Siêu bão tàn phá nặng nề, UNICEF chuyển nước sạch, các BV huy động khẩn cấp
(Dân trí) - Theo UNICEF, ước tính siêu bão Yagi đã gây thiệt hại hơn 141.400 ngôi nhà, 550 cơ sở y tế và 805 trường học, trong khi khoảng 400.000 hộ gia đình không có nước sinh hoạt.
Sáng 12/9, đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF Việt Nam) cho biết, Quỹ đã cung cấp vật tư ngành nước tới chính quyền để chuyển đến các hộ gia đình, bệnh viện, cơ sở y tế và trường học ở ba tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi siêu bão Yagi - đổ bộ vào nước ta ngày 7/9 vừa qua.
Khẩn cấp hỗ trợ nước sạch, bảo vệ trẻ em
Cụ thể, UNICEF đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người.
Trong những ngày tới, UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.
UNICEF khẩn cấp hỗ trợ nước sạch cho các vùng chịu ảnh hưởng bão lũ (Ảnh: UNICEF).
"UNICEF cam kết cung cấp hỗ trợ khẩn cấp và bền vững cho Chính phủ Việt Nam để đảm bảo trẻ em và các gia đình tiếp cận các dịch vụ thiết yếu...
Sự tàn phá do siêu bão lần này nhắc nhở chúng ta về tác động của các sự kiện thời tiết cực đoan đến trẻ em, trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng", bà Silvia Danailov, Trưởng Đại diện UNICEF tại Việt Nam chia sẻ.
Theo UNICEF, có gần 19 triệu người (bao gồm 5,5 triệu trẻ em) sống ở những tỉnh bị bão ảnh hưởng nặng nề nhất là Lào Cai, Tuyên Quang, Cao Bằng, Yên Bái, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Hòa Bình, Thái Nguyên và Phú Thọ.
Siêu bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh miền Bắc, khiến 324 người chết hoặc mất tích, trong đó có 24 trẻ em. Ước tính, bão đã gây thiệt hại tới 141.469 ngôi nhà, 550 cơ sở y tế và 805 trường học, trong khi khoảng 400.000 hộ gia đình không có nước sinh hoạt.
Ước tính, có gần 5,5 triệu trẻ em sống ở những tỉnh bị bão ảnh hưởng nặng nề nhất (Ảnh: UNICEF).
Khoảng hai triệu trẻ em bị gián đoạn tiếp cận đến giáo dục, hỗ trợ tâm lý và chương trình dinh dưỡng học đường. Cơ quan chức năng đã phát đi cảnh báo về mưa lớn kéo dài, lũ quét và sạt lở đất vẫn đang tàn phá các địa phương và người dân miền Bắc.
Để hỗ trợ Việt Nam với thiên tai này, UNICEF ưu tiên các can thiệp như cung cấp các giải pháp xử lý nước, vật tư vệ sinh và lưu trữ nước an toàn; vận chuyển vật tư y tế khẩn cấp; hỗ trợ trường học và tâm lý cho trẻ em; cung cấp bộ vật phẩm thiết yếu; hỗ trợ tiền mặt cho các hộ dễ bị tổn thương, đặc biệt là những gia đình có trẻ em và phụ nữ mang thai...
Phía UNICEF chia sẻ, Quỹ này cần khoảng 11 triệu USD để hỗ trợ những trẻ em dễ bị tổn thương nhất. Khi ảnh hưởng của cơn bão được thống kê đầy đủ hơn, các nguồn lực cần được tiếp tục huy động.
Mưa lớn kéo dài cùng lũ quét và sạt lở đất vẫn đang tàn phá các địa phương và người dân miền Bắc (Ảnh: UNICEF).
Bệnh viện ở TPHCM huy động tiền hỗ trợ vùng bão lũ
Trước hàng loạt đau thương, mất mát về nhân mạng và tài sản do bão lũ gây ra những ngày qua, hàng loạt bệnh viện, cơ sở y tế khắp các nơi trên cả nước, trong đó có TPHCM cũng đã khẩn trương phát lên lời kêu gọi các nhân viên chung tay hỗ trợ đồng bào phía Bắc.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thế Vũ, Giám đốc Bệnh viện quận 7 cho biết, từ sáng 11/9, đơn vị đã tổ chức vận động các cán bộ công nhân viên chức, người lao động đang làm việc tại đây phát huy truyền thống tương thân tương ái, giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Tại lễ phát động, các nhân viên y tế Bệnh viện quận 7 đã đóng góp mỗi người một ngày lương để cùng với nhân dân cả nước góp phần giúp đồng bào tại các vùng lũ lụt nhanh chóng khôi phục đời sống. Bên cạnh đó, tại các khoa, phòng của Bệnh viện cũng tự tổ chức các hoạt động ủng hộ đồng bào lũ lụt.
Nhân viên y tế Bệnh viện quận 7 giúp đỡ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (Ảnh: BV).
Đến sáng 12/9, theo thống kê, Bệnh viện quận 7 quyên góp được tổng cộng khoảng 130 triệu đồng. Số tiền này sẽ sớm được đơn vị chuyển đến đồng bào phía Bắc vẫn đang oằn mình chống chọi với thiên tai.
Còn tại Bệnh viện Minh Anh (quận Bình Tân), hưởng ứng vận động của Hội Chữ thập đỏ TPHCM và Liên đoàn lao động quận Bình Tân, lãnh đạo nơi này kêu gọi toàn thể bác sĩ, nhân viên bệnh viện ủng hộ, giúp đỡ đồng bào ảnh hưởng do thiên tai, bão lụt các tỉnh phía Bắc.
Qua đó, Hội chữ thập đỏ của bệnh viện đã ủng hộ 100 triệu đồng qua kênh quyên góp của Hội chữ thập đỏ TPHCM. Ngoài ra, các nhân viên bệnh viện mỗi người ủng hộ một ngày lương cơ bản.
Bộ phận kế toán của bệnh viện đã chủ động trích tiền ủng hộ trước để chuyển cho Liên đoàn lao động quận Bình Tân ngay, nhằm kịp thời hỗ trợ người dân phía Bắc.
Hoạt động quyên góp hỗ trợ người dân vùng bão lũ còn được tự các khoa, phòng một số bệnh viện ở TPHCM chủ động thực hiện (Ảnh: BV).
Tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Tri Thức, Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với phóng viên, ban giám đốc đơn vị cùng toàn thể các nhân viên đang tức tốc quyên góp, để sớm chuyển các hỗ trợ cần thiết đến với đồng bào ảnh hưởng bão lũ.
Tương tự, đại diện Bệnh viện Da Liễu TPHCM cũng thông tin, 2 ngày qua (11-12/9), đơn vị phát động quyên góp ủng hộ người dân phía Bắc chịu ảnh hưởng thiên tai.
"Bệnh viện huy động tất cả cán bộ ủng hộ mang tính chất "tùy tâm", không có mức tối thiểu, và tinh thần nhân viên tham gia rất nhiệt tình. Chiều nay (12/9), chúng tôi sẽ thống kê con số cụ thể từ các khoa, phòng", nguồn tin từ Bệnh viện Da Liễu TPHCM nói.
Tại Bệnh viện TP Thủ Đức, tiến sĩ, bác sĩ Vũ Trí Thanh, giám đốc đơn vị cho biết, nơi này vẫn đang tiếp tục vận động nhân viên ủng hộ, sẽ sớm thống kê con số quyên góp cụ thể.
Đăng thảo luận