"Trước sự tác động mọi mặt của nền kinh tế thị trường, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thiên tai khó lường, gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi thì nhiều người đã phải bỏ nghề. Bản thân tôi cũng có những thời điểm tưởng chừng không thể trụ vững.
Nhưng với lòng quyết tâm, niềm đam mê gắn bó với nghề, tôi đã dần vượt qua khó khăn, tìm hướng phát triển kinh tế hiệu quả".
Đó là lời tâm sự của Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2024 – ông Nguyễn Đức Sơn (73 tuổi, trú thôn Kỳ Lam, xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam).
Ông Nguyễn Đức Sơn (xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) trở thành 1 trong 63 gương mặt nông dân tiêu biểu nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2024” trò chuyện với PV Dân Việt. Ảnh: T.N.
Trang trại Tiền Phong của ông Sơn rộng gần 2ha, là nơi ông chăn nuôi khoảng 300 con lợn (trong đó có 50 lợn nái, 30 lợn đực giống), 50 con bò và 5.000 con gà mỗi năm. Ngoài ra, ông còn kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp như: sản xuất tinh lợn; thuốc thú y, thức ăn gia súc, vật tư chăn nuôi; sản xuất và dịch vụ con giống gia súc, gia cầm.
Từ đó đem lại cho gia đình ông Sơn doanh thu mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí, ước lãi hơn 500 triệu đồng/năm. Với quy mô trang trại lớn mạnh, ông Sơn còn tạo việc làm ổn định cho 12 lao động tại địa phương, với thu nhập từ 8-15 triệu đồng/người/tháng.
Từ thành công của mô hình nuôi bò, ông Sơn mạnh dạn đầu tư nuôi thêm đàn gà, lợn với số lượng hàng nghìn con. Ảnh: T.N.
Ông Sơn chia sẻ: "Thời gian đầu lập nghiệp khó khăn nhiều vô kể, tôi thiếu vốn sản xuất và thiếu cả kinh nghiệm thực tiễn. Nhưng với niềm đam mê chăn nuôi, tôi luôn tự nhủ bản thân phải không ngừng nỗ lực tìm ra giải pháp, vượt qua khó khăn, thử thách. Tôi tích cực tìm đọc sách báo để có thêm nhiều kiến thức, tìm đến các trang trại chăn nuôi quy mô lớn để học hỏi kỹ thuật và tích lũy kinh nghiệm.
Hơn hết, chính sự quan tâm, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi từ chính quyền địa phương, Hội Nông dân các cấp và người thân, bạn bè, bà con nông dân luôn ủng hộ đã giúp tôi có thêm động lực vượt qua những khó khăn, gặt hái nhiều thành công".
Tại trang trại của ông Sơn thì quy trình sản xuất tinh lợn ở phòng riêng, rất nghiêm ngặt nhằm cho ra đời những con giống khỏe mạnh. Ảnh: T.N.
Ông Sơn cho biết, những năm gần đây, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tái đàn khi dịch bệnh tả lợn châu Phi hoành hành, gây ra thiệt hại lớn. Để bảo toàn số lượng đàn lợn, trang trại của ông chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học, thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, theo dõi hằng ngày để xử lý kịp thời mầm bệnh, tránh để bệnh lây lan cả đàn.
Song, giá lợn và bò những năm gần đây đều giảm, thậm chí có lúc ở mức rất thấp. Trong khi đó, giá thức ăn và nhiều chi phí đầu vào phục vụ chăn nuôi lại liên tục tăng và duy trì ở mức rất cao. Điều này khiến trang trại của ông cũng như nhiều hộ chăn nuôi khác tại địa phương gặp nhiều khó khăn, sản xuất cầm chừng, hiệu quả kinh tế giảm mạnh.
Trang trại chăn nuôi và bán vật tư thú y của ông Nguyễn Đức Sơn.
Ông Sơn bày tỏ: "Để sản xuất chăn nuôi phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu, cạnh tranh thị trường trong hội nhập, tôi xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp, nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi phát triển.
Đặc biệt là có chính sách hỗ trợ người chăn nuôi vay vốn khôi phục và mở rộng sản xuất, nhất là để người sản xuất kinh doanh chăn nuôi được tiếp cận tốt nhất với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trên người và vật nuôi; dành không gian, quỹ đất cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, giúp người nông dân "sống được, sống khỏe" bằng nghề của mình....".
Tham khảo thêm
Đăng thảo luận
2024-11-09 17:35:44 · 来自171.12.232.231回复
2024-11-09 17:45:34 · 来自36.59.135.121回复
2024-11-09 17:55:30 · 来自139.211.58.38回复