Hành vi đáng lên án

Vừa qua, mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một tài xế ô tô đi ngược chiều va chạm với một nam sinh đi xe đạp điện, sau đó hành hung người đi đúng. Sự việc xảy ra ngày 14/10, tại đường Phan Đình Phùng, phường Quang Trung, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Theo nội dung clip được quay từ camera giám sát, ngay sau khi xảy ra va chạm, tài xế ô tô đã xuống xe và đuổi đánh nam sinh, thậm chí còn quên cài phanh tay khiến ô tô trôi tự do, kéo lê xe máy điện trên đường và leo lên vỉa hè.Vụ việc gây bất bình trên mạng xã hội. Lực lượng chức năng địa phương đã tiếp nhận và trong quá trình làm rõ, xử lý vụ việc.

Tài xế đi ngược chiều, còn hành hung người bị xử lý như thế nào?  第1张 Hình ảnh chiếc xe ô tô đi ngược chiều và va chạm với xe máy điện của 1 học sinh đang lưu thông đúng hướng. Ảnh cắt từ clip

Về vụ việc này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, việc đi ngược chiều của tài xế lái ô tô là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, sửa đổi tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP quy định mức phạt lỗi đi ngược chiều với ô tô như sau: phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng đối với hành vi điều khiển ô tô đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển "Cấm đi ngược chiều", trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 8 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và các trường hợp xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ khẩn cấp theo quy định. Đồng thời, người điều khiển ô tô đi ngược chiều còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng.

Trong trường hợp người lái xe đi ngược chiều gây tai nạn giao thông cho người khác, tùy theo mức độ thiệt hại mà hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định, cụ thể: căn cứ khoản 5, Điều 6 Nghị định 100/2019, Phạt tiền từ 1 - 2 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”, trừ hành vi vi phạm điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc. Đồng thời, người điều khiển xe máy đi ngược chiều còn bị áp dụng hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng, theo quy định tại điều b khoản 10 điều 6 Nghị định 100/2019.

Có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự

Ngoài ra, trường hợp đi ngược chiều mà gây tai nạn cho người khác, ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính như trên, nếu mức độ tổn thương cho người khác lớn hoặc gây tử vong cho người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017. Theo đó, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ thuộc một trong các trường hợp tuỳ theo các mức độ mà có 3 cấp độ xử lý.

Người vi phạm thể sẽ bị phạt tiền từ 30 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm nếu làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe cho 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp không có giấy phép lái xe theo quy định; trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng chất ma túy hoặc các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng; gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn; không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; làm chết 2 người thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp làm chết 3 người trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm.

Ngoài việc phải chịu các trách nhiệm về hành chính hoặc hình sự, người đi ngược chiều gây tai nạn giao thông còn phải chịu trách nhiệm dân sự theo luật định hiện hành. Theo luật sư, qua quan sát video, địa điểm xảy ra là đoạn đường giao thông, là nơi công cộng, người tài xế ô tô đã có hành vi lao đến hành hung, đuổi đánh nam sinh trước sự chứng kiến của nhiều người xung quanh, gây hoang mang, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự chung. Bên cạnh đó, luật sư cho rằng nếu kết quả điều tra xác định hành vi của tài xế ô tô có tính chất côn đồ, hoặc khiến nạn nhân có thương tích, người này hoàn toàn có thể bị cơ quan chức năng xem xét xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật Hình sự.