Báo động II trên sông Lèn
Liên quan đến thông tin: "Mặt đê sông, đê biển nứt vỡ, dân một xã ở Thanh Hóa nhấp nhổm, bất an", sau phản ánh của Báo điện tử Dân Việt. Sáng 23/9, ông Lê Đức Giang-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Tôi đã nắm được thông tin và sẽ có chỉ đạo, kiểm tra để có những phương án xử lý kịp thời".
Cống ngăn mặn, giữ ngọt bắc qua sông Lèn (đoạn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc và xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Ảnh: Vũ Thượng
Cũng trong sáng 23/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa có công điện số 27 gửi Chủ tịch UBND các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc phát lệnh Báo động II trên sông Lèn.
Cụ thể, hồi 4 giờ ngày 23/9/2024, mực nước trên sông Lèn tại Trạm Thủy văn Lèn là (+4.63 m) dưới Báo động II là 0,37 m.
Theo tin cảnh báo lũ trên sông Lèn của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa tại Văn bản số DBLU-57/04h15/THOA, ngày 23/9/2024, cảnh báo mực nước sông Lèn tại trạm TV Lèn có khả năng đạt mức Báo động II (+5.00m) vào khoảng 6- 8 giờ ngày 23/9/2024.
Vị trí tuyến đê sông Lèn đoạn qua xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị nứt toác. Ảnh: Vũ Thượng
Một người dân xã Đa Lộc chỉ tay về phía vết nứt trên đoạn đê sông Lèn kéo dài. Ảnh: Vũ Thượng
Đồn biên phòng Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được xây dựng cạnh tuyến đê sông Lèn. Ảnh: Vũ Thượng
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa phát lệnh Báo động II trên sông Lèn tại Lèn, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động.
Đồng thời, tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều. Đặc biệt, là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn. Chủ động triển khai phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông, ven sông.
Ngoài ra, tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Thanh Hóa và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
Nỗi lo của khoảng 2.000 hộ dân Đa Lộc
Xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), có chiều dài đê sông và đê biển gần 11km, hiện nay, một số vị trí trên mặt tuyến đê này đang bị sụt lún, nứt, bê tông mặt đê vỡ, nứt tách thành từng rãnh rộng…khiến khoảng 2.000 hộ dân xã Đa Lộc cảm thấy lo lắng, bất an trong mùa mưa lũ.
Mặt đê sông Lèn nứt toác, có chiều hướng lan và mở rộng. Ảnh: Vũ Thượng
Cây cỏ mọc trực tiếp từ trong vết nứt mặt đê ra. Ảnh: Vũ Thượng
Tìm hiểu, dù những vết nứt toác trên bề mặt đê sông Lèn kéo dài nhiều năm, đến nay có chiều hướng lan và mở rộng thêm.
Nguy hiểm hơn, nhiều vị trí sụt lún đã phân chia mặt đê thành 2 phần, bên cao, bên thấp, bê tông bị gãy vỡ nham nhở tạo thành những ổ trâu, ổ gà khấp khểnh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn cho người tham gia giao thông.
Người dân cảm thấy bất an khi đi trên tuyến mặt đê sông, đê biển xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng
Ông Vũ Văn Phố (xã Đa Lộc) nói: "Cách đây hơn 1 tháng tôi có lưu thông qua tuyến đê sông Lèn, không may bánh xe kẹt vào khe nứt của mặt đê khiến tôi bị ngã. May hôm đó tôi đội mũ bảo hiểm nếu không là phải đi bệnh viện cấp cứu rồi. Tôi mong các cấp quan tâm, xử lý những vị trí đê bị nứt vỡ để người dân đi lại an toàn.
Trước tình hình đó, UBND xã Đa Lộc đã lập tờ trình đề nghị Phòng NNPTNT huyện Hậu Lộc; Hạt quản lý đê điều huyện Hậu Lộc; các cơ quan chức năng tham mưu cho UBND huyện Hậu Lộc có kế hoạch sửa chữa.
Được biết, tuyến đê sông, đê biển tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được xem như "thành trì" bảo vệ 2.000 hộ dân với 9.000 nhân khẩu, cùng nhiều tài sản, cây cối, hoa màu…trước thiên tai dị thường, đặc biệt là lũ, bão.
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận