Trong thời điểm đại dịch COVID-19, giới siêu giàu trên khắp thế giới, đặc biệt là Trung Quốc, đã đổ xô đến 'miền đất hứa' Singapore vì bị thu hút bởi các chính sách cởi mở cùng mức thuế ưu đãi tại đây.

Singapore 'thanh lọc' giới siêu giàu nước ngoài  第1张

Khu dân cư dành cho giới siêu giàu Sentosa Cove trên đảo Sentosa, Singapore năm 2023 - Ảnh: AFP

Tuy nhiên, sau khi vụ rửa tiền lớn nhất tại Singapore bị triệt phá hồi tháng 8 năm ngoái, giới siêu giàu người nước ngoài ở đảo quốc sư tử bắt đầu hạn chế phô trương.

Giảm tiêu xài xa hoa

Hôm 8-8, báo South China Morning Post nhận định sự sụt giảm mạnh về giá trị của các căn chung cư hạng sang là biểu hiện cho sự dè dặt trong việc chi tiêu của giới siêu giàu nước ngoài tại Singapore, trong bối cảnh tầng lớp này chịu sự giám sát chặt chẽ cùng chính sách tăng thuế đối với các tài sản của họ.

Trong lĩnh vực bất động sản, Sentosa Cove là biểu tượng cho sự xa hoa tột cùng đối với giới siêu giàu tại đảo quốc sư tử. Tuy nhiên điều đáng ngạc nhiên là "The Residences at W Singapore Sentosa Cove" - một trong những bất động sản được khao khát nhất tại khu vực này - có giá niêm yết vào tháng 4-2024 thấp hơn 40% so với mức giá mở bán lần đầu vào năm 2010.

Bà Angelyn Tan - một đại lý bất động sản hạng sang tại Singapore - cho rằng điều này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn 2021, tức cách đây ba năm, khi các căn hộ tại khu vực Sentosa Cove trị giá khoảng 3,39 triệu USD được bán hết ngay lập tức.

Sở dĩ có thể lấy trường hợp Sentosa Cove để nhận định về hành vi tiêu dùng của giới siêu giàu nước ngoài tại Singapore vì người nước ngoài chiếm tỉ lệ đáng kể trong số những chủ sở hữu bất động sản tại đảo Sentosa.

Có thể thấy trước những động thái quản lý nghiêm ngặt từ Chính phủ Singapore, giới siêu giàu tại đây đã bắt đầu tiêu tiền và thực hiện các giao dịch mua bán một cách ít phô trương hơn nhằm hạn chế sự chú ý của các cơ quan chức năng.

"Nền kinh tế không còn mạnh mẽ như xưa" - ông Aaron Goh, nhà tổ chức sự kiện cao cấp của Công ty eXposure Entertainment, cảm thán sau khi ông nhận thấy nhu cầu tổ chức các bữa tiệc cá nhân xa xỉ của giới siêu giàu giảm.

Báo Financial Times hồi cuối tháng 2 dẫn lời bà Lee Lee Langdale - chủ sở hữu một công ty cung cấp các dịch vụ về golf cho giới siêu giàu - nói "mọi thứ thực sự im ắng" kể từ vụ rửa tiền quy mô lớn bị triệt phá vào tháng 8-2023, dù trước đó công ty bà ghi nhận nhu cầu tăng cao từ các khách hàng Trung Quốc.

Bà Lee tiết lộ thêm rằng các câu lạc bộ golf cũng bắt đầu kiểm tra chặt chẽ hơn đối với các khoản thanh toán đáng ngờ. Không chỉ vậy, ông Say Kwee Neng - cố vấn trong lĩnh vực ô tô tư nhân - cho hay doanh số bán của các thương hiệu xe hơi hạng sang cũng chịu sự giám sát nghiêm ngặt của Chính phủ Singapore.

Theo giới chuyên gia, sự sụt giảm về nhu cầu mua bất động sản hạng sang, ô tô và các dịch vụ xa xỉ khác còn đến từ chính sách tăng thuế của chính phủ đảo quốc sư tử.

Giám sát chặt giới siêu giàu

Sau vụ rửa tiền tháng 8 năm ngoái, Chính phủ Singapore đã tiến hành giám sát chặt chẽ và siết chặt các biện pháp quản lý đối với giới siêu giàu nước ngoài. Các cơ quan chức năng của Singapore bắt đầu để mắt hơn đến những cư dân nước ngoài giàu có tại Singapore khi họ có dự định ghé thăm các đại lý mua bán ô tô hạng sang và các tập đoàn bất động sản lớn.

Đồng thời, Chính phủ Singapore cũng phát đi cảnh báo vào tháng 10-2023 rằng các tài sản hạng sang như ô tô, đồng hồ hay túi xách có khả năng phải chịu sự kiểm soát trong chuỗi nỗ lực lớn của chính phủ nhằm ngăn chặn nạn rửa tiền.

Singapore - quốc gia luôn nổi tiếng với các quy định nghiêm ngặt về tài chính - giờ đây càng tăng cường giám sát và quản lý các hoạt động đầu tư, giao dịch và lưu trú của những người giàu có đến từ nước ngoài, đặc biệt là sau khi Thủ tướng Singapore Hoàng Tuần Tài - người từng giữ vị trí bộ trưởng Tài chính Singapore - lên nắm quyền ngày 15-5.

Cụ thể, Ngân hàng Trung ương Singapore sẽ bãi bỏ chế độ cấp phép trước đây đối với các quỹ đầu tư có tài sản từ 188 triệu USD trở lên và yêu cầu các quỹ đầu tư này phải tuân theo quy trình nghiêm ngặt, đồng thời phải gửi báo cáo chi tiết hơn về hoạt động của họ lên chính quyền.

Bên cạnh đó, các ngân hàng hàng đầu Singapore như Citibank hay DBS cũng đẩy mạnh quy trình xác minh nguồn gốc và giá trị tài sản đối với nhóm khách hàng giàu có, nhằm đảm bảo rằng tài sản của nhóm này không liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền hay trốn thuế, theo Hãng tin Bloomberg.

Giới quan sát Singapore nhận định nhiều người siêu giàu tại Singapore đang chờ đợi và quan sát tình hình, trong khi những người khác lại tỏ ra khó chịu trước việc bị chính quyền Singapore giám sát tài sản chặt chẽ.

Chuyên gia nhận định Singapore đang "chọn lọc" những người giàu có đáp ứng được các tiêu chuẩn của họ. Theo ông Song Seng Wun - cố vấn kinh tế tại Công ty dịch vụ tài chính CGS, Singapore là một đảo quốc nhỏ bé vì vậy thành phố này cần đảm bảo sự cân bằng các yếu tố kinh tế - xã hội. Đây không chỉ là sân chơi của giới siêu giàu mà còn tác động đến các tầng lớp khác trong xã hội.

Ông Song cho rằng trung tâm tài chính hàng đầu châu Á này vẫn sẽ tiếp tục chào đón những đối tượng giàu có tiềm năng trong và ngoài nước. Cơ hội vẫn còn đó, Singapore không thay đổi nhưng chọn lọc hơn rất nhiều.

Vụ rửa tiền chấn động

Tháng 8-2023, Singapore phát hiện các khoản tiền bất hợp pháp quy mô lớn chảy vào các ngân hàng và bất động sản địa phương tại đảo quốc này.

Trong đường dây rửa tiền này, chính quyền đã bắt giữ 10 đối tượng người nước ngoài và tịch thu hơn 2,2 tỉ USD.