Cả trăm tỷ đồng bay theo siêu bão
Chia sẻ với PV Dân Việt, anh Nguyễn Văn Long (sinh năm 1979) - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhật Long, cũng là người con út trong gia đình có 10 anh em cho biết: "Chúng tôi là thế hệ thứ 2 trong gia đình nối nghiệp cha gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản tại tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long (Quảng Ninh)". Sau 40 năm gây dựng cơ nghiệp, vùng đầm lầy ven biển ngày nào đã trở thành khu nuôi trồng thủy sản khang trang, rộng gần 100 ha, với khoảng 60 ao nuôi tôm và 3 khu nuôi dèo tôm; 8 ao đang nuôi các loại cá giá trị như song, vược, rô phi; 1 trang trại cá song giống rộng 600m2 cùng các công trình phụ trợ khác.
Khu nuôi trồng thủy sản rộng gần 100ha tại phường Hà Phong, thành phố Hạ Long của Công ty CP Nhật Long trước khi bão số 3 đổ bộ. Ảnh: Công ty CP Nhật Long cung cấp.
Từ một hộ nuôi trồng nhỏ, năm 2005, gia đình anh bắt đầu chuyển sang nuôi trồng quy mô công nghiệp. Cha anh đã thành lập doanh nghiệp mang tên Công ty CP Nhật Long để điều hành toàn bộ hoạt động nuôi trồng và kinh doanh thủy sản, tạo việc làm cho khoảng 100 lao động.
Mô hình nuôi trồng thủy sản của Công ty CP Nhật Long đã tạo được tên tuổi trong ngành thủy sản tỉnh Quảng Ninh và nhiều năm liền được bình chọn là đơn vị xuất sắc. Đặc biệt năm 2020, doanh nghiệp còn vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi".
Thế nhưng, cơn bão số 3 đi qua đã quét đi tất cả.
30 ao nuôi tôm đã bị phá huỷ, gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Ảnh: Thu Lê.
Thời điểm chúng tôi đến cũng đã vào ngày thứ 10 kể từ khi cơn bão số 3 đi qua, anh Long vẫn đang bận rộn chỉ đạo công nhân dọn dẹp các ao nuôi.
Cây cối đổ gãy đã được công nhân dọn dẹp để lấy lối đi lại. Một số cây cột điện bị đổ, không gãy đã được dựng lên. Sau khi có điện lưới trở lại, anh Long đã cho lắp thêm cột điện mới, đi lại một số đường điện để chạy máy quạt oxy cho 1 số ao nuôi tôm vừa mới lót lại bạt đáy ao. Đấy là sự cố gắng rất lớn của công ty, hòng vớt vát số tôm nuôi ít ỏi (khoảng 10%), chỉ còn độ hơn chục ngày nữa có thể xuất bán trước khi bão đổ bộ.
Các dãy nhà văn phòng, khu điều hành, nhà ăn, nhà nghỉ cho người làm cũng đã được dọn dẹp và thợ đang bắt đầu việc sửa chữa.
Những con tôm thẻ chân trắng còn cứu được đang tiếp tục nuôi để chuẩn bị bán. Ảnh: Thu Lê.
Bắt lên ít tôm trong số 10% tôm thương phẩm còn sống lên cho tôi xem, anh Long bảo: "Nếu không gặp bão, tầm này, toàn bộ số tôm trong 60 ao tôm thẻ chân trắng thương phẩm, với diện tích mỗi ao tầm 2.500-3.50 m2, có mật độ nuôi tầm 250-200 con/m2 sẽ được xuất bán. Chúng đã lớn đến độ, tầm 80 con tôm là đã được 1 kg rồi. Nhưng 30 ao nuôi tôm đã chết sạch, thiệt hại 30 tỷ đồng".
Chưa kể, trang trại cá song giống với trên 5 vạn con, có độ dài 10-13cm cũng không còn lại gì. Các bể ươm trống trơn, vì công nhân mới dọn dẹp cá giống đã phơi bụng. Cá thương phẩm, phần bị chết, phần bị trôi ra biển. Thiệt hại mảng nuôi cá là khoảng 10 tỷ đồng. Toàn bộ hệ thống mái, tường, hệ thống bơm nước, tạo oxy của trang trại cá giống đã bị bão làm hư hỏng.
Cả 3 khu nuôi dèo tôm rộng 1,5 ha có mật độ nuôi tầm 1.500-2.500 con/m2 cũng bị bão đánh tan hoang, chỉ còn vớt vát được chút ít.
Cơ sở hạ tầng khu nuôi trồng bị phá hủy nặng nề. Sau bão, 3 trạm biến áp (2 trạm 560kVA và 1 trạm 400kVA), cùng toàn bộ hệ thống lưới điện hạ thế trong khu nuôi trồng đầu tư gần 10 tỷ đồng, sẽ phải đầu tư mới lại. "Tính ra thiệt hại lên đến gần 100 tỷ đồng. Nhưng để tái sản xuất, cũng cần ít nhất 3-4 tháng, và số vốn ít nhất phải bỏ ra là 30-40 tỷ đồng nữa", anh Long chia sẻ.
Cùng chính quyền tìm lối thoát
Ngồi nghỉ chân sau khi đi thăm một vòng khu nuôi trồng của công ty, anh Long bắt đầu kể về khởi nguồn của Nhật Long.
Người sáng lập công ty chính là cha anh - ông Nguyễn Văn Lạng (sinh năm 1937, mất năm 2011) là người ở Quảng Yên (Quảng Ninh). Ông vốn sinh sống bằng nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản.
Thời điểm những năm 1985 trở về trước, hầu hết người dân trên đảo Hà Nam ở Quảng Yên đều sống bằng nghề biển. Lâu dần, nguồn lợi thủy sản gần bờ cạn kiệt, nên ngư dân phải tính đến chuyện vươn khơi. "Khi đó, ông được một người bạn mách bảo ngoài khu vực Hòn Gai (tên gọi cũ của Hạ Long bây giờ) có nhiều tôm cá, ít người đánh bắt, nên ông đã đưa mẹ và 10 anh em tôi đi theo".
Sau 40 năm xây dựng, gia đình anh Long đã biến bãi sú, vẹt ngày nào thành khu nuôi trồng thủy sản điển hình của thành phố Hạ Long. Ảnh: Công ty CP Nhật Long cung cấp.
Năm 1985, khi gia đình đến khu vực ven biển phường Hà Phong, anh mới lên 6 tuổi nhưng cũng đã đủ lớn để chứng kiến và hiểu được sự vất vả của bố mẹ và các anh chị khi khai hoang vùng bãi sú, vẹt này. Chỉ với những chiếc xẻng mai, kéo cắt đất, hàng ngày cha anh cùng mọi người đã chèo thuyền từ Quốc lộ 18 ra khu đầm hoang vu này, miệt mài đào đất đắp đập ngăn sóng biển để bảo vệ vùng trồng rau, lúa phía trong.
Anh Nguyễn Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty CP Nhật Long chia sẻ với PV Dân Việt về kế hoạch tái sản xuất của công ty sau bão. Ảnh: Thu Lê.
Trời không phụ lòng người, ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, cơ nghiệp của cha mẹ đã được 10 anh chị em anh nối nghiệp và phát triển. Nhật Long đã trở thành một trong những doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản Quảng Ninh, là mô hình điểm về ứng dụng khoa học để nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng cao của tỉnh.
Vậy mà, chỉ 1 trận bão, cả khu nuôi trồng thủy sản rộng lớn, hiện đại đã bay sạch. "Nhưng đây là cơ nghiệp cha chúng tôi để lại, nên 10 anh chị em tôi quyết tâm phải giữ và phát triển lên. Thua keo này thì bày keo khác. Miễn là chúng tôi không bỏ cuộc thì chắc chắn ông trời sẽ không phụ", anh Long nói.
Các công nhân đang thu dọn bạt lót đáy ao bị hỏng do bão để thay thế bạt lót mới. Ảnh: Thu Lê.
Nhưng đứng dậy thì cần phải có vốn. Mấy ngày nay chạy vạy khắp nơi, mượn được đồng nào là anh Long cho mua cột điện, dây điện, bạt lót ao, máy bơm tạo oxy, thức ăn, thuốc để cố cứu vớt 10% số tôm nuôi còn sót lại. Mấy bữa nữa bán, được ít nào thì tính mua con giống để tái nuôi.
Anh tính: "Nếu giờ ngân hàng chấp nhận cho thế chấp đất và mặt nước được nhà nước cho công ty thuê trả tiền hàng năm, vốn sẽ có sớm".
Anh Nguyễn Văn Long (ở giữa) luôn chân luôn tay trong những ngày này để chỉ đạo người lao động nhanh chóng khắc phục hậu quả do bão số 3, sớm ổn định sản xuất. Ảnh: Thu Lê.
Theo thống kê của tỉnh Quảng Ninh, đến ngày 16/9, tổng thiệt hại do bão số 3 đã vượt con số 24.000 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực thủy sản là gần 3.700 tỷ đồng. Lo lắng cho người dân, doanh nghiệp đã bị mất trắng tài sản do bão, không còn khả năng trả nợ, người đứng đầu UBND tỉnh Quảng Ninh đã gửi văn bản đến Chủ tịch của các ngân hàng Agribank, Vietinbank, BIDV để đề xuất một cuộc làm việc, bàn về các giải pháp, chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trước ngày 25/9.
Ngày 23/9 tới, Kỳ họp thứ 21 - kỳ họp bất thường của HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV sẽ được tổ chức để quyết nghị các cơ chế, chính sách đặc thù để khắc phục thiệt hại, ổn định đời sống và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh sau cơn bão số 3. Tỉnh cũng đang tính toán tiết kiệm chi thường xuyên để dành 1.000 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Thật mong anh Long cùng doanh nghiệp của mình, cũng như rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân bị ảnh hưởng do bão số 3 sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ cần có để ổn định lại đời sống, cũng như công việc sản xuất kinh doanh.
Một số ao nuôi của Nhật Long đã được khắc phục để nuôi số tôm còn sống sót và chuẩn bị cho việc đón mẻ tôm giống mới. Ảnh: Thu Lê.
Tạm biệt anh Long, cũng là lúc hoàng hôn đã buông. Anh vội vàng quay về đón người con gái nhỏ vừa tan học thay cho vợ vẫn đang cùng mọi người dọn dẹp ngoài ao tôm. Nhịp sống bình thường đang dần quay trở lại.
Và khi bài viết này chuẩn bị hoàn thành, tôi nhận được tin nhắn từ anh: "Anh mới làm việc với ngân hàng xong, đề án tái cơ cấu sản xuất của Công ty mới làm, được ngân hàng đánh giá cao, khả năng vay được 50 tỷ nữa để tái sản xuất rồi nhà báo ạ".
Đăng thảo luận