Tàu ngầm hạt nhân K-222 của Liên Xô lập kỷ lục tốc độ cách đây hơn 50 năm và chưa từng bị đánh bại kể từ sau đó.
Tàu ngầm K-222 chạy bằng năng lượng hạt nhân. Ảnh: National Interest
Thiết kế và chế tạo cách đây hơn 50 năm, tàu ngầm K-222 của Liên Xô vẫn giữ kỷ lục dành cho tàu ngầm nhanh nhất thế giới từng được sản xuất, đạt tốc độ 82,8 km/h, theo IFL Science. Ban đầu có tên K-162, K-222 được phát triển dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Hội đồng Bộ trưởng nước này vào năm 1958 trong nỗ lực tạo ra một tàu ngầm tốc độ cao mới. Sản xuất ở thành phố cảng Severodvinsk ở phía bắc Liên Xô trong thập niên 1960, chiếc tàu ngầm nằm trong Dự án 661 được bàn giao vào năm 1969.
Trang bị vũ khí hạt nhân và hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, chiếc tàu chỉ dài hơn 106 m và là một trong những tàu ngầm đầu tiên có lớp vỏ titan. Tuy nhiên, tốc độ là đặc điểm nổi bật nhất của phương tiện. Khi thử nghiệm vào năm 1969, nó chạy nhanh hơn dự kiến, đạt tốc độ 77,8 km/h thay vì 70,4 km/h. Phương tiện đạt tốc độ cao nhất trong một thử nghiệm năm 1971, cán mốc 82,8 km/h khi chạy hết công suất hạt nhân. Tốc độ tàu ngầm này chưa từng bị lật đổ kể từ sau đó.
K-222 dường như trở thành mối đe dọa đối với Mỹ và các nước đồng minh NATO khác trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, thách thức năng lực kỹ thuật của họ. So với nó, một trong những tàu ngầm nhanh nhất mà Mỹ từng phát triển là tàu ngầm tấn công sử dụng năng lượng hạt nhân Seawolf chỉ đạt tốc độ 64 km/h.
Tuy nhiên, sức mạnh của chiếc tàu rất khó duy trì. Tốc độ cao gây ra áp lực cho kết cấu. Ngoài ra, hệ thống rất phức tạp và vận hành tốn kém. Bên trong phòng điều khiển của tàu ngầm, tiếng ồn có thể đạt mức 100 decibel, gần sánh ngang một hộp đêm tấp nập.
Một sự kiện mang tính quyết định đối với dự án diễn ra vào tháng 9/1980 khi tai nạn xảy ra trong quá trình bảo dưỡng lò phản ứng hạt nhân của tàu. Cuối cùng, chiếc tàu ngừng hoạt động năm 1988 trước khi trở thành phế liệu vào năm 2010. Do những khó khăn kỹ thuật của K-222, rất khó có tàu ngầm nào có thể đánh bại kỷ lục tốc độ của nó.
An Khang (Theo IFL Science)
Đăng thảo luận