YênBái - Những năm qua, Hội Nông dân huyện Văn Chấn đã thực hiện tốt việc ủy thác cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm đưa nguồn vốn ưu đãi đến tận tay người thụ hưởng, giúp nhiều hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của địa phương. Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Phan Nguyên Hà - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn về công tác này.

Hội Nông dân huyện Văn Chấn phát huy vai trò ủy thác vốn vay  第1张 Ông Phan Nguyên Hà - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn (thứ 2, từ trái sang) kiểm tra các hộ gia đình sử dụng vốn vay ủy thác tại xã Thượng Bằng La.

>> Trên 48,8 tỷ đồng vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024
P.V: Thưa ông, Hội Nông dân Văn Chấn đã thực hiện những biện pháp nào để đảm bảo nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) được sử dụng hiệu quả và đúng mục đích?
Ông Phan Nguyên Hà: Thực tế cho thấy, đối với các chương trình cho vay cần phải khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu vay vốn, mục đích của người vay. Theo đó, các hộ có nhu cầu vay vốn cùng nhau xây dựng kế hoạch, phương án sử dụng vốn, cách thức đầu tư và đánh giá trước hiệu quả mô hình. Ngân hàng CSXH, tổ tiết kiệm vay vốn giúp đỡ hỗ trợ các thủ tục, hồ sơ cho vay thuận tiện, giải ngân nhanh chóng; người nông dân sử dụng nguồn vốn đúng mục đích theo đúng kế hoạch đã xây dựng. 
Cùng với cán bộ, công chức phòng, ban của huyện, công chức xã là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện, xã hướng dẫn thực hiện, như: cán bộ Trung tâm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp huyện hướng dẫn kỹ thuật, quy trình nuôi trồng, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi (đối với mô hình sản xuất nông - lâm, ngư nghiệp); cán bộ địa chính - xây dựng xã hướng dẫn xây dựng các công trình nhà vệ sinh, nước sạch; công chức lao động, thương binh - xã hội xã hướng dẫn chương trình cho vay đối với học sinh sinh viên, hộ nghèo... 
Sự phối hợp chặt chẽ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân được đầu tư, mở rộng, phát triển kinh tế, nâng cao mức sống, sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp phần giảm số hộ nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, Hội Nông dân cùng với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH phối hợp chặt chẽ, lồng ghép có hiệu quả giữa tín dụng CSXH với các chương trình, dự án, các hoạt động và phong trào phát động hàng năm. Phối hợp với các cơ quan liên quan để hỗ trợ kỹ thuật, chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư… để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. 
Thông qua đó, đã nâng cao nhận thức của người vay trong việc tuân thủ nguyên tắc tín dụng "có vay có trả”; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, người vay không chỉ biết nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm mà còn biết quản lý, sử dụng vốn hiệu quả và nắm bắt thị trường.
P.V: Những yếu tố nào góp phần quan trọng nhất giúp Hội Nông dân phát huy tốt vai trò trong công tác ủy thác vốn vay từ Ngân hàng CSXH, thưa ông?
Ông Phan Nguyên Hà: Phải khẳng định rằng, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH với Hội Nông dân huyện đã có sự gắn bó rất chặt chẽ, mật thiết trong công tác ủy thác. 
Phát huy điểm mạnh của một bên là Ngân hàng - tổ chức tài chính tín dụng chuyên nghiệp, trực tiếp quản lý, thực hiện các hoạt động cho vay và một bên là mạng lưới tổ chức các cấp Hội trải rộng từ tỉnh đến các chi, tổ hội, hoàn cảnh của từng hội viên, nông dân, mục tiêu đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng, hiệu quả, đảm bảo dân chủ, công khai và minh bạch, góp phần giúp cho hội viên nông dân nói riêng và các hộ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn chính sách tín dụng. 
Hội Nông dân huyện Văn Chấn phát huy vai trò ủy thác vốn vay  第2张
Ông Phan Nguyên Hà - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Văn Chấn 

Mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn có vai trò quan trọng trong việc bình xét, giám sát, đôn đốc trả nợ, thực hành tiết kiệm của tổ viên, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của hộ vay, do vậy chất lượng tổ tiết kiệm vay vốn là yếu tố quyết định đến chất lượng tín dụng. 
Hội chú trọng bố trí người làm công tác ủy thác có tính ổn định, lâu dài, đủ năng lực, trình độ, nhiệt tình, trách nhiệm trong tham mưu và tổ chức thực hiện các hoạt động ủy thác. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động ủy thác của các cấp hội, tổ tiết kiệm và vay vốn, người vay vốn…
P.V: Những thách thức mà Hội Nông dân đang đối mặt trong công tác ủy thác vay vốn từ Ngân hàng CSXH và giải pháp để khắc phục là gì, thưa ông?
Ông Phan Nguyên Hà: Hiện nay, những thách thức mà Hội đang gặp phải đó là việc khảo sát nhu cầu vay vốn để thực hiện nhiệm vụ tăng trưởng dư nợ đang gặp nhiều khó khăn; một số hộ nghèo chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế; hoặc sử dụng vốn vay đã thoát nghèo nhưng thiếu bền vững, còn nguy cơ tái nghèo; việc kết hợp các chương trình tín dụng chính sách với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ... 
Từ đó, Hội đã triển khai giải pháp khắc phục cụ thể: căn cứ nguồn vốn phân bổ hằng năm, Hội làm việc với các xã, thị trấn cùng thống nhất rà soát nhu cầu vay vốn đối với hội viên, nông dân trên địa bàn. 
Đồng thời, chỉ đạo Hội Nông dân xã, thị trấn, các tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý lập danh sách từng hộ có nhu cầu vay vốn, mục đích sử dụng, số tiền cần vay ngay từ đầu năm. Phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH tham mưu cho Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH phân bổ nguồn vốn vay cho từng địa phương.
Song song với đó, lập danh sách hộ nghèo chưa vay vốn, đặc biệt quan tâm đến hộ nghèo có đủ điều kiện nhân lực, đất canh tác, chuồng trại nhưng chưa mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Tổ chức tuyên truyền, động viên, giúp đỡ để hội viên nông dân và người nông dân hiểu rõ về mục đích, ý nghĩa nhân văn từ các chương trình vay vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH; có phương án, kế hoạch sử dụng vốn vay rõ ràng và đánh giá hiệu quả sử dụng nguồn vốn. 
Bên cạnh đó, Hội Nông dân huyện phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đồng thời tham mưu đề xuất UBND huyện tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên và nông dân tham gia vào các chương trình, dự án kinh tế - xã hội, nhất là lĩnh vực nông - lâm nghiệp (Nghị quyết số 69/2020, ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh). 
Từ đó, hướng dẫn nông dân thực hiện vay vốn từ các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng CSXH. Do vậy, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân huyện Văn Chấn đã nhận ủy thác qua 23 đầu mối tổ chức Hội cấp xã, quản lý 91 tổ tiết kiệm và vay vốn với 3.023 khách hàng vay, tổng dư nợ quản lý là 193.405 triệu đồng (chiếm 25,71% tổng dư nợ toàn huyện), tăng 14.227 triệu dồng so với đầu năm, đạt 98,59 điểm chất lượng hoạt động tín dụng chính sách.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn ông!
Trần Minh (thực hiện)

Tags hội Nông dân Văn Chấn phát huy vai trò tổ chức Hội Nông dân ủy thác vốn vay