Tỉnh Quảng Ninh quyết định dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn.

Ngày 17/9, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tổ chức Hội nghị lần thứ 55 để cho ý kiến, chủ trương về một số nội dung trình Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh khoá XIV thuộc thẩm quyền Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cùng nhiều nội dung quan trọng khác.

Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第1张Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第2张Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp chuyên đề của HĐND tỉnh khóa XIV sẽ diễn vào ngày 23/9/2024. Kỳ họp được tổ chức nhằm xem xét, quyết nghị đối với nhiều nội dung quan trọng. 

Trong đó có các cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3, bao gồm: Chính sách nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội cho đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng khó khăn; chính sách miễn giảm học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm học 2024-2025; chính sách hỗ trợ một phần chi phí trục vớt phương tiện thủy đăng ký tại tỉnh Quảng Ninh bị chìm đắm do cơn bão số 3 và chính sách hỗ trợ thiệt hại về nhà ở do bão số 3.

Trên cơ sở báo cáo của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, các ý kiến thảo luận tại hội nghị đều khẳng định, đây là những nội dung thật sự cần thiết, cấp bách, cần phải được ban hành trong thời gian sớm nhất. Qua đó, tạo điều kiện để người dân giảm bớt một phần khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第3张Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第4张Quảng Ninh bị thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 3. 

Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất chủ trương ban hành các cơ chế, chính sách nêu trên để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thống nhất điều chỉnh, bổ sung phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024. Thực hiện cơ cấu lại nhiệm vụ chi triệt để, tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những khoản chi không thực sự cần thiết để dành 1.000 tỷ đồng thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh.

Ngoài nguồn lực từ ngân sách tỉnh, tính đến 17/9, Mặt Trận Tổ quốc tỉnh tiếp nhận trên 75,7 tỷ đồng ủng hộ tỉnh Quảng Ninh để khắc phục hậu quả của cơn bão số 3. Trong đó, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương hỗ trợ 50 tỷ đồng; các tỉnh, thành phố ủng hộ 12,7 tỷ đồng; các tập thể, cá nhân ủng hộ 13 tỷ đồng.

Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第5张Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第6张Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第7张Quảng Ninh dành 1.000 tỷ đồng khắc phục hậu quả sau bão số 3  第8张Quang cảnh hội nghị. 

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp thu đầy đủ các ý kiến để hoàn chỉnh các báo cáo, tờ trình trình tại kỳ họp đảm bảo tiến độ, chất lượng các nội dung. Giao Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các ban Hội đồng nhân dân tỉnh thẩm tra kỹ lưỡng các nội dung đảm bảo đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc đảm bảo công khai minh bạch, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng nhấn mạnh phải đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, trục lợi chính sách.

Trong thời gian trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết, Ban Cán sự Đảng Ủy Ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu văn bản hướng dẫn quy trình, trình tự thủ tục hồ sơ để hưởng chính sách hỗ trợ. Mục tiêu cao nhất là đảm bảo các nghị quyết sau khi được ban hành sẽ đi ngay vào cuộc sống. 

Bà Trịnh Thị Minh Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định, đây mới là những cơ chế, chính sách bước đầu. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh những bất cập, khó khăn hoặc cần bổ sung thêm chính sách, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng tiếp tục tham mưu, báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cho ý kiến. Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách hỗ trợ phục hồi sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn tỉnh.

Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thông qua chủ trương thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công 1 cấp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; chủ trương xây dựng, thành lập các phường: Hiệp Hòa, Tiền An thuộc thị xã Quảng Yên và thành lập thành phố Quảng Yên thuộc tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, hội nghị đã thảo luận và thống nhất thông qua sửa đổi, bổ sung Quy định số 1099-QĐ/TU ngày 29/6/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Tỉnh ủy công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chuẩn y ông Điệp Văn Chiến, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy, tham gia Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2020-2025.