Phú ThọĐi lên cầu được 20 m, anh Sơn cảm nhận "hơi rung nhẹ" nhưng chỉ chừng 3 giây sau cả người và xe đã ở giữa sông, xung quanh nước đục ngầu, chảy xiết.

"Cầu sập", anh Phan Trường Sơn, 40 tuổi, hét trong vô vọng khi rơi xuống sông Hồng. Anh là một trong ba người thoát nạn đang cấp cứu sau vụ sập cầu Phong Châu lúc 10h ngày 9/9.

Anh Sơn chạy xe máy rời nhà ở xã Hương Nộn, huyện Tam Nông để qua huyện Lâm Thao lúc 9h50. Trời râm mát, không mưa. Sau quãng đường hơn một km, anh đi lên cầu Phong Châu, thấy phương tiện ít hơn thường ngày. Nhìn gương chiếu hậu, anh thấy ngay sau mình là xe ben chạy chậm, ngược chiều có vài ôtô, xe máy.

Vừa cảm thấy cầu hơi rung nhẹ, anh Sơn bất ngờ hẫng, rơi tự do cùng xe máy xuống dòng sông Hồng chảy xiết. Khói bụi bay mù mịt. Tiếng động inh tai phát ra từ một phần cầu vừa rơi xuống sông. Nước sông bắn tung tóe, cao vài mét. Trong lúc rơi, anh vẫn ngồi trên xe máy, tay cầm lái.

Nạn nhân thoát chết: 'Cầu sập trong tích tắc'  第1张

Anh Phan Trường Sơn đang cấp cứu sau sự cố sập cầu. Ảnh: Phạm Dự

Nghĩ "chắc sẽ chết" song anh cố gượng dậy, nhoài lên, dùng hai chân đạp hết sức vào xe máy để bật lên khỏi dòng nước. "Lúc ngã xuống thì không sao nhưng vừa ngoi lên tôi đã bị sặc, buồn nôn vì uống quá nhiều nước", anh nhớ lại.

Vừa thoát khỏi xe máy, anh thấy cây chuối trôi rất nhanh song song phía trước nhưng rồi bị sóng đánh ra xa. Thả lỏng người lấy cân bằng, anh thấy cây chuối khác vọt qua. Đầu lúc này khá đau, hơi rỉ máu vì va đập, song nghĩ đây là cơ hội sống, anh lấy hết sức lao theo cây chuối.

"Tôi bơi xuôi dòng chừng 20 m thì với được cây chuối, ôm chặt và thả trôi tự do", anh Sơn kể.

Sau khoảng 2,5 km, anh thấy chiếc thuyền máy ven sông và thấp thoáng bóng người. Anh hét lớn "Cứu tôi với" hàng chục lần, hai thuyền nổ máy chạy ra. 6 người trên hai thuyền tiến lại gần, kéo anh lên thuyền, đưa đi cấp cứu.

Nạn nhân thoát chết: 'Cầu sập trong tích tắc'  第2张     sap cau Phong Chau

Khoảnh khắc cầu Phong Châu bị sập. Video: Nhóm phóng viên

Đi ngược chiều anh Sơn trên cầu Phong Châu lúc 10h có anh Nguyễn Minh Hải, 30 tuổi lái xe máy chở theo anh Bùi Quý Trọng 34 tuổi. Hai người đi từ huyện Lâm Thao về Tam Nông, khi được hai phần ba cầu thì thấy hơi rung lắc nhẹ. Chừng một giây sau thì cả hai nghe thấy tiếng động "vang trời", Hải ngoái mặt nhìn sang thấy xe máy và một xe ben chiều ngược lại rơi xuống sông. Tài xế xe ben lúc đó vẫn nhìn thẳng, hai tay ôm chặt vô lăng xoay liên tục.

Hải vẫn trong tư thế lái xe, còn Trọng ngồi phía sau ôm chặt eo anh. Trong tích tắc, cả hai người và xe máy rơi xuống nền bêtông ở mố chân cầu. Xe máy đè lên một phần chân Hải, còn Trọng nằm đè người lên Hải. "Hình như gãy cầu", hai người hốt hoảng nói với nhau. Cả hai sau đó dìu nhau bò lui về phía bờ sông, được nhiều người dân nối tay kéo lên bờ.

Nạn nhân thoát chết: 'Cầu sập trong tích tắc'  第3张

Anh Hà Minh Hải (trái) và Bùi Quý Trọng đã dần hồi phục. Ảnh: Phạm Dự

Sau tiếng chuông điện thoại reo vang, Trung tâm Y tế huyện Tam Nông cử hai đội cấp cứu cơ động cùng xe cứu thương đến hiện trường cách đó một km. Hải và Trọng được sơ cứu đầu tiên với tình trạng xây xước nhẹ. Nửa tiếng sau, một kíp khác di chuyển đến ven sông cách trung tâm 4 km để cấp cứu anh Sơn.

"Cầu như bị bom đánh sập", anh Sơn lẩm nhẩm khi nằm trên giường bệnh. Nửa ngày trôi qua, gương mặt cả ba anh vẫn tái đi vì sợ hãi.

Thông tin tại hiện trường trưa 9/9, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết qua trích xuất camera nhà dân và camera hành trình các phương tiện, sơ bộ xác định có 10 ôtô, 2 xe máy và 13 người dân mất tích sau vụ sập cầu.

Theo Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ Nguyễn Minh Tuấn, nước sông đang chảy xiết nên lực lượng cứu nạn, cứu hộ chưa thể triển khai. Thuyền cứu hộ đưa xuống sông lập tức bị cuốn trôi. Các lực lượng đang tìm kiếm nạn nhân dọc hai bờ sông và phía hạ nguồn.

"Nguyên nhân vụ sập đang được điều tra, không loại trừ tình huống có vật trôi theo dòng nước, va đập với mố cầu gây sự cố", ông Tuấn nói.

Sở Giao thông Vận tải Phú Thọ thì cho rằng do bão Yagi gây mưa lũ, nước sông Hồng dâng cao, lưu tốc dòng chảy xiết làm thay đổi địa hình, địa mạo dưới lòng sông, kéo đổ trụ T7 và làm sập hai nhịp dàn chính 6, 7 của cầu.

Nạn nhân thoát chết: 'Cầu sập trong tích tắc'  第4张

Một phần cầu bị gãy sập rơi xuống sông. Ảnh: Phạm Chiểu

Cầu Phong Châu được xây dựng và khai thác năm 1995, bằng thép và bêtông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cửu. Tải trọng thiết kế theo hồ sơ ban đầu cho phép xe dưới 60 tấn qua cầu. Phần đường xe chạy 7 m, lề người đi mỗi bên 1m, bề rộng mặt cầu 9,5 m.

Cầu gồm 8 nhịp, trong đó hai nhịp 6 và 7 được Bulgari chế tạo từ hai nhịp giàn giản đơn 64 m. Cầu được kiểm định, bảo trì hàng năm theo kế hoạch của Cục Đường bộ Việt Nam giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh Phú Thọ triển khai.

Nạn nhân thoát chết: 'Cầu sập trong tích tắc'  第5张

Đồ họa: Đăng Hiếu

Phạm Dự - Phạm Chiểu