Trong Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024, chị Lanny Phetnion, giảng viên Đại học Quốc gia Lào trở thành người nước ngoài đầu tiên xuất sắc lọt vào danh sách 5 thí sinh đạt giải Sứ giả tiếng Việt.

Việt Nam và Lào là 2 quốc gia có mối quan hệ hữu nghị son sắt và lâu dài với nhiều nét tương đồng về văn hóa cùng truyền thống nhân ái, bao dung. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào tương đối đông, khoảng hơn 100.000 người, phân bổ ở 18 tỉnh, thành trên cả nước, trong đó khoảng 40.000 người ở Thủ đô Vientiane.

Nhiều năm qua, công tác giảng dạy tiếng Việt ở Lào được đẩy mạnh không chỉ trong cộng đồng người Việt ở Lào mà còn lan tỏa đến nhân dân Lào. Tiếng Việt đang được phổ biến và dạy trong nhiều trường học của Lào, trong cộng đồng người Việt Nam tại Lào, cũng như các lớp ngắn hạn trong các cơ quan, chính quyền của Lào. Ngoài ra, có rất nhiều du học sinh người Lào sang Việt Nam học tập, nghiên cứu và nhiều sinh viên Việt Nam đang học tập tại Lào.

Nữ giảng viên Đại học Quốc gia Lào và tình yêu với văn hóa, ngôn ngữ Việt  第1张Lễ trao giải Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024.

Trong Cuộc thi Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2024, vượt qua rất nhiều thí sinh ở khắp năm châu, chị Lanny Phetnion, giảng viên Đại học Quốc gia Lào trở thành người nước ngoài đầu tiên xuất sắc lọt vào danh sách 5 thí sinh đạt giải Sứ giả tiếng Việt.

Cuộc thi do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao phát động hướng đến đối tượng là các cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu tiếng Việt, có hoạt động, sáng kiến hiệu quả trong dạy học và lan tỏa tiếng Việt.

Nữ giảng viên Đại học Quốc gia Lào và tình yêu với văn hóa, ngôn ngữ Việt  第2张Nữ giảng viên Đại học Quốc gia Lào và tình yêu với văn hóa, ngôn ngữ Việt  第3张Với vai trò giảng viên Đại học Quốc gia Lào, Lanny đã lan tỏa tình yêu tiếng Việt đến các sinh viên. 

Tại Đại học Quốc gia Lào, các sinh viên học tiếng Việt thường gọi nữ giảng viên Lanny Phetnion là cô Lan. Chị sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo, nằm ở một thung lũng nhỏ của tỉnh Hủa Phăn, miền Bắc Lào. “Nhắc đến Hủa Phăn có thể nhiều người Việt Nam không biết, nhưng nói đến Sầm Nưa thì chắc chắn sẽ rất quen thuộc bởi tôi đã từng nghe rất nhiều người Việt hát được bài “Cô gái Sầm Nưa”, chị nói. 

Chia sẻ về hành trình đến với ngôn ngữ Việt, chị chia sẻ, khi còn học phổ thông tại Hủa Phăn, bản thân chưa từng nghĩ rằng sẽ học và bén duyên với tiếng Việt. Đến năm lớp 12, chị đạt Giải nhì học sinh giỏi của huyện và được chính quyền địa phương, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào tặng suất học bổng tại Khoa tiếng Việt Đại học Quốc gia Lào. Lúc đó, chị rất hào hứng vì sẽ được đi học ở Thủ đô Vientiane phồn hoa, sôi động, hoàn toàn khác biệt với vùng quê nơi mình sinh sống. 

Gia đình chị biết tin con gái được học bổng đại học vừa mừng vừa lo, một phần do hoàn cảnh gia đình còn khó khăn. Tuy nhiên, bằng ý chí và sự quyết tâm, chị Lanny thuyết phục gia đình và sẵn sàng chặng đường chinh phục tiếng Việt.

Những ngày đầu, chị cũng như những người khác trong lớp đều chưa biết gì về tiếng Việt, tất cả bắt đầu từ con số 0. Đến năm thứ 4, lớp chị được tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn tại Đại học Hà Nội, trong đó chị và các bạn đã được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa để nâng cao khả năng giao tiếp tiếng Việt như múa, hát, thể dục thể thao... Chị Lanny đã đạt Giải nhì phần thi hát tiếng Việt trong Chương trình Ngày hội Giao lưu văn hoá đa quốc gia.

Lanny cho biết, đối với nhiều người, phần khó nhất của tiếng Việt là phát âm, còn với chị, ngữ pháp là khó nhất. Sau 5 năm học, nhờ tình yêu với văn hóa Việt Nam, chị đã có thể thông thạo tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ và tự tin giới thiệu với mọi người, với gia đình và bạn bè bằng tiếng Việt về đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam.

Nữ giảng viên Đại học Quốc gia Lào và tình yêu với văn hóa, ngôn ngữ Việt  第4张Lanny xuất hiện trong nhiều chương trình lớn của 2 quốc gia Việt Nam - Lào.

Khẳng định đã chọn học đúng ngành và không hề cảm thấy tiếc nuối, chị Lanny cho rằng, bản thân là một người may mắn vì Lào và Việt Nam có mối quan hệ hợp tác toàn diện nên cơ hội làm việc sẽ có rất nhiều, miễn là học tốt.

Bên cạnh công việc giảng dạy, chị Lanny còn dẫn chương trình thời sự tiếng Việt tại Đài Truyền hình Quốc gia Lào, MC tiếng Lào – Việt cho các sự kiện và điều hành một trung tâm giảng dạy tiếng Lào - Việt.

Không dừng lại ở những công việc trên, chị Lanny còn lập kênh Tiktok, Youtube... để chia sẻ, giới thiệu và dạy cách học tiếng Việt, tiếng Lào. Chị cũng tự biên soạn những cuốn sách học tiếng Việt và tiếng Lào có nhiều cấp độ từ dễ đến nâng cao.

"Tất cả những gì tôi đã và đang làm đều với mong muốn góp một phần nhỏ bé của mình vào mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào - Việt Nam mãi vững bền", Lanny bày tỏ. 

Nữ giảng viên hy vọng, trong tương lai không xa, những học viên của chị cũng sẽ là những sứ giả tiếng Việt giúp lan tỏa hơn nữa tiếng Việt tới những người thân của họ, để thêm nhiều người trên thế giới biết đến Việt Nam.