Nguyên nhân người dân TPHCM phản ứng với trạm BOT Phú Hữu

(Dân trí) - "Gia đình tôi đặt taxi, tài xế đến đường Nguyễn Thị Tư, thấy trạm thu phí liền gọi điện thoại báo gia đình trả thêm phí BOT mới vào đón, nếu không sẽ hủy chuyến", bà Lê Thị Nhung kể.

Vừa đưa vào vận hành, trạm BOT Phú Hữu trên đường Nguyễn Thị Tư, phường Phú Hữu (TP Thủ Đức), vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Một số người cho rằng, việc áp dụng thu phí cả taxi qua lại khu vực khiến họ tốn thêm phí khi sử dụng dịch vụ này.

Chỉ sử dụng 200m đường vẫn nộp phí

Bà Lê Thị Nhung (67 tuổi, ngụ khu phố 6, phường Phú Hữu) có nhà cách trạm thu phí khoảng 200m. Ô tô muốn vào nhà bà, phải đi quãng đường khoảng 200m thuộc diện thu phí.

Trước đây, mỗi lần bà đặt taxi đón cháu từ trường về nhà chỉ tốn 50.000 đồng; thì nay, bà phải trả thêm 28.000 đồng phí cầu đường cho taxi ra vào khu dân cư (14.000 đồng/lượt).

Nguyên nhân người dân TPHCM phản ứng với trạm BOT Phú Hữu  第1张

Bà Nhung cho biết hiện người dân địa phương phải trả thêm 28.000 đồng phí BOT khi đặt taxi (Ảnh: Thư Trần).

Bà Nhung cho rằng đường Nguyễn Thị Tư nâng cấp đoạn từ Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu dài 2,6km, taxi ra vào khu dân cư, đi trên đường này khoảng 200m. Mỗi lượt sử dụng taxi, người dân phải đóng phí BOT hai chiều là vô lý. Bà và mọi người tại khu dân cư không đồng tình khoản thu này.

"Nhiều lúc, gia đình tôi đặt taxi để đi công việc. Tài xế đến đường Nguyễn Thị Tư, thấy trạm thu phí liền gọi điện thoại báo gia đình trả thêm phí BOT mới vào đón, nếu không sẽ hủy chuyến. Người thân ở xa lái ô tô cá nhân đến thăm gia đình cũng phải đóng phí BOT 2 lần cho quãng đường 200m, thật sự rất phiền", bà Nhung nói.

Bà Nhung đề xuất cơ quan chức năng chỉ thu phí các loại xe tải, xe đầu kéo chở hàng ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu. Các loại ô tô cá nhân, taxi phục vụ đời sống người dân nên được miễn khoản thu này.

Nguyên nhân người dân TPHCM phản ứng với trạm BOT Phú Hữu  第2张

Trạm thu phí Phú Hữu mỗi ngày có hàng nghìn lượt xe tải, xe đầu kéo container ra vào cảng chở hàng (Ảnh: An Huy).

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Sĩ Dũng (64 tuổi, ngụ địa phương) cho biết, việc thu phí đối với các loại xe tải, container chở hàng ra vào Khu công nghiệp Phú Hữu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, các loại xe cá nhân, taxi vào khu dân cư chỉ sử dụng đoạn đường 200m mà phải đóng phí sử dụng cầu đường là vô lý.

"Tôi mong các ngành chức năng xem xét để có cách điều chỉnh phù hợp", ông Dũng nói.

Ghi nhận thực tế 10 ngày để điều chỉnh

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, sau ngày đầu vận hành trạm BOT Phú Hữu, người dân địa phương không còn tập trung đông tại khu vực để phản đối.

Đường Nguyễn Thị Tư dẫn vào cụm Khu công nghiệp Phú Hữu được nâng cấp rộng rãi, nhưng nhiều đoạn vẫn bị ngập nước khi mưa. Mặt đường được trải bê tông. Mỗi ngày, tuyến đường này có hàng nghìn lượt xe tải, xe đầu kéo ra vào khu vực chở hàng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Hòa An cho biết, hợp đồng giữa UBND TPHCM với Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên thực hiện dự án BOT Phú Hữu đã được HĐND TPHCM thông qua. Hiện tại, mức giá thu phí của BOT Phú Hữu dựa theo các thông tư và quyết định đã ban hành của UBND TPHCM.

Ông An khẳng định, đối tượng thu phí tại trạm BOT này là đúng; tuy nhiên, những ngày đầu hoạt động sẽ khó tránh khỏi sự chưa đồng thuận của số đông. Mặt khác, thực tế có những trường hợp thu phí chưa chuẩn.

"UBND TPHCM giao Sở GTVT theo dõi vụ việc. Đơn vị sẽ ghi nhận toàn bộ sự việc xảy ra và cần có thời gian để đánh giá một cách tổng thể. Chúng tôi sẽ ghi nhận, tổng hợp, đánh giá một cách toàn diện trong 10 ngày và báo cáo về UBND TPHCM để xem xét, nếu có gì chưa ổn sẽ đề nghị điều chỉnh trong thời gian tới", ông An cho biết.

Nguyên nhân người dân TPHCM phản ứng với trạm BOT Phú Hữu  第3张

Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu có chiều dài 2,6km, được đầu tư 461 tỷ đồng (Ảnh: Thư Trần).

Ngày 17/9, trạm BOT Phú Hữu, TP Thủ Đức, bắt đầu thu phí các phương tiện ra vào cảng Phú Hữu, mức phí 14.000-110.000 đồng/lượt. Việc thu phí nhằm mục đích hoàn vốn dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Ngày đầu vận hành, trạm thu phí vấp phải phản ứng của người dân địa phương. Một số người lái ô tô đậu tại trạm gây ùn tắc giao thông, phải nhờ Công an TP Thủ Đức can thiệp và điều tiết giao thông.

Trước đó, Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (nhà đầu tư) ra quyết định ban hành mức giá sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư dự án BOT xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu.

Từ 1/1/2025 đến 16/9/2025 xe qua trạm sẽ đóng phí cao hơn. Trong đó, vé lượt áp dụng 15.000-120.000 đồng. Vé tháng từ 450.000 đồng đến 3,6 triệu đồng. Vé quý từ 1.215.000 đồng đến 9.720.000 đồng.

Sau giai đoạn trên, mức phí qua trạm tiếp tục được điều chỉnh với giá vé lượt thấp nhất 17.000 đồng, cao nhất 133.000 đồng. Vé tháng 510.000 đồng đến gần 4 triệu đồng; vé quý từ 1.377.000 đồng tới 10.773.000 đồng.

Trạm sẽ miễn, giảm cho một số nhóm phương tiện, gồm: Xe máy và các loại xe chuyên dùng như cứu thương, cứu hỏa, xe cảnh sát... Ngoài ra, ôtô dưới 12 chỗ không kinh doanh của người có hộ khẩu thường trú, tạm trú trên 6 tháng khu vực các đường Nguyễn Thị Tư, Đặng Thanh Hiếu, cũng được miễn phí qua trạm.

Dự án đường nối Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu được TPHCM ký hợp đồng với nhà đầu tư thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) vào năm 2012. Công trình có tổng mức đầu tư khoảng 461 tỷ đồng với quy mô xây tuyến đường dài khoảng 2,6km, rộng 30m.