Chuyên gia nói chuyển đổi công nghiệp sang xanh - số - bền vững là phù hợp cho TP HCM, nhưng cần cải thiện nền tảng hạ tầng, tài chính.

Theo mục tiêu của Bộ Chính trị, TP HCM có nền công nghiệp hiện đại vào 2030 và vươn tầm châu lục năm 2045. Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024" sáng nay, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cho biết để đạt được, địa phương chọn "chuyển đổi xanh, toàn diện là nhiệm vụ trọng tâm, chuyển đổi công nghiệp là động lực, chuyển đổi số là đột phá và hợp tác phát triển là nhiệm vụ quan trọng, tất yếu".

TP HCM cần chuyển đổi ngành công nghiệp như thế nào  第1张

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế TP HCM 2024 sáng 25/9. Ảnh: HEF

Việc chuyển đổi nền công nghiệp cho đầu tàu kinh tế cũng đang cấp thiết. TS. Phạm Bình An, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), cho biết Thành phố đã nỗ lực chuyển đổi từ năm 2000, với việc khuyến khích di dời và sắp xếp lại các doanh nghiệp sản xuất. Nhiều doanh nghiệp tại thành phố đã tích cực ứng dụng Công nghiệp 4.0

Tuy nhiên, sự phát triển này chưa thực sự bền vững và thiếu chiều sâu. Nhiều doanh nghiệp đã phát triển, nhưng năng lực cạnh tranh còn khiêm tốn, thiếu sự hiện diện của các công ty đầu ngành. Các ngành công nghiệp chủ yếu phát triển theo chiều rộng, dựa nhiều vào lao động và hiện đã đến giới hạn.

Trong khi chi phí sản xuất gia tăng, giá đất công nghiệp thuộc hàng cao nhất nước, trung bình 240 USD một m2 và tỷ lệ lấp đầy đã đạt 95%, khiến khả năng mở rộng gặp nhiều khó khăn. "Điều này đã dẫn đến vai trò và đóng góp của TP HCM so với cả nước có xu hướng giảm, từ GRDP, tỷ lệ xuất khẩu cho đến sự dẫn dắt trong các ngành công nghiệp", ông An nói.

Vì vậy, theo HIDS, việc chuyển đổi công nghiệp cho TP HCM sẽ xoay quanh 3 trọng tâm, gồm: chuyển đổi xanh - số - bền vững; nâng cấp các ngành, lĩnh vực hiện hữu và bố trí, cải thiện không gian phát triển.

Thành phố hiện có 37 khu công nghiệp và 3 khu chế xuất, tổng diện tích 10.041 ha. Ưu tiên sắp tới là phát triển một số khu công nghệ cao chuyên về bán dẫn, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm và robot.

Quy hoạch không gian phát triển công nghiệp TP HCM chia thành 4 vùng: công nghiệp tập trung, công nghiệp hỗ trợ liên kết vùng, đổi mới sáng tạo và công nghệ cao, sinh thái. Địa phương đang trình Thủ tướng kế hoạch phát triển các khu chức năng, như Khu thương mại tự do (FTZ) gắn với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, phát triển 7 cảng cạn và 9 trung tâm logistics.

Hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo sẽ được chú trọng, với hai dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ. Để phục vụ cho chuyển đổi số, TP HCM đang xây từ 2-3 khu công nghệ thông tin, kêu gọi đầu tư vào các trung tâm dữ liệu.

Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng đồng tình hướng đi xanh - số - bền vững cho công nghiệp TP HCM. Bà Kiva Allgood, Trưởng Trung tâm Sản xuất và Chuỗi cung ứng tiên tiến, Thành viên Ủy ban điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), cho rằng những thay đổi sâu sắc trong ngành sản xuất hiện nay phần lớn đến từ việc ứng dụng các công nghệ mới nổi như nền tảng số, trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và Internet vạn vật (IoT).

Cùng với đó, bền vững không chỉ là yêu cầu pháp lý mà là lợi thế cạnh tranh. "Các công ty toàn cầu đang tích cực tìm kiếm đối tác cùng chia sẻ cam kết về sự bền vững. Thực hành ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) là yếu tố hàng đầu mà họ xem xét khi quyết định đầu tư", bà cho biết.

Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu (Anh) tại Việt Nam, gợi ý 4 ngành chiến lược cần được ưu tiên cho TP HCM là: điện tử và sản xuất công nghệ cao; kinh tế số và dịch vụ công nghệ thông tin; năng lượng tái tạo và công nghệ xanh; tài chính xanh.

Trong đó, sản xuất công nghệ cao giúp tận dụng cơ sở hạ tầng công nghiệp và lực lượng lao động lành nghề. Kinh tế số có điều kiện nhờ hệ sinh thái công nghệ sôi động, dân số trẻ am hiểu công nghệ. Trong khi, phát triển năng lượng tái tạo, tài chính xanh giúp phù hợp xu hướng bền vững là hỗ trợ mục tiêu thành trung tâm tài chính quốc tế của địa phương.

"TP HCM đang ở một thời điểm then chốt trong quá trình phát triển kinh tế, nơi các quyết định chiến lược liên quan đến ưu tiên phát triển ngành công nghiệp nào sẽ định hình tương lai của địa phương như một đô thị hàng đầu ở Đông Nam Á", ông Rich McClellan nhận định.

TP HCM cần chuyển đổi ngành công nghiệp như thế nào  第2张

Ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia Viện Tony Blair vì sự Thay đổi Toàn cầu (Anh) tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Viễn Thông

Ngoài ra, Giáo sư Keun Lee, Giảng viên Kinh tế học tại Đại học Quốc gia Seoul, lưu ý rằng phát triển công nghệ số không phải con đường duy nhất. Khi nâng cấp các ngành hiện hữu, TP HCM nên quan tâm chế biến sâu nông sản như cách Malaysia thành công với các sản phẩm từ dầu cọ.

"Việt Nam tuy có thế mạnh về cà phê nhưng chủ yếu xuất khẩu dưới dạng thô, dẫn đến phải chịu thuế cao. Việc đầu tư vào chế biến sâu không chỉ gia tăng giá trị sản phẩm mà còn có thể tránh được thuế cao khi bán ra nước ngoài", ông gợi ý.

Nhiều đối tác quốc tế cũng bày tỏ sẵn sàng hợp tác với TP HCM trong quá trình chuyển đổi công nghiệp. Ông Trịnh Hướng Đông, Phó thị trưởng Trùng Khánh (Trung Quốc) cho biết thành phố muốn cùng hợp tác "Hành lang Đất liền - Biển mới", nơi đang kết nối đến 538 cảng ở 125 nước và khu vực.

Ông Đông đề xuất thúc đẩy giao lưu kinh tế và thương mại song phương, nghiên cứu thành lập trung tâm phân phối "Hành lang Đất liền - Biển mới" tại Hà Nội và TP HCM để mở rộng quy mô nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao của Việt Nam như hoa quả, hải sản, gạo, cà phê, sầu riêng, hạt điều.

Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Chad P. Bown cho rằng Việt Nam là nơi có sự chuyển đổi trong công nghiệp hàng đầu. Theo ông, một phần trong dòng vốn FDI đang đổ vào đây thuộc nhóm công nghệ cao, sản xuất bán dẫn. "Việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng bán dẫn là một ý tưởng tốt. Chúng tôi khuyến khích điều đó để cải thiện an ninh kinh tế", ông cho biết.

Theo ông Chad P. Bown, có nhiều cách khác nhau để hợp tác trong quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam nói chung và TP HCM. "Chúng tôi hoan nghênh các sáng kiến hợp tác", ông cho biết.

TP HCM cần chuyển đổi ngành công nghiệp như thế nào  第3张

Kinh tế trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ Chad P. Bown phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Viễn Thông

Không dừng lại ở ý tưởng, một số đầu tư chuyển đổi công nghiệp đã và đang diễn ra. Sáng 25/9, TP HCM đã khánh thành Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Khu Công nghệ cao (SHTP), với sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính.

C4IR thành lập với sự hợp tác của WEF, là trung tâm thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 19 thế giới. Ở Việt Nam, C4IR là đơn vị tham mưu và thí điểm công nghệ mới, từ đó đề xuất triển khai các chính sách công nghiệp quốc gia. "Việc khánh thành C4IR là cột mốc quan trọng khẳng định vị thế của TP HCM trong quá trình hội nhập toàn cầu và phát triển bền vững", TS. Nguyễn Thị Phương Thảo - đại diện thành viên đồng sáng lập Trung tâm cách mạng Công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TP HCM, nhận định.

Song song với khu vực công, các doanh nghiệp cũng đang chủ động đầu tư vào nghiên cứu - phát triển. Bà Thảo cho biết riêng Sovico Group đã có 3 dự án ngay tại SHTP, gồm Trung tâm Đổi mới Sáng tạo - Galaxy Innovation Hub, Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện công nghệ Hàng không Vietjet và chương trình tài trợ 20 triệu USD xây dựng cơ sở vật chất cho Đại học Fulbright Việt Nam.

TP HCM cần chuyển đổi ngành công nghiệp như thế nào  第4张

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, cho biết trong kế hoạch phát triển giai đoạn tới, Sovico cam kết sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào các dự án công nghệ cao, hiện đại theo các chuẩn mực quốc tế - Ảnh: VGP

Trong đó, Galaxy Innovation Hub diện tích hơn 35.000 m2, đã đi vào hoạt động từ ngày 1/11/2023, thành điểm đến hợp tác của nhiều tập đoàn công nghệ đa quốc gia như Nidec và Nipro (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Intel, Facebook và Google (Mỹ). Trung tâm Công nghệ Hàng không - Học viện công nghệ Hàng không Vietjet khánh thành năm 2018, hợp tác cùng nhà sản xuất máy bay Airbus, giúp đào tạo hơn 50.000 lượt học viên hàng không mỗi năm.

Bà Thảo cho biết các dự án này là những trái ngọt đầu tiên từ những cam kết và hành động liên tục trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi công nghiệp, góp phần tạo động lực mới cho phát triển bền vững TP HCM và đất nước. "Trong kế hoạch phát triển giai đoạn tới, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đóng góp tích cực, khẩn trương và quy mô hơn nữa", bà nói.

Viễn Thông