Chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là chủ trương đúng đắn, phù hợp với điều kiện Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhưng chủ trương này sẽ gặp không ít thách thức cần được hóa giải.
Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM trao đổi với giáo viên nước ngoài trong buổi sinh hoạt câu lạc bộ tiếng Anh - Ảnh: MỸ DUNG
Cô T., hiệu trưởng một trường THCS tại TP.HCM, cho biết cô rất vui mừng trước thông tin TP.HCM sẽ thực hiện thí điểm đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường.
"Điều này là xu thế tất yếu của giáo dục Việt Nam nếu chúng ta muốn chuẩn bị nhân lực cho một xã hội ngày càng văn minh, giàu mạnh, sánh vai các cường quốc năm châu", cô T. nói.
Giáo viên người Việt dùng tiếng Anh để dạy các môn học cho học sinh có chuẩn không? Liệu có là thứ tiếng Anh trọ trẹ, học sinh không nghe được hay không?Thầy Huỳnh Thanh Phú (hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM)
Tìm đâu ra giáo viên dạy bằng tiếng Anh?
Theo đánh giá của cô T., trong khi đa số học sinh trường cô rất giỏi tiếng Anh, tỉ lệ giao tiếp lưu loát tiếng Anh tốt thì ở phía ngược lại, đội ngũ giáo viên - những người sẽ trực tiếp thực hiện chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường - lại có tỉ lệ rất thấp thành thạo giao tiếp bằng tiếng Anh.
"Giáo viên có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ tiếng Anh theo quy định nhưng phần lớn qua thời gian, giáo viên sử dụng tiếng Anh để giao tiếp trở nên ít ỏi. Môi trường làm việc không cần tiếng Anh đã bào mòn khả năng sử dụng tiếng Anh trong thực tế của mỗi giáo viên. Hiện nay chỉ có khoảng 10% giáo viên trong trường có thể sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Đó là một rào cản", cô T. thông tin.
Hợp tác với Mỹ, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học
TP.HCM thí điểm dạy học bằng tiếng Anh: Chọn mô hình nào?
Cô Trần Thúy An - hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, quận 1, TP.HCM - cho hay giáo viên mới ra trường thì theo yêu cầu chung đều phải có những bằng cấp, chứng chỉ đầu ra tiếng Anh tương đương.
Trong khi những giáo viên được đào tạo trước đây cũng đều có chứng chỉ tiếng Anh được quy ra chuẩn năng lực sáu bậc theo khung năng lực ngoại ngữ. Tuy nhiên theo đánh giá của cô An, dù có chứng chỉ tiếng Anh nhưng giáo viên không thể dạy các môn học bằng tiếng Anh được.
"Trình độ tiếng Anh chỉ đủ để giao tiếp chứ để sử dụng như một ngôn ngữ giảng dạy bộ môn thì đa phần chưa đáp ứng được", cô An thẳng thắn nhìn nhận.
Cô An cho biết thêm về cơ bản những giáo viên đại trà chưa dạy được môn của họ bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, trong số những giáo viên đó cũng có những giáo viên chủ động học tập tiếng Anh và có thể đảm nhận được việc dạy môn học bằng tiếng Anh.
"Trường chúng tôi có ba giáo viên có thể dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ để dạy chuyên môn của họ. Một thầy có bằng đại học ngoại ngữ tiếng Anh có kỹ năng giao tiếp và ngôn ngữ tốt, một cô là thạc sĩ cũng có bằng cấp tiếng Anh có khả năng dạy khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, một cô là thạc sĩ toán có thể dạy toán bằng tiếng Anh. Tuy tỉ lệ không nhiều nhưng không phải là không làm được", cô An nói.
Nâng cao năng lực tiếng Anh cho giáo viên
Theo nhiều hiệu trưởng, đặc điểm của các trường phổ thông hiện nay là khác nhau. Vì thế, tỉ lệ giáo viên có thể dùng tiếng Anh để dạy là không giống nhau. Dù là khó khăn và thách thức lớn nhưng theo nhìn nhận từ các trường, việc này nếu làm theo lộ trình sẽ thực hiện được.
"Nếu người đứng đầu nhà trường có ý thức trong việc biến chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai thành hiện thực thì sẽ có những bước để thực hiện. Ví dụ như tạo cơ hội cho những giáo viên có khả năng, có năng lực, xây dựng từ một điểm sáng thành một quầng sáng và lan tỏa ra cả trường", hiệu trưởng một trường tiểu học tại TP.HCM nêu giải pháp.
Thầy Huỳnh Thanh Phú - hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM - thừa nhận điều băn khoăn nhất hiện nay trong thực hiện việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường chính là giáo viên.
Theo thầy Phú, đây là vấn đề cần phải tính đến khi triển khai chủ trương này. Bởi vì các thế hệ giáo viên 6X, 7X hiện nay không thể nói tiếng Anh chuẩn được do trước đây họ đã tiếp xúc với tiếng Anh không chuẩn.
"Tôi nghĩ 10 năm nữa giáo viên sẽ rất chuẩn trong nói và dùng tiếng Anh để dạy học. Để thực hiện thành công chủ trương đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong nhà trường, ngành giáo dục cần bồi dưỡng liên tục trình độ tiếng Anh cho giáo viên, tổ chức học tập trung trong ba tháng, sáu tháng và bồi dưỡng thường xuyên để đạt được trình độ quy định, họ sẽ có khả năng để dạy chuyên môn tốt", thầy Phú nêu ý kiến.
TS Lê Xuân Quỳnh - chủ nhiệm chương trình cử nhân ngôn ngữ, Đại học RMIT Việt Nam - cho rằng ngoài việc đào tạo giáo viên và phát triển chuyên môn thường xuyên, các trường đại học sư phạm cần bắt đầu triển khai đào tạo bằng tiếng Anh cho sinh viên, trước mắt là các môn toán và khoa học tự nhiên.
Cần có chính sách đầu tư cho trường sư phạm có chương trình đào tạo giáo viên bằng tiếng Anh như vậy để chuẩn hóa chất lượng và bảo đảm nguồn nhân lực giáo viên có thể dạy học chuyên môn bằng tiếng Anh từ mầm non đến THPT.
Một giải pháp nữa là có thể tuyển dụng thêm giáo viên bản ngữ lưu loát tiếng Anh, giáo viên nước ngoài để đảm nhận một phần các môn học hay hoạt động giáo dục ở nhà trường, nhằm dần cải thiện và nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Anh. Mặt khác cũng có thể kết hợp "cặp giáo viên Việt Nam - giáo viên nước ngoài" tùy vào tình hình thực tế dạy học trong mỗi nhà trường.
Tọa đàm "Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học"
Từ 9h - 11h30 hôm nay (2-10), báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm "Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học: Làm gì để vượt thách thức?".
Tọa đàm có sự góp mặt của các chuyên gia, nhà giáo dục, giáo viên, phụ huynh, nhà quản lý nhằm tìm kiếm sáng kiến, hiến kế, giải pháp nhằm hiện thực hóa chủ trương "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học" theo kết luận 91 năm 2024 của Bộ Chính trị.
Các khách mời của tọa đàm gồm:
* Ông Nguyễn Bảo Quốc (phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM)
* TS Nguyễn Thanh Bình (chủ nhiệm khoa tiếng Anh Trường đại học Sư phạm TP.HCM)
* TS Lê Xuân Quỳnh (chủ nhiệm chương trình cử nhân ngôn ngữ, Trường đại học RMIT Việt Nam)
* TS Đàm Quang Minh (phó tổng giám đốc Tập đoàn Equest - đơn vị đang triển khai chương trình dạy toán, khoa học bằng tiếng Anh trong các trường phổ thông)
* Cô Phạm Thị Thanh Bình (phó hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Tố, quận 10, TP.HCM)
* Cô Bùi Thị Thanh Châu (tổ phó tổ ngoại ngữ Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM)
Đăng thảo luận