Đầu tàu dẫn dắt, lan tỏa phát triển kinh tế
Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa và xã hội mà còn là động lực kinh tế quan trọng bậc nhất cho khu vực phía Bắc, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước. Với vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng hiện đại và phát triển, cùng với sự hội tụ của các nguồn lực kinh tế, Hà Nội đang đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Ông Nguyễn Đăng Hưng - Ban Chiến lược phát triển hạ tầng và đô thị Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) đánh giá, Hà Nội không chỉ là trung tâm kinh tế, mà còn đóng vai trò dẫn dắt và liên kết các tỉnh khu vực phía Bắc, trong vùng Đồng bằng sông Hồng và vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tạo nên một mạng lưới kinh tế vùng mạnh mẽ và hiệu quả.
Một góc cầu Nhật Tân (Hà Nội).Hà Nội đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư vào vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và bất động sản. Hà Nội là một trong những địa phương thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao tại Hà Nội đã thu hút nhiều tập đoàn quốc tế, từ đó tạo ra các cơ hội việc làm và thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp phụ trợ tại các tỉnh lân cận.
Cùng với đó, Hà Nội cũng là địa phương tiên phong trong việc thúc đẩy các mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong phát triển hạ tầng và dịch vụ công. Các dự án PPP tại Hà Nội không chỉ góp phần nâng cao chất lượng hạ tầng mà còn tạo động lực cho các tỉnh lân cận áp dụng mô hình này, từ đó thúc đẩy sự phát triển đồng bộ của cả vùng.
Theo ông Nguyễn Đăng Hưng, một trong những yếu tố quan trọng giúp Hà Nội trở thành động lực phát triển kinh tế vùng là việc đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng và quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Các công trình hạ tầng giao thông quy mô lớn, bao gồm các mạng lưới đường bộ, đường sắt, cảng hàng không đã và đang được đầu tư mạnh tại Hà Nội. Những công trình này không chỉ cải thiện giao thông trong nội đô mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa và người dân. Các dự án hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, các trung tâm đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển… cũng được đầu tư mạnh mẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì vị thế trung tâm, động lực phát triển cho Hà Nội.
Cùng với đó, quá trình đô thị hóa tại Hà Nội diễn ra nhanh chóng, với sự hình thành của các khu đô thị mới, khu đô thị vệ tinh và các trung tâm thương mại, dịch vụ. Quá trình này không chỉ tạo ra nhiều việc làm và cơ hội kinh doanh mới mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực xung quanh, đặc biệt là các tỉnh lân cận.
Xác định rõ điểm mạnh, điểm yếu trong quy hoạch phát triển
Mặc dù có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế, nhưng Hà Nội cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Ông Nguyễn Đăng Hưng chỉ ra, với mật độ dân cư cao và lượng phương tiện giao thông ngày càng tăng, hệ thống giao thông của Hà Nội thường xuyên bị quá tải, gây ra ùn tắc và làm giảm hiệu quả vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người dân. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế và chất lượng sống. Mặt khác, dù Hà Nội đã và đang đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng lớn như hệ thống đường đô thị, đường vành đai, đường cao tốc, đường sắt, đường sắt đô thị… nhưng tốc độ xây dựng còn chậm và chưa đáp ứng kịp với tốc độ phát triển của thành phố.
Đặc biệt, Hà Nội thường nằm trong danh sách các thành phố có mức ô nhiễm không khí cao, đặc biệt là ô nhiễm bụi mịn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân mà còn làm giảm sức hấp dẫn của thành phố đối với các nhà đầu tư nước ngoài và khách du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống thoát nước và xử lý rác thải của Hà Nội chưa đáp ứng được nhu cầu, đặc biệt là trong các khu công nghiệp và khu vực ngoại thành. Thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, khiến nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân lực chất lượng cao…
Để phát huy vị thế và vai trò của Thủ đô, ông Nguyễn Đăng Hưng khuyến nghị, Hà Nội cần tập trung ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng giao thông hiện đại, kết nối vùng và quốc tế. Đầu tư phát triển các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt kết nối Hà Nội với các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh miền núi phía Bắc. Phát triển hệ thống giao thông công cộng liên vùng, liên kết giữa Hà Nội và các đô thị vệ tinh, thúc đẩy sự di chuyển của lao động và doanh nghiệp.
Quy hoạch đô thị theo hướng bền vững, giảm tải áp lực dân số tại khu vực trung tâm, phát triển các khu đô thị vệ tinh. Đồng thời, tăng tỷ lệ không gian công cộng, khu vực công viên và khu vực xanh trong quy hoạch đô thị, giúp cải thiện môi trường sống, nâng cao chất lượng không khí và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Song song với đó, cần xây dựng cơ chế hợp tác chặt chẽ giữa Hà Nội và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế chuyên biệt ở các tỉnh lân cận, tạo ra các chuỗi cung ứng và sản xuất liên kết với Hà Nội.
Đặc biệt, cần thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực. Hà Nội cần tiếp tục đầu tư xây dựng và hoàn thiện các khu công nghệ cao và trung tâm đổi mới sáng tạo để tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu và phát triển. Xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý để khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo. Chính sách cần linh hoạt, ưu đãi và hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ cao và khởi nghiệp sáng tạo.
Mặt khác, cần phát triển các nền tảng số dùng chung giữa Hà Nội và các tỉnh lân cận để hỗ trợ thương mại điện tử, quản lý dữ liệu, và điều hành các hoạt động kinh tế vùng. Điều này giúp các doanh nghiệp và chính quyền dễ dàng phối hợp, chia sẻ thông tin và quản lý nguồn lực một cách hiệu quả. Bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống, phát triển không gian xanh và cải thiện chất lượng không khí.
Đăng thảo luận