Mỗi ngày có khoảng 30 người ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về
(Dân trí) - Sáng 30/8, tại Tổ đình Từ Đàm (phường Trường An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế) chính thức diễn ra Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024.
Sự kiện trên do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức.
Đại lễ cầu siêu năm 2024 nằm trong chuỗi các hoạt động "Tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2024".
Đại lễ cầu siêu các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông năm 2024 diễn ra tại chùa Từ Đàm, Huế (Ảnh: Vi Thảo).
Đại lễ diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/8, với các nghi lễ: hưng tác thượng phan, nghinh phan sơn thủy, lễ bạch Phật khai kinh, tụng kinh thủy sám, cung tiến chư hương linh, lễ bạt độ giải oan, đại lễ cầu siêu, đốt nến tưởng niệm, tụng kinh Địa Tạng, dâng hương cầu nguyện, thọ trai, đăng đàn chẩn tế cô hồn.
Trưởng lão hòa thượng Thích Đức Thanh, Ủy viên Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chư lão hòa thượng chủ trì đại lễ.
Đại lễ cầu siêu có sự tham gia của nhiều gia đình có người thân tử nạn vì tai nạn giao thông và đông đảo người dân, phật tử tại Huế đến tụng kinh, tưởng niệm.
Chư lão hòa thượng dâng hương tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông (Ảnh: Vi Thảo).
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 30 người bước ra khỏi nhà và không bao giờ quay trở về; cùng với đó là hàng chục gia đình tan nát vì tai nạn giao thông.
Trong 8 tháng đầu năm, cả nước xảy ra hơn 16.000 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 7.000 người, bị thương hơn 12.000 người, trong đó, trên đường bộ xảy ra hơn 15.900 vụ, làm chết 6.987 người.
Riêng trong tháng 8, cả nước xảy ra hơn 1.800 vụ, làm chết 873 người, bị thương 1.272 người.
Thực hiện Nghị quyết A/64/L.44 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, hàng năm Việt Nam cùng với các quốc gia trên thế giới tổ chức các hoạt động hưởng ứng "Ngày Thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông".
Đại lễ cầu siêu diễn ra trong 2 ngày 30 và 31/8 (Ảnh: Vi Thảo).
Với tinh thần "Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Đại lễ cầu siêu là một nghĩa cử mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời do tai nạn giao thông, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu.
Đồng thời, kêu gọi các cơ quan hữu quan của nhà nước từ Trung ương đến địa phương, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân tai nạn giao thông.
Đăng thảo luận