Sáng sớm vừa mở cửa, đập ngay vào mắt tôi là bốn túi rác to đùng chất đống trước nhà mình.

Ngày nghỉ lễ đầu tiên của tôi, thời tiết khá đẹp. Nhưng vừa mở cửa ra, định đưa con gái lên phố chơi, đập vào mắt tôi là bốn túi rác to đùng chất đống ở trước nhà mình. Tôi đã hỏi kỹ nhà hàng xóm liền kề xem có phải rác của họ hay không? Nhưng ai cũng khẳng định không phải. Trong khi đó, bản thân tôi chưa hề để túi rác nào ra ngoài cửa, vậy rác đó của ai?

Thực ra, sự việc thế này không phải mới xảy ra lần đầu. Đã khá nhiều lần tôi thấy rác bị vứt trước cửa nhà mình. Nhưng vì đi làm từ 7h sáng, đến 18h mới về, nên tôi không ở nhà được để bắt quả tang xem ai là người mang rác đến vứt trước cửa nhà mình. Tôi thực sự rất khó chịu về việc làm thiếu ý thức này.

Có lẽ, do tôi đóng cửa trong nhà nghỉ ngơi cả tuần nên người khác mới có cơ hội làm vậy. Sau nhiều lần bị vứt rác trước cửa nhà, chiều nay tôi quyết định chụp ảnh đống rác trước cửa nhà và gửi lên nhóm Zalo của tổ dân phố để báo cho tất cả người dân cùng biết sự việc và tìm cách xử lý. Nếu ai trong phố làm thì mong rằng họ sẽ rút kinh nghiệm, còn nếu là người của nơi khác mang đến thì cũng nhờ mọi người lên tiếng khi nhìn thấy người lạ mang rác đến nhà tôi.

Không ngờ, nhà chị hàng xóm gần nhà tôi cũng gặp chuyện tương tự. Chị nhắn trên nhóm Zalo rằng thỉnh thoảng nhà chị cũng bị người ở khu bên cạnh mang rác đến vứt trước cửa. Chị góp ý nhưng họ vẫn làm vậy. Người dân khu phố tôi đều rất bất bình trước cách ứng xử thiếu văn minh ấy nhưng không biết làm gì để ngăn chặn việc làm đó.

Tình trạng này có lẽ là do cách quản lý không chặt chẽ và xử phạt chưa nghiêm của cơ quan chức năng. Khi không có hệ thống quản lý hiệu quả, người dân có thể không phải chịu trách nhiệm trong việc xử lý rác thải. Sự thiếu quản lý và xử phạt không đủ mạnh mẽ cũng có thể làm tăng hành vi xả rác bừa bãi.

>> Sống giữa những hàng xóm 'tiện đâu quăng rác đấy'

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định như sau: "Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định. Hộ gia đình, cá nhân có hành vi để rác ngoài địa điểm quy định là trái pháp luật và sẽ bị xử lý hành chính quy định tại khoản 4 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng cháy chữa cháy, phòng chống bạo lực gia đình như sau:

Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn, hóa chất, gạch, đất, đá, cát hoặc vật khác vào nhà ở, nơi ở, vào người, đồ vật, tài sản của người khác, vào trụ sở cơ quan, tổ chức, nơi làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh, mục tiêu, vọng gác bảo vệ mục tiêu".

Mặc dù, luật pháp đã có quy định xử phạt rất rõ ràng nhưng ý thức của người dân kém hoặc là không hiểu biết luật pháp hoặc là do cơ quan chức năng chưa xử phạt nghiêm minh nên không có tác dụng răn đe. Trong thực tế, có không ít cuộc vận động bảo vệ môi trường đã thất bại. Nguyên nhân quan trọng nhất có lẽ là do ý thức của người dân kém, chỉ biết giữ sạch nhà mình bằng cách mang rác nhà mình sang vứt ở cửa nhà người khác.

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên tiếp tục vào cuộc quyết liệt hơn, đưa ra những chế tài xử phạt mạnh tay hơn đối với những trường hợp xả rác bừa bãi. Để việc xử lý đạt hiệu quả cao hơn, thành phố cần đặt thêm nhiều camera quan sát tại các điểm nóng về ô nhiễm rác thải nhằm tăng cường giám sát, xử phạt thật nghiêm minh các hành vi xả thải ra môi trường. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, để từng bước nâng cao ý thức người dân, để môi trường không bị ô nhiễm.

Hy vọng qua bài viết này, tình trạng vứt rác nhà mình sang nhà người khác ở chỗ tôi sinh sống sẽ chấm dứt. Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường chung của người dân sẽ được nâng cao, tình trạng vứt rác bừa bãi sẽ không còn xảy ra ở bất cứ nơi đâu trên cả nước.

Vũ Thị Minh Huyền