Muốn "Tăng trưởng thần tốc" cần hành xử thế nào?

(Dân trí) - Làm cách nào để công ty khởi nghiệp của mình trở thành một doanh nghiệp… khổng lồ, với quy mô toàn cầu trong thời đại Internet? Dù chỉ rất ít, nhưng vẫn có một số công ty khởi nghiệp đạt tới mục tiêu hoành tráng ấy, và “bí kíp” của họ được các tác giả  Reid Hoffman và Chris Yeh giới thiệu trong sách "Tăng trưởng thần tốc" (Blitzscaling).

Vì sao cần…. thần tốc?

Từ “Blitz” (thần tốc) trong thuật ngữ “Blitzscaling” (tăng trưởng thần tốc”) đã bắt nguồn từ chiến lược… “Blitzkrieg” (chiến tranh chớp nhoáng) của… Phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hồi thế kỷ 20. “Blitz” diễn tả một nỗ lực toàn lực, và bất ngờ, để có thể chiến thắng nhanh, gọn. 

Thuật ngữ “Blitz” được sử dụng như một phép ẩn dụ, dùng phổ biến trong ngữ cảnh ngoài quân sự, theo nghĩa “Con đường nhanh nhất để xây dựng nên những doanh nghiệp khổng lồ”, như tựa phụ của sách Tăng trưởng thần tốc (Blitzscaling) của các tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh.

Bìa cuốn sách.

Theo họ, tăng trưởng thần tốc là sự phát triển “chớp nhoáng” bằng cách ưu tiên về tốc độ hơn là về hiệu quả, ngay cả trong một môi trường bất ổn.

Với một sản phẩm hấp dẫn, một thị trường rộng lớn và rõ ràng, cùng một kênh phân phối mạnh mẽ, lúc đó một công ty khởi nghiệp (start-up) sẽ có cơ hội chín muồi để trở thành một công ty scale-up (đã khởi nghiệp thành công và bắt đầu mở rộng quy mô) có thể thay đổi thế giới và ảnh hưởng đến hàng triệu, thậm chí là hàng tỷ người.

Con đường nhanh nhất, trực tiếp nhất để đi từ công ty start-up tới công ty scale-up là siêu tăng trưởng, được tạo ra bởi tăng trưởng thần tốc.

“Với các công ty lớn, đã có vị thế vững chắc trên thị trường, cơ hội để hành động thật sự rất nhỏ, nhỏ như trong… chớp mắt. Sự chần chừ chỉ trong vài tháng cũng có thể tạo ra sự khác biệt đáng kể giữa người dẫn dắt thị trường và kẻ chạy theo thị trường.” - ông Bill Gates, chủ tịch tập đoàn Microsoft, lưu ý như vậy.

Và đó cũng là… bí mật của Thung lũng Silicon (Silicon Valley, ở phía bắc California, Hoa Kỳ, nơi tập trung các công ty khổng lồ về công nghệ cao): Tăng trưởng thần tốc.

Theo các tác giả, mô hình tăng trưởng thần tốc không phải đi từ 0 tới 1, mà là đi từ 1 tới 1 tỷ nhanh nhất có thể, với tốc độ là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất.

Tăng trưởng thần tốc và… thất bại thần tốc

Tăng trưởng thần tốc không phải là một chiến lược vĩnh viễn.

Tăng trưởng thần tốc giống như… bình nhiên liệu phụ trong máy bay phản lực, cho phép bay với tốc độ gấp hai - ba lần nhưng tiêu hao nhiên liệu một cách khủng khiếp, nên bạn không thể chỉ đơn giản chuyển qua sử dụng bình nhiên liệu phụ và không bao giờ tắt chúng.

“Nếu thị trường của bạn ngừng tăng trưởng, hoặc đã chạm trần giới hạn, bạn nên ngừng tăng trưởng thần tốc.” – các tác giả cảnh báo.

Những rủi ro có thể hoàn toàn xảy ra với một công ty chọn con đường phát triển thần tốc. Khi đó, việc chớp nhoáng… sớm quá sẽ không giúp công ty tăng trưởng thần tốc (blitzscale), mà sẽ dẫn tới… thất bại thần tốc (blitzfailing).

Cảnh báo như vậy là… sòng phẳng, bởi sự lựa chọn tăng trưởng thần tốc luôn gắn với việc chấp nhận rủi ro, chấp nhận sẵn sàng trả chi phí cho sự thiếu hiệu quả hoạt động đáng kể, nhằm đổi lấy khả năng phát triển nhanh hơn. Theo các tác giả, những rủi ro và chi phí ấy là có thể chấp nhận được, trong trường hợp rủi ro và chi phí do phát triển quá chậm thậm chí còn lớn hơn.

Những phân tích cùng các lời khuyên cụ thể như vậy luôn gắn liền với những câu chuyện được kể xuyên suốt trong sách, về 32 công ty tăng trưởng thần tốc khác nhau, như Alphabet Inc. Amazon, Apple, Airbnb, Facebook, Microsoft, Netflix, PayPal, Spotify, Tencent, Tesla, Twitter, Uber,…

Từ đó, sách hướng dẫn về chiến lược và luật chơi, những bí quyết và thủ thuật, những khuôn khổ và chiến lược về tăng trưởng thần tốc cho các lãnh đạo, doanh nhân, và chủ doanh nghiệp.

Sách được viết dựa trên kinh nghiệm cá nhân của tác giả Reid Hoffman - đồng sáng lập PayPal; đồng sáng lập, và hiện là chủ tịch điều hành LinkedIn; một nhà đầu tư chính vào Facebook và Airbnb,…

Trước khi in thành sách, các tác giả đã dạy về “Tăng trưởng thần tốc dựa trên công nghệ” ở lớp CS183C, tại trường đại học Stanford, vào mùa thu năm 2015. Khóa học thu được những ý kiến phản hồi qua các thảo luận với sinh viên, kể cả qua những tiểu luận cuối khoá. Sau đó, vào cuối năm 2017, họ đã nói chuyện với hàng trăm doanh nhân và giám đốc điều hành đến từ những công ty có giá trị nhất thế giới, nhằm tìm lời đáp minh bạch đối với câu hỏi quan trọng: Liệu bí kíp tăng trưởng thần tốc có thể áp dụng ở những nơi khác?

Sách Tăng trưởng thần tốc ra đời từ quá trình “thai nghén” như vậy, thu hút được sự quan tâm của các doanh nhân muốn xây dựng công ty lớn, của các nhà đầu tư mạo hiểm muốn đầu tư vào họ, của các nhân viên muốn làm việc cho họ, và của cả những chính phủ và cộng đồng muốn khuyến khích sự phát triển của các công ty loại “công-ty-mười-ngàn-nhân-viên” trong khu vực của mình.

Câu chuyện cảnh báo về… “ông khổng lồ”

Dĩ nhiên, đây cũng là một cuốn sách thuộc loại… "Tham lam là Tốt" (Greed is Good).

Sách gợi ý rằng, bằng cách đi sâu vào và mạo hiểm mọi thứ, một số ít công ty sẽ có thể vượt lên trên phần còn lại để chiếm lĩnh thị trường. Nhưng sẽ có bao nhiêu lãnh đạo công ty sẵn sàng chấp nhận những rủi ro đó cho công ty mình? Và sẽ có bao nhiêu công ty có thể trở thành nhà dẫn đầu thị trường?

Nói cách khác, cũng có thể coi đây là một… cuốn sách “Câu chuyện cảnh báo” về loại rủi ro có thể không đáng để chấp nhận, tuỳ theo góc nhìn của từng người đọc.

Thêm nữa, để có thể tăng trưởng thần tốc thành công, trở nên “công-ty-mười-ngàn-nhân-viên” có quy mô toàn cầu, lãnh đạo công ty phải bỏ qua một số luật và quy định, nghĩa là cần hành xử hệt như một tên... cướp biển - các tác giả khuyên như vậy.

Trên thực tế, vài năm nay, sức mạnh và sự giàu có của năm “gã khổng lồ web” GAFAM (Google, Amazon, Facebook, Apple và Microsoft), với thị trường hàng tỉ người dùng trên toàn cầu - “một thế giới không biên giới” - đã gây lo ngại và thúc đẩy cả châu Âu, Hoa Kỳ cân nhắc các hành động pháp lý chống lại họ.

Chưa thể lôi mọi thứ ra ánh sáng, để đối chiếu xem có phải GAFAM luôn hành xử y hệt “cướp biển” như các tác giả Reid Hoffman và Chris Yeh đã đúc kết nên mô hình “Tăng trưởng thần tốc” trong sách. Dù sao, GAFAM đã bắt đầu rơi… mặt nạ, khi bị lộ ra chuyện họ âm thầm theo dõi mọi động thái của người dùng, thu thập những dữ liệu cá nhân trên quy mô lớn để bán lại chúng, hoặc sử dụng chúng vì lợi ích của họ.

 Có lẽ các tác giả cũng đã nhận ra mặt khiếm khuyết bẩm sinh của mô hình ấy, nên đã dành hẳn Phần VI ở cuối sách để bàn về… tăng trưởng thần tốc có trách nhiệm.

“Cân bằng giữa những ưu tiên về trách nhiệm và tốc độ, tức xác định rõ ràng sứ mệnh của công ty (trở thành một người khổng lồ toàn cầu), đặt nền móng cho một nền văn hóa coi trọng việc trở thành một phần trách nhiệm của một xã hội rộng lớn” - họ đề nghị như vậy.

Nhựt Minh