Không chỉ khách nước ngoài, nhiều người Việt cũng rất khó chịu khi thấy nhiều hành khách nằm chình ình chiếm hết cả dãy ghế ngồi ở phòng chờ các sân bay Việt Nam. Họ để "kính thưa đủ thứ hành lý" lên ghế, nằm dài như ở phòng khách nhà mình.

Sân bay chứ không phải nhà riêng  第1张

Hành khách nằm ngủ trên hàng ghế sân bay như ở nhà riêng - Ảnh: TỰ TRUNG

Có cặp đôi vô tư nặn mụn, nhổ tóc ngứa cho nhau. Có người nằm hở rốn, phơi bụng bia... mặc kệ những khách khác đứng hay phải ngồi bệt xuống đất. Những lần tôi đi cùng bạn bè nước ngoài, gặp cảnh này, họ đã nhún vai, lắc đầu.

Lại có những người bạn nước ngoài khác, khi nói chuyện với tôi, họ thắc mắc chuyện gai mắt ở sân bay, tôi cũng cà lăm, không biết trả lời thế nào cho ổn thỏa.

Có bao nhiêu hành khách hiểu đúng rằng ghế ở nhà ga là để ngồi, không phải để hành lý và không phải để nằm?

Có bạn bảo: "Hay là các bạn muốn tạo sự khác biệt, chỉ Việt Nam mới có?". Tôi đành giữ thái độ "im lặng là vàng" vì không biết giải thích thế nào trước câu hỏi khó này. Chuyện tồn tại đã bao năm nay, giờ thành chuyện xấu thường ngày ở sân bay.

Tuần rồi, tôi đưa đoàn thiện nguyện đi khám tổng quát, tầm soát bệnh tật, phát thuốc và tặng quà cho bà con vùng lũ lụt ở Thái Nguyên, Lai Châu, Lào Cai. Đoàn đa phần là các y bác sĩ về hưu, có người U80.

Chúng tôi bay chuyến sớm nhất, về chuyến trễ nhất để tiết kiệm thời gian và chi phí. Vào phòng chờ sân bay, gần 23h, nhiều người mệt mỏi. Hơn một nửa ghế ngồi bị chiếm làm giường.

Nhiều người không còn chỗ ngồi đã phải ngồi đại xuống sàn, nhiều người khác đành phải đứng. Nhìn khung cảnh người đứng lố nhố, người nằm vật vạ... quá khó coi!

Tôi cố đến đề nghị những người đang nằm ngồi dậy, nhường bớt ghế nhưng không được, đành bất lực nuốt cục tức. Còn nhiều hành khách thiếu ý thức nơi công cộng.

Tôi bỗng nhớ chuyện ghế máy bay ở các nước láng giềng. Ở sân bay Kualar Lumpur (Malaysia), ghế ngồi được thiết kế lõm, khách không thể nằm ngang vì cấn lưng.

Ở sân bay Changi (Singapore), giữa hai ghế ngồi có các ổ cắm điện, vừa tiện lợi cho khách vừa ngăn các kiểu nằm ngồi xấu xí. Đố khách nào dám mạo hiểm nằm đè ổ điện! Tôi nghĩ về trách nhiệm và giải pháp quản lý của họ.

Nhìn lại sân bay nước mình, ghế phẳng tưng như sofa, vô tình khuyến khích khách thể hiện văn hóa tiêu cực. Có bao nhiêu hành khách hiểu đúng rằng ghế ở nhà ga để ngồi, không phải để hành lý và không phải để nằm?

Trên các dãy ghế ngồi chờ ở bến xe vẫn thường thấy những dòng chữ nhắc nhở kiểu "vui lòng không để hành lý lên ghế" hoặc "vui lòng không nằm ở đây". Nhiều hành khách mặc kệ nhắc nhở, vẫn không chịu để hành lý xuống đất trong khi xung quanh nhiều người không có chỗ ngồi. Ở sân bay cũng vậy.

Sự vô ý của hành khách là một lẽ. Để mọi chuyện thay đổi, cần thay đổi cả ở khâu quản lý. Ở sân bay không hề nhắc nhở trực tiếp hoặc dùng loa thông báo việc ghế dành cho người ngồi.

Theo tôi, tất cả sân bay đều có camera giám sát, thấy khách nằm trên ghế thì lập tức thông báo "Ghế trong phòng chờ sân bay chỉ để ngồi, không để ngủ hoặc để hành lý" hoặc nhắc nhở trực tiếp. Một lời nhắc nhở có thể thay đổi thói quen xấu của rất nhiều người.

Bạn có thể cho rằng đây là chuyện nhỏ, không cần nhắc nhở nữa. Nhưng sự nhắc nhở vì văn hóa và công bằng (quyền được ngồi ghế) luôn cần thiết.

Nếu chưa thể thay ghế lõm hoặc gắn ổ điện ở ghế ngồi trong nhà ga, có thể dùng thông báo để chấn chỉnh, dọn dẹp hành vi rác văn hóa của những hành khách xem nhà chờ sân bay là phòng khách nhà mình.

Việc nhỏ nhưng cần phải thay đổi ngay.