Nghề kế toán chịu nhiều ảnh hưởng từ AI

(Dân trí) - Kế toán là một trong những nghề có nhu cầu tuyển dụng rất cao hiện nay. Tuy nhiên, sắp tới, những công việc có xu hướng lặp đi lặp lại như nhập liệu kế toán, xuất hóa đơn… sẽ được thay thế bởi AI.

Kế toán có lẽ là công việc có tính phổ biến rất cao, xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp có quy mô nhân sự trên 10 người.

Nói về nhu cầu nhân lực của nghề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TPHCM, khẳng định: "Chỉ khi nào không còn doanh nghiệp, doanh nhân thì kế toán mới thất nghiệp".

Tuy nhiên, người làm nghề kế toán đang đối mặt với một "đối thủ cạnh tranh" mạnh mẽ trên thị trường việc làm, đó là AI (trí tuệ nhân tạo).

Những công nghệ như số hóa chứng từ, hồ sơ, dữ liệu lớn và phân tích, quy trình làm việc và tự động hóa công việc… đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động nghề nghiệp lĩnh vực kế toán, kiểm toán.

Nghề kế toán chịu nhiều ảnh hưởng từ AI  第1张

AI tác động nhiều đến nghề kế toán (Ảnh minh họa: Hutech).

Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới do Navigos Group cùng Hội Kế toán TPHCM, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và Học viện Smart Train thực hiện cho thấy rõ điều này.

Theo báo cáo trên, có 78,2% doanh nghiệp và 83,4% cá nhân người làm công tác kế toán, kiểm toán được khảo sát đánh giá ảnh hưởng của sự phát triển công nghệ đến nghề nghiệp ở mức độ quan trọng và rất quan trọng.

Tương lai, vai trò của các ứng dụng truyền thống như phần mềm kế toán, phần mềm thuế có khuynh hướng giảm bớt. Trong khi đó, các ứng dụng công nghệ hiện đại như hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP), phần mềm bảo mật, công cụ phân tích và trình bày dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây sẽ được sử dụng nhiều hơn.

Công nghệ giúp người làm nghề này nâng cao hiệu suất, linh hoạt và thuận tiện và giảm bớt công việc nhàm chán.

Đối với doanh nghiệp, việc ứng dụng công nghệ mang lại nhiều lợi ích như giảm thời gian xử lý công việc, không cần bổ sung nhân sự khi quy mô tăng trưởng.

Bà Chu Thị Ngọc Hạnh, Giám đốc Tài chính của Navigos Group, cho rằng: "Các công việc giản đơn, có xu hướng lặp đi lặp lại hay hành chính như nhập liệu kế toán, xuất hóa đơn… sẽ được thay thế bởi máy móc và AI nhiều hơn.

Do vậy, nhóm nhân lực cho các loại hình công việc này sẽ ít cơ hội việc làm hơn, họ cần phải học hỏi các kỹ năng và chuyên môn mới để đáp ứng với yêu cầu thay đổi của thị trường lao động".

Tuy nhiên, xu hướng này lại không tích cực đối với những kế toán chậm chuyển đổi. Đồng thời, lực lượng sinh viên mới ra trường sẽ đối mặt với cơ hội việc làm ít hơn.

Theo Báo cáo nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới, nhóm ngành kế toán - kiểm toán đang phát triển nhanh chóng và có vị trí quan trọng trong các trường đại học. Hiện cả nước có 128 trường đại học mở các ngành này với hơn 92.000 sinh viên đang theo học, chiếm gần 5% tổng số sinh viên đại học cả nước.

Bà Chu Thị Ngọc Hạnh trấn an: "Qua nhiều năm, số lượng đăng tuyển ngành kế toán - kiểm toán thường đứng hàng thứ ba sau các ngành sản xuất, kinh doanh - marketing và xu hướng này vẫn có thể tiếp tục".