Khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam góp phần để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thực tiễn cho thấy, mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải thực sự xuất phát từ yêu cầu, nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; không ngừng thắt chặt mối quan hệ mật thiết với nhân dân, xác định mục tiêu hạnh phúc, ấm no của nhân dân là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa trên quan điểm xây dựng “các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”.
Ảnh minh hoạNhằm nâng cao vai trò của quần chúng nhân dân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, theo PGS, TS Đặng Quang Định, Viện trưởng Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung, giải pháp , cụ thể:
Xác định rõ hơn vị trí, vai trò, bản chất của giai cấp công nhân Việt Nam hiện nay (giai cấp sản xuất của cải vật chất cơ bản cho xã hội, nơi tập hợp trí tuệ, ý chí giải phóng toàn thể dân tộc, đất nước mỗi khi bị áp bức; giai cấp tiên tiến, đi đầu trong sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc). Mặt khác, phát huy vai trò của giai cấp nông dân trong bối cảnh chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh hay tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu hiện nay. Đặc biệt, không ngừng nỗ lực xây dựng chính sách nhằm giải quyết tốt lợi ích của nhân dân trong nhiều vấn đề, như thu hồi đất sản xuất, đầu tư nguồn lực cho nông nghiệp, giải quyết lao động; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông thôn sinh thái, đô thị hiện đại,...
Phát huy vai trò, năng lực của đội ngũ trí thức; tập trung đầu tư giáo dục để hình thành đội ngũ trí thức đủ tâm, đủ tầm, có bản lĩnh,... góp phần thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, tạo chuyển biến tích cực trong tư duy phát triển và quản trị quốc gia. Cần ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quyết định mới về chế độ, chính sách hỗ trợ, đãi ngộ nhằm thu hút, phát huy vai trò đội ngũ trí thức trong bối cảnh mới; đẩy mạnh đầu tư phát triển khoa học - công nghệ hiện đại, phục vụ đổi mới sáng tạo. Phát huy vai trò tư vấn, phản biện, tham mưu chủ trương, chính sách của đội ngũ trí thức.
Chú trọng phát triển đội ngũ doanh nhân vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đẩy lùi nguy cơ tụt hậu, nâng cao vị thế của Việt Nam theo tinh thần xây dựng “đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi”. Xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn để doanh nhân phát triển.
Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, văn hóa, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; tạo mọi điều kiện để mỗi cá nhân phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hòa cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ,... Chăm lo xây dựng, bảo vệ quyền lợi và phát huy vai trò của người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới. Bên cạnh đó, coi trọng, ghi nhớ công lao, đóng góp của các thế hệ cán bộ lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cán bộ hưu trí, người cao tuổi trong xây dựng và bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Phát huy vai trò của cựu chiến binh trong giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, phát huy bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tham gia xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tích cực giúp nhau làm kinh tế, cải thiện, nâng cao đời sống, làm giàu hợp pháp, góp phần xây dựng, phát triển đất nước. Mặt khác, tích cực tiếp thu, phát huy trí tuệ, kinh nghiệm sống, lao động, học tập,... của người cao tuổi trong xã hội, cộng đồng và gia đình.
Bảo đảm sự bình đẳng, công bằng giữa các dân tộc, kiên định mục tiêu đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển. Quan tâm tới tính đặc thù của từng vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách dân tộc; phòng, chống tư tưởng kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tiếp tục vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Khơi dậy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của mỗi người dân Việt Nam góp phần để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các chính sách nhằm xác lập địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập với xã hội nước sở tại cho người Việt Nam ở nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự trọng, tự tôn dân tộc; động viên đồng bào hướng về đất nước. Đẩy mạnh vận động người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, gắn bó với quê hương, trở thành cầu nối giữa Việt Nam với các nước.
Đăng thảo luận