Những vật dụng tưởng như vô hại có thể gây cháy nổ ô tô khi trời nắng
(Dân trí) - Ô tô sẽ hóa "lò thiêu" khi đỗ lâu dưới trời nắng; nhiều vị trí trên xe có thể nóng trên 80 độ C, biến những vật dụng tưởng chừng vô hại trở thành thứ nguy hiểm, thậm chí gây cháy nổ...
Với nhiệt độ bốc lên từ mặt đường cộng thêm ánh nắng trực tiếp dưới trời nắng 38-40 độ C, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 60-80 độ C. Khi đó, rất nhiều vật dụng để trong xe có nguy cơ bốc cháy hoặc phát nổ do áp suất bên trong tăng cao.
Kết quả thử nghiệm của phóng viên Dân trí cho thấy nhiệt độ một số khu vực trên xe có thể lên tới hơn 80 độ C sau khi đỗ ngoài trời nắng 38 độ C trong 30 phút (Ảnh: Đình Nam).
Dưới đây là một số vật dụng không nên để trong xe vào mùa hè nắng nóng.
Các loại bình xịt
Các loại bình phun như nước hoa, xịt khoáng, khử mùi, keo tóc,... đều có dạng nén nên sẽ trở nên cực kỳ nguy hiểm khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Chất đẩy bên trong các bình xịt rất dễ cháy và khi vỏ bình nóng lên, áp suất bên trong tăng cao, có thể làm nổ/vỡ bình, giải phóng các chất đẩy dễ cháy, có nguy cơ dẫn tới hỏa hoạn nếu gần tia lửa.
Bật lửa
Chúng ta có thể nghĩ rằng bật lửa là vật vô hại khi không sử dụng, nhưng trong một số điều kiện nhất định, nó có thể trở thành nguồn gây cháy nguy hiểm. Trong những ngày nắng nóng mùa hè, nhiệt độ bên trong xe tăng cao nhanh chóng có thể khiến chất lỏng bên trong bật lửa giãn nở, dẫn tới bung vỡ vỏ chứa, gây rò rỉ chất dễ cháy, thậm chí có thể gây nổ.
Từng có trường hợp bật lửa phát nổ bên trong xe ô tô ở Hà Nội vào một ngày nắng nóng (Ảnh: P.Q.K.).
Bình cứu hỏa
Đây là vật thực sự cần thiết trên ô tô, nhưng nếu để bên trong xe đóng kín cửa dưới trời nắng thì lại có nguy cơ phát nổ, có thể gây sát thương. Thực tế đã ghi nhận một số trường hợp bình cứu hỏa phát nổ khi để trong xe dưới nhiệt độ cao, gây lo lắng cho người sử dụng.
Đồ điện tử gia dụng
Các thiết bị như máy tính, máy tính bảng, điện thoại và sạc dự phòng,... đều được làm bằng kim loại, dẫn nhiệt nhanh. Nhiệt độ cao sẽ làm các vi mạch điện tử, điện trở nóng lên bất thường, từ đó làm giảm tuổi thọ hoặc nặng hơn là có thể hỏng ngay.
Ngoài ra, các thiết bị này đều chứa pin lithium-ion rất nhạy cảm với nhiệt độ. Khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ cao, như ở trong xe ô tô đóng kín cửa đỗ dưới trời nắng, pin có thể nóng chảy, dẫn tới nguy cơ cháy nổ.
Khi ô tô đỗ dưới trời nắng 38 độ C khoảng một tiếng, nhiệt kế trong xe báo 42 độ C (Ảnh: Nhật Minh).
Chai nước, kính mắt cũng có thể gây cháy xe
Vào mùa hè nóng bức, hầu như trên xe ô tô của ai cũng có sẵn ít nhất một chai nước tinh khiết hoặc nước khoáng, để có thể hạ nhiệt cơ thể khi phải đi ngoài đường lâu. Và vị trí mà người lái thường để chai nước chính là ô giữa hai ghế trước, vì thuận tay. Thói quen tưởng như vô hại này, trên thực tế, lại tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất lớn.
Chai nhựa, hoặc thủy tinh thường có thiết kế dạng trụ tròn, chứa nước ở bên trong sẽ tạo thành một thấu kính lồi. Khi ánh nắng mặt trời chiếu vào, vai trò thấu kính hội tụ của chai nước sẽ "phát huy".
Nếu thời gian chiếu đủ lâu và ánh nắng đủ mạnh, các tia nắng hội tụ tại một điểm có thể đốt cháy các bề mặt nội thất như bọc ghế hoặc thảm sàn..., từ đó thậm chí có thể gây cháy xe. Nguy cơ với kính mắt cũng tương tự.
Dù chưa rõ nguyên nhân chính xác có phải do kính mắt để trên xe hay không, nhưng sự việc chiếc BMW bốc cháy khi đỗ dưới trời nắng trên đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) vào trưa 17/5 vừa qua đã khiến nhiều người giật mình loại bỏ những đồ vật dễ gây cháy nổ trên xe (Ảnh: MXH).
Cách đây hai năm, một thợ cơ khí tên Aut Autakorn ở Thái Lan đã ghi lại được tình huống chai nước trên ô tô có thể gây cháy. Theo đó, vào buổi chiều khi nhiệt độ ngoài trời là 33 độ C, Aut thấy khói bốc ra từ chỗ để cốc bên cạnh cần số của chiếc xe đang để ở xưởng sửa chữa của mình. Ban đầu, Aut nghĩ rằng chủ xe đã để quên một điếu thuốc đang cháy dở bên trong xe, nhưng khi nhìn gần, anh mới phát hiện ra nước đã phản chiếu ánh nắng và đốt cháy phần da bọc ghế ở bên cạnh.
Sốc với clip chai nước đốt cháy ghế da ô tô dưới trời nắng (Video: Newsflare).
Giải pháp chung cho các trường hợp trên nếu bắt buộc phải để trên xe là cất những đồ dễ cháy trong bao, túi, hoặc balô, và để ở những vị trí không hứng ánh nắng trực tiếp từ cửa kính. Nếu không thực sự cần thiết, đừng để chúng trên xe, hãy cất ở nhà để đảm bảo an toàn.
Khi trời nắng, hãy cố gắng tìm chỗ có mái che hoặc bóng râm để đỗ ô tô. Trong trường hợp buộc phải đỗ ô tô dưới trời nắng, hãy chống nóng cho xe bằng cách sử dụng các tấm chắn nắng rất dễ tìm mua, với giá chỉ từ vài chục cho tới vài trăm ngàn đồng.
Đăng thảo luận