
Gần đây, xuất hiện lại quan điểm các DNNN cần đổi mới công tác cán bộ, thuê nguồn nhân lực chất lượng cao, xem xét thí điểm thuê các giám đốc điều hành của nước ngoài, nhân sự lãnh đạo không phải là đảng viên.
Ông Cung cho rằng, quan điểm này rất tiến bộ vì ngay từ những năm 2000, nhà máy ô tô Hòa Bình thuộc sở hữu Nhà nước đã thuê giám đốc nước ngoài. Đáng tiếc sau đó, việc này dừng lại.
“Các DNNN không thể thuê được giám đốc người nước ngoài vì chúng ta không tạo không gian cho người quản lý hành động tương xứng với vị trí của họ. Chúng ta lo họ lấy mất tiền, nhưng thực tế là họ làm ra tiền”, ông nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đồng tình: “Thuê giám đốc người nước ngoài thì cơ chế quản lý về mặt Đảng với họ thế nào vì các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp phải được thông qua Đảng ủy. Tôi cho rằng, nếu không trao quyền mà chỉ trao trách nhiệm và nghĩa vụ cho họ thì rất khó”.
Tiến sĩ Đặng Xuân Thanh trích dẫn cả Adam Smith và Karl Marx cho rằng, quyền lực trong kinh tế rất quan trọng để phát triển kinh tế, và nếu thị trường không được trao quyền lực thì không phát triển được.
Quá trình Đổi mới ở nước ta, ông nói, về thực chất là nhà nước trao quyền cho thị trường và nhờ đó kinh tế thị trường có cơ hội phát triển dù Nhà nước vẫn trực tiếp sản xuất, kinh doanh lớn bên cạnh việc ban hành các luật, các chính sách và công cụ để điều tiết nền kinh tế.
Quá trình Đổi mới là quá trình giải phóng quyền lực Nhà nước và nhờ đó kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cảm thấy không yên tâm vì thấy thị trường vượt quá sự kiểm soát và mặt trái của kinh tế thị trường nhiều lên, nhất là tham nhũng, lãng phí.
Vì vậy, trong hơn thập kỷ gần đây, Nhà nước có xu hướng tập trung quyền lực, và kết quả là thị trường gặp khó khăn, ví dụ như thị trường vàng.
Ông Thanh tha thiết: “Trong bất kỳ tình thế nào muốn phát triển, muốn đảm bảo công bằng xã hội, có tăng trưởng cao và bền vững, thì Nhà nước phải trao quyền cho thị trường. Tất nhiên, việc chuyển giao phải bằng pháp luật, dựa trên pháp luật thì nguồn lực khổng lồ của quốc gia mới được phân bổ và sử dụng hiệu quả và minh bạch”.
Khi Doanh nghiệp Nhà nước có hàng trăm ngàn tỷ tiền mặtNhững gì các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) nắm giữ và sở hữu là ước mơ với không ít doanh nghiệp khác.
Đăng thảo luận