Phú Quốc, Hòn Sơn và Nam Du (huyện Kiên Hải, Kiên Giang) có lợi thế cảnh đẹp biển rừng, vườn cây ăn trái và có văn hóa bản địa rất riêng. Địa phương sẽ làm gì phát triển du lịch cộng đồng để người dân cùng hưởng lợi?
Khách du lịch vui vẻ đến trải nghiệm, tham quan nét đẹp Rạch Vẹm ở xã Gành Dầu (TP Phú Quốc) - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ngày 13-10, liên quan đến vấn đề trên, ông Đỗ Trần Thịnh - chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kiên Giang - cho biết nông dân ở Hòn Sơn, Nam Du (huyện Kiên Hải) sở hữu nhiều bè cá, vườn trái cây và người dân đánh bắt thủy sản trên biển nên hội tụ đủ tiềm năng và lợi thế phát triển du lịch cộng đồng, phục vụ khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy lợi thế có nhưng người dân vẫn chưa khai thác du lịch tốt, còn tự phát và chưa chuyên nghiệp, chưa mang tính cạnh tranh cao. Khách du lịch có đến nhưng người dân chưa hưởng lợi nhiều.
Ông Thịnh cho biết địa phương cần quan tâm bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên và văn hóa bản địa; đào tạo và nâng cao kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ cho người dân bản địa làm du lịch cộng đồng.
Ngoài ra cần tập trung phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái và trải nghiệm lặn ngắm san hô, câu cá cùng ngư dân... và có chiến lược xúc tiến, quảng bá đủ tầm để giới thiệu hình ảnh du lịch biển đảo Phú Quốc, Hòn Sơn và Nam Du đến với du khách.
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, ở ấp Rạch Vẹm (xã Gành Dầu), xóm chài Trần Phú (phường Dương Đông, TP Phú Quốc), người dân nơi đây vẫn nuôi bè cá gắn liền với phát triển du lịch. Khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm nhiều.
Chị Trần Thị Ánh Ngọc - chủ nhà bè Nhà Trên Biển (ở ấp Rạch Vẹm) - cho biết khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài đến đây rất thích trải nghiệm, tham quan bè cá, cho cá ăn, giăng lưới, bắt ốc rồi tắm biển và ngắm hoàng hôn.
Đi chơi Tết, du khách mê tít ngắm san hô, bắt cá, bắt nhum ở Phú Quốc, Hòn Sơn, Nam Du
Khách trải nghiệm ở làng chài Rạch Vẹm đều được người dân hướng dẫn, theo sát đảm bảo an toàn. Cá, ốc mà du khách bắt được đều được người dân trên bè nướng giúp không cần tốn tiền.
"Phú Quốc có cảnh biển rừng đẹp, người dân rất mến khách. Người dân cũng khai thác các sản phẩm du lịch dân dã như chài lưới, giở dớn bắt cá, mò ốc nhưng khách rất thích. Đây cũng là mấu chốt quan trọng mà tôi nghĩ du khách sẽ cảm mến, ấn tượng, hòa mình với thiên nhiên ở Phú Quốc", chị Ngọc vui vẻ nói.
Khách du lịch chụp ảnh bên cảnh biển rừng Phú Quốc - Ảnh: CHÍ CÔNG
Nhum biển là món ăn ngon mà bất kỳ du khách nào đến làng chài Rạch Vẹm cũng thưởng thức - Ảnh: CHÍ CÔNG
Cuối tuần người dân Phú Quốc cũng vui chơi, lặn bắt ốc ở dưới biển - Ảnh: CHÍ CÔNG
Khách quốc tế và trong nước đến nhà bè Nhà Trên Biển của chị Ngọc tham quan, chụp ảnh đàn cá mú đang được nuôi - Ảnh: CHÍ CÔNG
Ông Nguyễn Chí Thanh - phó giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang - thông tin sắp tới sẽ đào tạo nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt nhân lực phục vụ du lịch nông thôn.
Năm nay sở sẽ mở một số buổi bồi dưỡng thêm kiến thức, kỹ năng phục vụ du khách cho người dân khai thác du lịch cộng đồng.
"Hòn Sơn, Nam Du và đặc biệt Phú Quốc có thế mạnh du lịch cộng đồng như vườn cây ăn trái, vườn tiêu, làng chài. Khách nước ngoài rất thích sản phẩm này. Địa phương cần quan tâm tôn tạo các di tích lịch sử để cho ra những sản phẩm du lịch tâm linh và du khách hiểu hơn về lịch sử, văn hóa đất và người Phú Quốc", ông Thanh nhấn mạnh.
Sở Du lịch Kiên Giang cho biết 9 tháng đầu năm 2024, Kiên Giang đón hơn 8,3 triệu lượt khách (tăng hơn 15% so với cùng kỳ). Trong đó khách quốc tế hơn 736.000 lượt, tổng doanh thu ước đạt khoảng 19.787 tỉ đồng.
Cá do du khách giăng lưới bắt được - Ảnh: CHÍ CÔNG
Giăng lưới trên biển bắt cá luôn được du khách lựa chọn trải nghiệm - Ảnh: CHÍ CÔNG
Đăng thảo luận