Mỗi chấp hành viên tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức phải thụ lý 400-500 việc/năm, khối lượng công việc lớn nhưng biên chế thiếu rất nhiều.
Ban pháp chế, HĐND TP.HCM giám sát về tình hình thi hành án dân sự tại TP Thủ Đức - Ảnh: TIẾN LONG
Thông tin được bà Nguyễn Thị Thu - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức - báo cáo với Ban pháp chế, HĐND TP.HCM tại buổi giám sát về tình hình thi hành án dân sự đối với các vụ việc có điều kiện thi hành án nhưng chậm thi hành từ 3 năm trở lên, chiều 8-10.
Vụ 'chây ì thi hành án': Cục Thi hành án yêu cầu TP Thủ Đức báo cáo
Bà Nguyễn Thị Thu làm chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức
Bộ Chính trị quy định mới về bảo vệ cán bộ tố tụng, thi hành án
Báo cáo với đoàn giám sát, bà Thu cho biết Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức thành lập từ năm 2020 từ việc gộp 3 cơ quan thi hành án dân sự quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức cũ.
Địa bàn Thủ Đức có diện tích rộng, số lượng án phải thi hành lớn tương đương một tỉnh miền Bắc, miền Trung, nhưng biên chế lực lượng chấp hành viên ít, thiếu biên chế so với số lượng được giao.
Bà Thu so sánh hiện số lượng biên chế của Tòa án nhân dân TP Thủ Đức khoảng 120, Viện kiểm sát nhân dân TP Thủ Đức là 75 nhưng của Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức hiện chỉ có 47/49 biên chế.
Về cơ cấu nhân sự, có 26 chấp hành viên (bao gồm chi cục trưởng và 4 phó chi cục trưởng) nhưng hiện tổng số thụ lý (về việc, về tiền) chi cục này phải giải quyết gần 12.000 hồ sơ. Trung bình mỗi chấp hành viên tại chi cục phải thụ lý 400-500 việc/năm. Số lượng vụ việc kiểm tra hiện trạng, kê biên, giao tài sản, bán đấu giá… diễn ra với tần suất dày đặc.
Việc này gây áp lực rất lớn cho công chức thi hành án mặc dù đã làm thêm giờ, làm thêm thứ bảy, chủ nhật nhưng chưa thể hoàn thành 100% khối lượng công việc quá lớn.
Mặt khác do công việc của văn phòng quá tải, nên phải lấy 3 thư ký chuyên làm công tác văn phòng, 1 thư ký chuyên làm công tác báo cáo thống kê và 1 thư ký chuyên làm công tác Đảng.
Hầu hết chấp hành viên tại Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức không có thư ký và số lượng thư ký tại chi cục thiếu trầm trọng, làm ảnh hưởng đến hiệu quả giải quyết công việc.
Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức Nguyễn Thị Thu báo cáo - Ảnh: TIẾN LONG
Theo bà Thu, số lượng văn bản hằng năm phải tống đạt là hơn 25.000, số lượng văn bản đến hằng năm khoảng 10.000.
Trong khi đó, đối với hình thức tống đạt, giao nhận văn bản qua con đường giao nhận trực tiếp, xác minh điều kiện thi hành án trực tiếp… mất rất nhiều thời gian, công sức của chấp hành viên, thư ký thi hành án, đặc biệt đối với đương sự có địa chỉ xa cơ quan thi hành án ở ngoài TP Thủ Đức, ở ngoài TP.HCM.
"Hiện nay qua từng năm, số lượng vụ việc phải thi hành án ngày càng tăng, tính chất ngày càng phức tạp, giá trị tiền và tài sản thi hành ngày càng lớn, trong khi đó theo quy định của pháp luật, việc tổ chức thi hành án dân sự với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ tạo ra khối lượng công việc rất nhiều, gây áp lực cho cán bộ, công chức chi cục thi hành án", bà Thu nêu.
Từ những khó khăn trên, Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức kiến nghị được tăng biên chế của chi cục lên 70 người để đáp ứng yêu cầu công việc, trong đó bổ sung 16 thư ký, 5 chuyên viên làm công tác văn phòng.
Cùng với đó, cần xây dựng hỗ trợ cơ chế đặc thù cho chi cục, bổ sung nguồn nhân lực trẻ, có tâm huyết với nghề, năng động, đầy năng lượng sống, có trình độ chuyên môn, trình độ công nghệ thông tin.
Thiết lập mô hình đặc thù cho Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức
Chi cục Thi hành án TP Thủ Đức kiến nghị ngành thi hành án xây dựng, thiết lập Chi cục Thi hành án dân sự TP Thủ Đức là một mô hình đặc thù theo hướng xây dựng mới về cơ cấu tổ chức.
Trong đó thành lập các phòng ban chuyên môn theo mô hình cấp cục thi hành án như bộ phận văn phòng - lưu trữ, phòng công tác Đảng, phòng tài chính - kế toán… hoạt động chuyên trách, không kiêm nhiệm.
Bên cạnh việc xây dựng mô hình mới, cần bổ sung thêm quy chế hỗ trợ phụ cấp cho các cán bộ, công chức giữ vị trí trưởng, phó phòng.
Đăng thảo luận