Cứ một đồng xây phương tiện công cộng, lại có hai đồng mở đường cho xe cá nhân thì người Việt sẽ mãi thờ ơ với giao thông công cộng.

"Không phải cứ xây tàu điện, mở tuyến BRT, xe buýt là người dân sẽ tự khắc sử dụng. Cái chúng ta nhìn thấy trước mắt là những con tàu, chiếc xe hiện đại, sạch sẽ, đúng giờ... Nhưng muốn người dân sử dụng phương tiện công cộng thường xuyên thì phải có chiến lược phát triển cả một hệ thống giao thông đồng bồ. Đặc biệt trong số đó là phải 'hạn chế phương tiện cá nhân', cũng như tăng sự thoải mái cho người đi bộ và phương tiện công cộng.

Riêng khái niệm 'hạn chế phương tiện cá nhân', tôi nghĩ chắc sẽ ít người Việt đồng tình. Đa số chúng ta cho rằng, cứ phát triển giao thông công cộng trước rồi mới tính đến chuyện từ bỏ phương tiện cá nhân giao thông cá nhân song song theo kiểu 'nước sông không phạm nước giếng'.

Phát triển giao thông công cộng phải đồng bộ. Trước và sau mỗi chuyến xe công cộng là hai lần đi bộ. Thế nên, vỉa hè bị chiếm dụng, không an toàn, không mát mẻ, kết nối các tuyến không thuận lợi... thì tàu metro, BRT, xe buýt làm sao mà thu hút người dân sử dụng nhiều hơn xe cá nhân được? Cứ một đồng bỏ vào xây phương tiện công cộng, lại có hai đồng xây thêm đường, cầu, mở rộng đường cho xe cá nhân thì mãi mãi chúng ta sẽ không thể thu hút được người dân sử dụng giao thông công cộng.

Làm gì có nước phát triển nào không hạn chế xe cá nhân mà giao thông công cộng phát triển được? Đi xe cá nhân lúc nào cũng thoải mái hơn xe công cộng, thế nên nếu không có chính sách hạn chế xe cá nhân, Việt Nam sẽ không bao giờ đưa giao thông công cộng trở thành đến gần với người dân.

Văn minh giao thông công cộng vốn cần vỉa hè cho hai lượt đi bộ trước và sau mỗi chuyến tàu điện, xe buýt. Nếu chúng ta chỉ lo xây buýt nhanh, metro, trong khi quên mất việc điều chỉnh vỉa hè, cho thuê vỉa hè, cứ cắt chỗ này, xén chỗ kia để mở rộng đường, giảm bớt thuận lợi cho người đi bộ thì không thể thành công được.

>> Hạn chế xe máy, ôtô thay vì xén vỉa hè mở rộng đường Hà Nội'

Nói chung, việc tăng diện tích đường giao thông để đáp ứng nhu cầu chạy xe máy, ôtô cá nhân là không khả thi. Bangkok (Thái Lan) đi trước Việt Nam về giao thông công cộng tới 20 năm và thực tế cho thấy tình trạng kẹt xe của họ vẫn tồn tại (do xe cá nhân vẫn chạy trong thành phố). Ccần khôn ngoan, không đi theo vết xe đổ đó.

Việc đi bộ nóng hay mát là do cách quy hoạch của thành phố. Nếu thật sự muốn việc đi bộ trở nên dễ chịu thì cứ trồng nhiều cây xanh, làm mái che, xây hồ nước điều hòa... là sẽ có tác dụng ngay. Đừng đổ lỗi không khí ở Việt Nam nóng bức, không thích hợp cho việc đi bộ rồi bảo thủ với phương tiện cá nhân. Singapore còn nóng hơn nước ta, nhưng người ta vẫn phát triển giao thông công cộng văn minh đấy thôi.

Điều kiện đi bộ ở ta vốn đã yếu kém rồi (vỉa hè bị lấn chiếm, thiếu cây xanh, bóng mát...) mà bây giờ còn gặp ý kiến cắt xén để mở đường, hoặc xây đường trên cao để đẩy người đi bộ lên đó, nhường đường cho xe máy, ôtô thì biết bao giờ chúng ta mới có giao thông văn minh? Nếu ưu tiên cho xe cá nhân hơn con người thì cuối cùng chính con cháu chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả là hít thở khí thải ô nhiễm mỗi ngày và nạn kẹt xe mãi không có lối thoát".

Đó là quan điểm của độc giả Mai An Tiem xung quanh đề xuất xén vỉa hè, dải phân cách một số tuyến đường Hà Nội. Việc xén vỉa hè, dải phân cách để mở rộng đường được Hà Nội thực hiện từ năm 2015, đến nay nhiều tuyến đã được cải tạo theo hình thức này như Khuất Duy Tiến, Phạm Hùng, Trần Duy Hưng, Nguyễn Chí Thanh, Liễu Giai - Kim Mã... Việc mở rộng các tuyến đường, đặc biệt là tuyến BRT, được giải thích sẽ giúp tăng cường khả năng lưu thông, rút ngắn thời gian di chuyển và góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Thành Lê tổng hợp

Tuyến đường Lê Văn Lương nhìn từ trên cao. Ảnh: Ngọc Thành

">