Nhiều trường THPT làm đẹp học bạ cho học sinh để dễ trúng tuyển đại học top đầu, khiến các em ảo tưởng, rồi vỡ mộng chỉ sau một năm.
Mấy năm gần đây, các cơ sở giáo dục đại học được quyền sử dụng nhiều phương thức xét tuyển tạo điều kiện cho các thí sinh trúng tuyển đại học một cách dễ dàng, tỷ lệ đỗ đại học rất cao, rất ít thí sinh trượt đại học. Tuy nhiên, qua thực tế làm công tác tuyển sinh nhiều năm, nhiều chuyên gia về lĩnh vực giáo dục đều đánh giá rằng thực sự chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển, đặc biệt là xét tuyển bằng học bạ. Việc xét tuyển sớm của các trường còn nhiều bất cập, nhiều trường đại học tuyển sinh bất chấp năng lực đào tạo.
Con gái lớn của tôi (sinh năm 2006) vừa tham gia kỳ thi đại học năm 2024, nên tôi tìm hiểu khá kỹ đề án tuyển sinh của một số trường đại học mà con đăng ký. Tôi thấy có hai vấn đề bất cập nên thay đổi đó là phương thức xét tuyển bằng học bạ và phương thức xét tuyển sớm, bởi các lý do sau đây:
Thứ nhất, kể từ ngày áp dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ, nhiều trường THPT chạy theo thành tích, nhiều giáo viên chấm điểm "nới tay" cho các em học sinh để tạo điều kiện cho các em "bảng điểm đẹp", thuận lợi vào trường đại học, ngành học mà mình mong muốn.
Khi vào mạng xã hội, tôi thấy phụ huynh khoe học bạ của con hoặc nghe các phụ huynh trường con kể chuyện với nhau về việc một số trường khác cho điểm học bạ cao chót vót, các em học sinh toàn đạt điểm tổng kết trung bình các môn từ 9,5 đến 10. Trong khi đó, học sinh trường của con tôi rất ít em có thể đạt điểm số trung bình các môn tới mức đó. Chỉ có một số em xuất sắc nhất khối mới có thành tích học tập chỉ bằng thành tích của những em học sinh bình thường ở trường khác.
Bởi lẽ, trường con tôi nổi tiếng là trường 13 môn chuyên, môn nào học cũng khó và vất vả như học môn chuyên, điểm số đánh giá đúng năng lực học sinh, không bao giờ có chuyện giáo viên nâng điểm để học sinh có học bạ đẹp, học sinh muốn đạt điểm cao cần mất rất nhiều công sức để học, dù đó chỉ là môn Địa lý, Lịch sử hay Giáo dục công dân. Kết quả là khi xét tuyển vào đại học, các học sinh trường con tôi đa phần không thể sử dụng phương thức xét tuyển bằng học bạ. Bởi, điểm học bạ của các em thấp hơn so với mặt bằng học bạ của các trường khác, không thể cạnh tranh nổi.
>> Những sinh viên ngành ngôn ngữ nhưng kém ngoại ngữ vì xét tuyển học bạ
Học sinh trường con tôi có chứng chỉ IELTS từ 7.0 đến 8.5 nhưng nộp hồ sơ xét tuyển bằng học bạ vẫn trượt, thực sự là chưa công bằng với các em và rất đáng tiếc cho các trường khi không tuyển sinh được các em học sinh giỏi đúng chuyên ngành đó vào trường. Chủ yếu các em thi đỗ bằng các phương thức xét tuyển khác như IELTS, SAT, IELTS kết hợp SAT... Con gái tôi cũng không là ngoại lệ. Con đăng ký xét tuyển vào các trường đại học bằng IELTS, SAT chứ không phải bằng phương thức xét tuyển học bạ hay điểm thi tốt nghiệp THPT.
Có thể nói, phương thức xét tuyển bằng học bạ không đảm bảo công bằng và không phân loại được học sinh một cách chính xác. Để giải quyết tình trạng "làm đẹp học bạ", tôi cho rằng, các cơ sở giáo dục đại học có thể chuyển sang phương pháp đánh giá đa chiều.
Thứ hai, hiện nay tỷ lệ học sinh giỏi theo học bạ chiếm phần trăm quá cao. Để tìm một em học sinh khá đôi khi còn hiếm hơn học sinh giỏi. Chính vì thế, học bạ không còn là thước đo chuẩn xác đánh giá năng lực học sinh. Xét tuyển đại học theo học bạ sẽ có khả năng thiếu chính xác, thiếu khách quan và công bằng về học lực, đặc biệt với các ngành học khó cần tuyển các em giỏi thực sự. Có những học sinh được xét tuyển theo phương thức học bạ đỗ các trường top đầu, nhưng chỉ sau một năm học đã không thể theo được chương trình.
Thứ ba, các thầy cô phổ thông vì nhiều lý do như thương học sinh, mong các em thi đỗ được vào trường tốt hơn nên đã thay đổi điểm số, đánh giá học bạ, khiến học sinh và phụ huynh ảo tưởng, dẫn tới sự lựa chọn sai lầm về trường học, ngành học. Thực tế, năng lực của con không tương xứng với điểm số học bạ nhưng nhiều phụ huynh cứ nghĩ rằng con mình thực sự giỏi như vậy nên chọn trường và ngành học cho con không phù hợp với khả năng của con, dẫn tới lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc.
Ngoài ra, việc các trường đại học xét tuyển sớm cũng khiến thí sinh trúng tuyển sẽ không còn muốn học các môn thi tốt nghiệp THPT nữa. Học sinh trường con tôi hầu như đều được xét tuyển sớm và có kết quả thi đỗ vài trường đại học trước khi thi tốt nghiệp THPT. Vì vậy, các cháu đều có tâm lý chung là chỉ học để đủ điểm đỗ tốt nghiệp, không có nhiều cháu tập trung học để đạt điểm thi tốt nghiệp cao như những học sinh khác.
Suốt thời gian ôn thi tốt nghiệp, các phụ huynh lớp con tôi cứ nhắn trong nhóm Zalo của phụ huynh để hỏi thăm nhau về tình hình của các con. Ai cũng kêu ca, than phiền rằng con mình chỉ ăn, ngủ, không thèm học vì chúng bảo "con đỗ đại học rồi, chỉ cần học để đỗ tốt nghiệp thôi". Bố mẹ nhắc học chúng cũng kệ. Con tôi cũng như vậy. Trước khi con thi tốt nghiệp, con nói trước với tôi rằng: "Nếu con có môn nào 4 điểm hay 5 điểm thì mẹ đừng sốc nhé. Con chỉ cần thi đỗ tốt nghiệp thôi vì đã đỗ đại học rồi". Tôi cũng không dám ép con phải học nhiều vì con nói cũng có lý.
Đến khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp tôi mới thở phào nhẹ nhõm vì điểm trung bình sáu môn thi của con đạt 8.23, không quá thấp như con tôi nói với tôi trước khi đi thi. Trường hợp giống con gái tôi là tình trạng chung của rất nhiều em học sinh đã có kết quả xét tuyển sớm, đã có thông báo trúng tuyển sớm trước khi thi tốt nghiệp THPT. Trong khi đó, các trường chỉ yên tâm số lượng thí sinh xét tuyển vào trường mình, số còn lại tuyển theo các phương thức khác rất ít, điểm chuẩn sẽ rất cao. Từ đó tạo ra sự bất công bằng giữa các thí sinh trong việc lựa chọn vào các trường đại học tốt.
>> Dùng học bạ xét tuyển đại học - 'siết đầu ra thay vì làm khó đầu vào'
Theo tôi, không nên xét tuyển bằng quá nhiều phương thức, bởi việc xét tuyển quá nhiều phương thức sẽ khiến thí sinh bối rối khi lựa chọn, thậm chí nhầm lẫn khi đăng ký xét tuyển, công tác tuyển sinh kém hiệu quả, chưa đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển. Thay vào đó, các trường có thể cân nhắc sử dụng phương án tuyển sinh tổng hợp, sử dụng gộp tất cả các tiêu chí: điểm thi đánh giá năng lực, thi tốt nghiệp, điểm học bạ, thay vì tách ra thành các phương thức tương ứng với số chỉ tiêu được phân bổ.
Các trường đại học có thể chuyển đổi sang việc đánh giá thí sinh toàn diện dựa trên nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm thành tích học tập, kỹ năng mềm, dự án, hoạt động ngoại khóa, khả năng đóng góp vào cộng đồng và khả năng ứng phó với những thách thức đa dạng. Điều này giúp tạo ra hình ảnh toàn diện về năng lực và tiềm năng của sinh viên hơn là chỉ dựa vào một số điểm thi cụ thể.
Mong rằng, phương thức xét tuyển bằng học bạ và xét tuyển sớm sẽ được thay đổi trong những năm tới, như một cách để tạo sự công bằng cho thí sinh, đồng thời tạo động lực để các em không ngừng trau dồi, ôn tập để đạt điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó nâng cơ hội giành suất vào đại học.
- 'Học bạ 9 phẩy nhưng thi Toán không nổi 7 điểm'
- 'Xét điểm học bạ khiến thi cử thiếu công bằng'
- Những điểm 10 học bạ rỗng tuếch
- 'Học bạ đẹp nhưng đi thi vẫn điểm kém'
- Điểm học bạ cao để làm gì?
- Trượt trường chuyên vì xét điểm học bạ
Đăng thảo luận