Quỹ đầu tư phát triển An Giang hoạt động trong khi thiếu nhân sự nghiêm trọng, làm ăn thua lỗ, nợ xấu tăng cao và đối mặt nguy cơ giải thể nếu không được ‘bơm’ vốn.
Quỹ đầu tư phát triển An Giang làm ăn ngày càng thua lỗ, nợ xấu chiếm hơn 50% vốn vay - Ảnh: CHÍ HẠNH
Ngày 24-9, theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, Thanh tra tỉnh An Giang vừa có kết luận và chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nợ xấu tăng cao tại Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
Quỹ được UBND tỉnh An Giang thành lập vào tháng 10-2012 với số vốn điều lệ 100 tỉ đồng từ ngân sách. Quỹ chính thức hoạt động tháng 4-2018, sau 6 năm hoạt động hiện quỹ có số vốn hơn 104 tỉ đồng.
Cơ cấu tổ chức của quỹ có giám đốc, 2 phó giám đốc và 3 phòng nghiệp vụ. Tuy nhiên, hiện quỹ này chỉ có 1 phó giám đốc được giao quyền phụ trách, các phòng nghiệp vụ hoạt động trong tình trạng không có trưởng hay phó phòng.
Thời kỳ thanh tra từ 2020-2023 quỹ cho vay 9 dự án, nhưng trong hoạt động tín dụng đã tham mưu ban hành một số quy định chưa phù hợp với quy định của ngân hàng nhà nước.
Từ đó dẫn đến tồn tại 4 khoản cho vay thuộc diện nợ xấu với số dư nợ lớn gồm dự án đầu tư Hợp tác xã Nông nghiệp 1,3 tỉ đồng, dự án đầu tư Trường mầm non Dế Mèn 7,8 tỉ đồng, dự án đầu tư bổ sung thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa Huỳnh Trung Dũng 8,7 tỉ đồng và dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu Trung tâm Thương mại Vĩnh Thạnh Trung nợ lãi 3 tỉ đồng.
Công ty con của Quỹ đầu tư phát triển Cần Thơ dính nợ xấu gần 100 tỉ đồngĐỌC NGAY
Tình hình nợ xấu các năm 2020, 2021 giảm so với năm trước. Nhưng đến năm 2022, 2023 tăng trở lại, với tỉ lệ nợ xấu ở mức cao. Đến cuối năm 2023 tổng dư nợ hơn 80 tỉ đồng, trong đó nợ xấu là 43,6 tỉ đồng, chiếm 54,4%.
Trong đó, một số khoản cho vay giải ngân khi chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục đầu tư dự án.
Quỹ cũng chưa thu hồi được 39 tỉ đồng từ vốn ủy thác tại 2 dự án, công trình của quỹ phát triển đất gồm dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm dân cư, quân nhân Bộ Chỉ huy Biên phòng khu vực biên giới tỉnh An Giang và công trình tạo quỹ đất khu hành chính huyện Tri Tôn…
Kết quả hoạt động hằng năm đều có lợi nhuận, riêng năm 2023 lỗ hơn 9 tỉ đồng. Từ năm 2020-2023, quỹ tạm chi phúc lợi, khen thưởng với tổng số tiền hơn 1,3 tỉ đồng nhưng đến nay chưa thực hiện quyết toán.
Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở Nội vụ tham mưu, tổ chức kiểm điểm các cá nhân liên quan sai sót.
Sở Tài chính theo dõi, tham mưu xử lý những vấn đề tồn đọng, tham mưu xem xét giải thể hay tiếp tục cho tồn tại quỹ khi vốn điều lệ thấp hơn 300 tỉ đồng theo quy định của nghị định 147/2020 của Chính phủ.
Quỹ đầu tư phát triển khẩn trương thu hồi nợ đọng, nợ xấu nhằm bảo toàn vốn điều lệ và xử lý khoản lỗ hơn 9 tỉ đồng của năm 2023.
Trình phê duyệt kế hoạch tài chính năm 2020, năm 2023, báo cáo quyết toán chênh lệch thu chi trong 5 năm (2019-2023) và xử lý khoản tạm chi phúc lợi, khen thưởng hằng năm.
Đăng thảo luận