'Tôi quan điểm chỉ mừng cưới không quá một triệu đồng. Trên mức đó, tôi gửi tiền chứ không đi ăn tiệc'.
"Quan điểm của tôi là mừng cưới theo năng lực và đồng giá (từ tiệc cưới trong nhà hàng, đến tổ chức tại gia theo kiểu 'cây nhà lá vườn'). Số tiền mừng tối thiểu là 500.000 đồng và tối đa là một triệu đồng. Còn nếu vượt quá số tiền đó, tôi sẽ gửi phong bì chứ không đi dự tiệc.
Nói thật, rất khó trách chủ tiệc hay người đi ăn cưới vì mỗi người một suy nghĩ. Tôi luôn xem trước gia chủ tổ chức tiệc thế nào mà phán đoán chi phí cho một bàn tiệc dao động khoảng bao nhiêu. Từ đó, tôi có thể chia bình quân cho mỗi người dự tiệc. Chỉ cần 10 bàn đạt 80% giá trị mâm cỗ là đủ để chủ tiệc hòa vốn, vui vẻ cả hai bên, chứ không nên áp đặt hoặc quá chấp nhất mà làm mất vui.
Tôi gặp nhiều trường hợp, khi cô dâu chú rể vui quá, hứng lên là đãi tiệc khách sạn năm sao ở trung tâm, giá mỗi bàn tiệc tới hơn 10 triệu đồng. Như vậy, khách đến dự phải mừng cưới ít nhất một triệu đồng, chứ ai lại đi 500.000 đồng, trong khi không đi không được. Mặc dù đồ ăn có khi còn không ngon, không vui như ở nhà hàng ba sao, nhưng nếu trong khả năng của mình thì tôi vẫn đi để chung vui với bạn".
Đó là chia sẻ của độc giả Edison Castle xung quanh những tranh cãi về tiền mừng cưới bao nhiêu là đủ? Mừng cưới là nét thú vị trong văn hóa người Việt, xuất phát từ tinh thần tương thân tương ái. Tiền mừng cưới vừa là lời chúc phúc, vừa là đóng góp một phần kinh phí cho ngày vui của cô dâu, chú rể. Cũng vì thế, hiện nay khi nhận thiệp mời cưới, nhiều người đau đầu với câu hỏi: "Mừng bao nhiêu tiền để gia chủ không lỗ vốn?".
Trả lời câu hỏi này, bạn đọc Vũ Nguyễn nêu quan điểm: "Tôi sẽ mừng cưới sao cho không để chủ tiệc bị lỗ vốn. Chẳng hạn khi trước tôi đãi tiệc ở nhà hàng nhỏ, người ta đi cưới 300.000 đồng. Giờ họ đãi tiệc ở nhà hàng sang hơn thì tôi phải cân đối, đi lại 500.000 đồng, chứ không thể trả lễ như trước để khiến họ lỗ được. Vật giá thay đổi theo thời gian thì mỗi người phải tự cân đối tiền mừng. Tất nhiên, gia chủ sẽ có người không quan tâm đến chuyện tiền bạc, chỉ cần bạn đến chung vui là được, nhưng ai cũng nên sống biết điều".
>> 'Tiền đi đám ma, đám cưới quá tiền ăn'
"Quan điểm của tôi, tiền mừng cưới là để tới chung vui và chúc phúc cho cô dâu, chú rể, coi như một món quà để họ ổn định cuộc sống. Thế nên, nếu đi ăn cưới, tôi luôn gửi tiền mừng tối thiểu bằng giá trị suất ăn của mình. Tùy theo mức độ thân thiết mà tôi có thể đi nhiều hơn hoặc ít đi. Hoặc trước đó người ta đi mình thế nào, mình sẽ mừng lại như thế, cộng thêm phần trượt giá.
Ở chiều ngược lại, người tổ chức đám cưới cũng không nên quá xét nét tiền mừng của khách mời. Tất nhiên, nếu mình mừng người ta nhiều mà nay họ đi lại ít thì cũng sẽ không vui, nhưng hay nghĩ rằng, có lẽ người ta cũng không trân trọng lắm mối quan hệ với mình, nên lựa mà cư xử sau này", độc giả Minh Tâm nói thêm.
Trong khi đó, cho rằng không nên so đo, tính toán đến số tiền mừng cưới, bạn đọc Danny bày tỏ: "Không phải ai cũng có điều kiện như nhau để mà so đo, tính toán thiệt hơn chuyện phong bì mừng cưới. Điều đó chỉ khiến bạn trở nên nhỏ nhen, hẹp hòi hơn mà thôi. Nếu có điều kiện thì mừng người ta nhiều, chứ không nên có suy nghĩ mình mừng thế nào thì người ta cũng phải đáp lại giống như vậy trở lên, chứ không được kém hơn. Suy nghĩ tính toán vì cái phong bì là điều thực sự đáng trách".
* Bạn mừng cưới bao nhiêu tiền? Chia sẻ quan điểm mừng cưới của bạn tại đây.
- Lạc quẻ vì mừng cưới kiểu Tây trong đám cưới kiểu ta
- Nhóm bạn thân 10 năm không ai đến dự hay gửi tiền mừng cưới tôi
- Bạn bè gửi tiền mừng cưới dù tôi không mời
- Nhóm bạn thân không mừng cưới tôi đồng nào
- Đồng nghiệp dò hỏi mừng cưới bao nhiêu tiền
- Áp lực 'trả nợ' từ thiệp mời cưới in mã QR
Đăng thảo luận